Gia Lai: Phát triển hạ tầng viễn thông theo công nghệ hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc xây dựng quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 là cơ sở phát triển hạ tầng viễn thông của tỉnh theo công nghệ hiện đại, chất lượng cao đảm bảo  mỹ quan đô thị và thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển bền vững.

Tạo hành lang pháp lý

Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, xuất phát từ chủ trương của Trung ương, tỉnh ta đã xây dựng quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Quy hoạch này nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông, bảo đảm cho việc khai thác hạ tầng viễn thông bền vững, hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ an toàn, an ninh thông tin, đồng thời đáp ứng yêu cầu đảm bảo cảnh quan môi trường, nhất là mỹ quan đô thị.

 

Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động góp phần làm đẹp mỹ quan đô thị. Ảnh: L.L
Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động góp phần làm đẹp mỹ quan đô thị. Ảnh: L.L

Theo quy hoạch, các khu vực trung tâm chỉ được lắp đặt loại ăng ten A1 và tỷ lệ tuyến phố khu vực đô thị lắp đặt là 10%, tức là có 94 khu vực, tuyến đường trên địa bàn tỉnh được phép quy hoạch lắp đặt. Trong đó, TP. Pleiku quy hoạch 31 tuyến đường, khu vực; thị xã An Khê 8 tuyến đường, khu vực và thị xã Ayun Pa 6 tuyến đường, khu vực… Quy hoạch trên không chỉ thống nhất việc lắp đặt cột ăng ten phù hợp, thân thiện với môi trường mà còn hạn chế tình trạng lắp đặt cột ăng ten tự phát của các đơn vị viễn thông, gây phản cảm, mất an ninh, an toàn cho người dân... “Đây là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp viễn thông tuân thủ việc xây dựng kế hoạch, chiến lược theo định hướng, từ đó, đầu tư phù hợp với quy hoạch, cảnh quan môi trường đô thị và đáp ứng công nghệ theo yêu cầu”-ông Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch các điểm cung cấp dịch vụ viễn công cộng có người phục vụ và không phục vụ tại từng địa phương và chi tiết đến từng khu vực hoặc quy hoạch về sử dụng đất của tỉnh, nhu cầu sử dụng đất xây dựng hạ tầng cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động… là yếu tố quan trọng trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, giám sát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị viễn thông trên địa bàn. Không chỉ vậy, việc quy định không cho phép xây dựng nhiều hơn 2 công trình cột cáp treo trên một tuyến cũng sẽ hướng đến mục tiêu các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung cơ sở hạ tầng, giảm chi phí đầu tư chung xã hội, đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 đạt tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng cột ăng ten trạm thu phát sóng thông tin di động đạt 20-25%.

Đảm bảo mỹ quan đô thị

Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực viễn thông với 1.347 trạm phát sóng BTS và 7 trạm điều khiển thông tin di động. Đáng nói là hiện vẫn còn một số cột ăng ten cồng kềnh, vị trí chưa hợp lý, gây mất mỹ quan đô thị... Vì vậy, quy hoạch phát triển hạ tầng viễn thông thụ động của tỉnh đến năm 2020 và định hướng 2025 đã đặt mục tiêu cải tạo, sắp xếp lại các cột ăng ten. Theo lộ trình từ năm 2018 đến 2020, sẽ tiến hành cải tạo 38 vị trí cột thu phát sóng loại A2a, A2b hiện trạng tại các tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Phan Đình Phùng, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu… (TP. Pleiku) sang loại A1…

Bên cạnh đó, việc quy hoạch lại cáp treo, ngầm hóa 20-30% hạ tầng mạng cáp viễn thông tại khu vực các tuyến đường, tuyến phố, khu đô thị, khu công nghiệp xây dựng mới… sẽ góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị khu vực trung tâm, đồng thời mở rộng, kéo dài mạng cáp đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, quy hoạch cải tạo, chỉnh trang hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình bằng cách loại bỏ dây cáp không sử dụng; sắp xếp, gia cố, neo giữ và buộc gọn hệ thống dây cáp; cải tạo di chuyển, sắp xếp các đường dây cáp nối trong đường phố… đáp ứng yêu cầu cao về mỹ quan, góp phần xóa mạng nhện dây cáp chằng chịt như hiện nay.

 

Định hướng đến năm 2025, tỉnh sẽ phát triển mới 10 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ. Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng hệ thống cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động đạt khoảng 40-45%. Tỷ lệ tuyến đường, khu vực đô thị chỉ được xây dựng cột ăng ten không cồng kềnh loại A1 đạt khoảng 25-30%. Khoảng 30-40% tuyến đường đô thị, quốc lộ, tỉnh lộ, hạ tầng kỹ thuật ngầm, tỷ lệ ngầm hóa hạ tầng mạng cáp viễn thông đạt 40-50%.

Ngoài ra, quy hoạch còn hướng đến xây dựng, lắp đặt 300 điểm truy nhập internet không dây công cộng tại các khu vực trung tâm hành chính, sân bay, bến xe, khu du lịch, khu di tích văn hóa nhằm phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với người dân, phục vụ phát triển du lịch, giáo dục, xây dựng nông thôn mới.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2024

Gia Lai diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2024

(GLO)- Sáng 20-12, tại Tiểu khu 392 thuộc Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới (phường Chi Lăng, TP. Pleiku), Chi cục Kiểm lâm Gia Lai phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện và các chủ rừng diễn tập chữa cháy rừng năm 2024.

Ông Bing (xã Chư Á, TP. Pleiku) chăm sóc bò được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1-Dự án 3. Ảnh: N.D

Quan tâm hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự án giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo ổn định sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: V.T

Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết

(GLO)- Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp tại Gia Lai đã chủ động nguồn hàng để phục vụ người tiêu dùng với mức giá bình ổn.

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 440/NQ-HĐND về việc quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu-chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2025.