Gia Lai tăng cường quản lý và hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý và hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông.

Theo đó, thực hiện nội dung Công văn số 2382/BTTTT-CVT ngày 19-6-2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tham mưu công tác quản lý nhà nước về đầu tư, phát triển các cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh phù hợp với chiến lược, quy hoạch, quy định và hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh; ưu tiên ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường và đảm bảo mỹ quan đô thị trong đầu tư, xây dựng mới hạ tầng kỹ thuật viễn thông.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý và hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông. Ảnh: T.L

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý và hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông. Ảnh: T.L

Đồng thời, Sở tích cực tham mưu ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, các trạm BTS. Phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong việc phát triển hạ tầng viễn thông; sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành xây dựng, giao thông, điện lực; đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin.

Chủ trì, tham mưu phổ biến, hướng dẫn tuyên truyền nội dung kết luận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có bằng chứng cho thấy sóng điện từ của các trạm BTS có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và nội dung tài liệu liên quan dưới các hình thức như: phương tiện truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở, tờ rơi,... nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trong việc phát triển các trạm BTS nói riêng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông nói chung phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số…

Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải; Công an tỉnh, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh theo chức năng và nhiệm vụ được phân công tại kế hoạch chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung đạt yêu cầu đề ra.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn quản lý phù hợp quy hoạch, mỹ quan đô thị; thực hiện tốt việc quản lý, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động viễn thông; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Viễn thông triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, cấp đất và giải phóng mặt bằng, đặc biệt là đối với việc xây dựng công trình viễn thông như: cột anten, cống bể cáp, điểm phục vụ công cộng để phát triển dịch vụ điện thoại, Internet, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và khu du lịch theo quy định pháp luật.

Đồng thời, hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp viễn thông về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trạm BTS… Chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định quản lý cơ sở hạ tầng viễn thông và các hành vi phá hoại hoặc cản trở trái pháp luật việc xây dựng các công trình viễn thông tại địa phương.

Các doanh nghiệp viễn thông hoạt động trên địa bàn tỉnh bám sát các chương trình, nhiệm vụ, chỉ tiêu của Trung ương, của tỉnh và của Tập đoàn, Tổng Công ty để nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng viễn thông; đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và khu vực du lịch bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

Chuyển đổi số: Động lực để phát triển

Chuyển đổi số ở Gia Lai, động lực phát triển

(GLO)- Gia Lai đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số theo 3 trục: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội.