Gia Lai: Triển khai các lớp tập huấn về hoạt động đo lường và truy xuất nguồn gốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Gia Lai vừa xây dựng kế hoạch triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo chỉ tiêu năm 2024 nhằm cập nhật kiến thức mới, tạo điều kiện để công chức, viên chức, cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý, đo lường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Theo đó, trong quý II-2024, Sở KH-CN sẽ tổ chức 3 lớp tập huấn bao gồm: Kiến thức về kỹ thuật đo lường; truy xuất nguồn gốc theo TCVN mới ban hành; hệ thống quản lý chất lượng ISO về duy trì, đánh giá và cải tiến HTQLCL, phổ biến TCVN ISO 18091:2020.

Đối tượng tham dự các lớp tập huấn là công chức, viên chức các sở, ngành cấp tỉnh, các phòng chuyên môn cấp huyện, xã; cán bộ, nhân viên làm công tác đo lường của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh…

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với từng đối tượng. Ảnh Mai Ka

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với từng đối tượng. Ảnh Mai Ka

Các lớp tập huấn có chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo trọng tâm, trọng điểm và phù hợp từng đối tượng; cập nhật kiến thức mới, tạo điều kiện để công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu theo quy định. Các nội dung đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức phải phù hợp với điều kiện, yêu cầu và tình hình thực tế của đơn vị nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả. Đảm bảo sau khi được đào tạo, bồi dưỡng, trình độ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, viên chức được nâng lên, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.

Việc triển khai kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức nhằm trang bị kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành, UBND cấp huyện; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo phạm vi quản lý của các sở, ngành, địa phương; góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đồng thời, phổ biến các kiến thức về hoạt động đo lường, truy xuất nguồn gốc, các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đến các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã; giúp các tổ chức, cá nhân hoạt động đo lường đảm bảo chính xác, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Có thể bạn quan tâm