Gia Lai tạo đột phá trong thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Với nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh Gia Lai đã quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần tạo bứt phá trên lĩnh vực kinh tế-xã hội. Phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành xung quanh vấn đề này.

* P.V: Ông có thể đánh giá khái quát về một số kết quả đạt được trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

- Ông HỒ PHƯỚC THÀNH: Việc kêu gọi đầu tư ngày càng đa dạng, bằng nhiều hình thức và tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án chế biến sâu từ sản phẩm nông nghiệp, dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió, điện sinh khối… đã tạo sự khởi sắc trong lĩnh vực đầu tư. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút, kêu gọi đầu tư vào địa phương 515 dự án với tổng vốn đăng ký 832.925 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần số dự án và 38 lần số vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015.

Ký kết ghi nhớ giữa UBND tỉnh Gia Lai và Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ tạo tiền đề cho sự hợp tác trong tương lai. Ảnh: Kim Linh
Ký kết ghi nhớ giữa UBND tỉnh Gia Lai và Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ tạo tiền đề cho sự hợp tác trong tương lai. Ảnh: Kim Linh


Có được kết quả này, bên cạnh việc tổ chức thành công các hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh còn tổ chức hội nghị kết nối đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Nam. Mới đây, tại tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh đã tổ chức kết nối đầu tư với Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội. Hàng loạt chương trình ký kết hợp tác đầu tư tại hội nghị này sẽ là tiền đề cho sự phát triển mới về kinh tế của Gia Lai trong tương lai không xa.

Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài cũng được đặc biệt chú trọng. Cụ thể, tỉnh đã tổ chức 6 đoàn công tác đi quảng bá, xúc tiến đầu tư tại các nước: Ấn Độ, Cộng hòa Séc, Nam Phi, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản nhằm tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh trên các lĩnh vực, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra nước ngoài.

Cùng với đó, tỉnh đã tiếp cận nhiều nhà đầu tư chiến lược về phát triển, có năng lực tài chính để tìm hiểu và xúc tiến đầu tư, hợp tác trên các lĩnh vực như: Tập đoàn FLC; Tập đoàn Golf Long Thành; Tập đoàn Thành Thành Công; Tập đoàn Trung Nam; Công ty TNHH Meiwa Việt Nam thuộc Tập đoàn Meiwa Nhật Bản; Công ty KEPCO KDN thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc, Hiệp hội kinh tế, văn hóa Hàn-Việt  (KOVECA), Trung tâm Hợp tác Phát triển Quốc tế Daegu Gyeongbuk, Đại học quốc gia Kyungpook (Hàn Quốc)... hứa hẹn nhiều triển vọng về thu hút đầu tư vào tỉnh.

* P.V: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra nhiều chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội. Với vai trò tham mưu UBND tỉnh về vấn đề này, ông có thể cho biết một số giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa các chỉ tiêu?

- Ông HỒ PHƯỚC THÀNH: Với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chúng tôi khẩn trương triển khai nhiệm vụ chủ trì, tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết để thực hiện 2 trong 4 chương trình trọng tâm của Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025). Đó là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch nhằm phát huy hết các nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển.

Ký kết ghi nhớ giữa UBND tỉnh Gia Lai và Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ tạo tiền đề cho sự hợp tác trong tương lai. Ảnh: Kim Linh
Ký kết giữa Sở kế hoạch Đầu tư tỉnh Gia Lai và Công ty cổ phần Tập đoàn Alphanam. Ảnh: Kim Linh


Đồng thời, tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, triển khai thực hiện các dự án, nhất là các dự án lớn, có sức lan tỏa. Tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành; tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế chính sách về sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu… Bên cạnh đó, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai dự án đúng quy định; rà soát, đề xuất UBND tỉnh xem xét thu hồi các dự án chậm tiến độ hoặc nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện.

Cùng với đó, Sở tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đề xuất các giải pháp đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế; chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nắm bắt thời cơ, đón đầu “làn sóng” dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sau dịch Covid-19.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

 

 MINH NGUYỄN (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.