(GLO)- Sau 1 tuần dạy học tập trung ở bậc THCS và THPT, ngày 13-9, các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đón học sinh tới lớp. Riêng tại TP. Pleiku và huyện Krông Pa, việc dạy và học vẫn tiếp tục được tổ chức dưới nhiều hình thức trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Học sinh tiểu học háo hức đến trường
Sau những cơn mưa nặng hạt do ảnh hưởng của cơn bão số 5, ngày 13-9, tiết trời tại các địa phương trong tỉnh nắng đẹp và khá mát mẻ như hòa cùng niềm vui đến trường của hàng ngàn học sinh tiểu học. Tại xã biên giới Ia Krai (huyện Ia Grai), hơn 600 học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn háo hức tới trường. Ngay từ cổng, các em đã xếp hàng ngay ngắn để thầy cô kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Tất cả học sinh và giáo viên đều tuân thủ việc khai báo y tế và đeo khẩu trang đúng cách. Em Đoàn Nhật Hoàng (lớp 5C) phấn khởi nói: “Hôm nay, em thức dậy từ sớm và được mẹ đưa đi học. Gặp lại thầy cô và bạn bè, em rất vui. Chúng em được cô giáo hướng dẫn cách phòng-chống dịch Covid-19, ôn tập lại kiến thức bài cũ của lớp 4 trước khi dạy bài mới”.
Giáo viên Trường Tiểu học Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp. Ảnh: Mộc Trà |
Theo Hiệu trưởng Trần Văn Chương, nhà trường đã bố trí các khối lớp 1, 2 và 5 học vào buổi sáng, khối lớp 3 và 4 học vào buổi chiều. Riêng lớp 1 được giáo viên chủ nhiệm đón tại cổng rồi đưa vào lớp và ngược lại. Nhà trường không tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục ngoài phạm vi lớp học và bố trí giờ ra chơi lệch nhau 10 phút giữa các lớp. Trước mắt, nhà trường chỉ tổ chức dạy học 1 buổi đối với học sinh lớp 1 và 2 nhằm tránh tụ tập đông học sinh nhiều lần trong ngày; sau khi tình hình dịch bệnh ổn định sẽ tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Trong ngày đầu tiên, tỷ lệ học sinh tới lớp đạt 99%.
Tại điểm trường chính và 2 điểm lẻ của Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (xã Ia Trok, huyện Ia Pa) 364 học sinh cũng phấn khởi đến trường sau thời gian nghỉ hè kéo dài. Cô Nguyễn Thị Ngân-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Nhà trường bố trí các em học 2 buổi/ngày. Các biện pháp phòng-chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt. Trước đó, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến phụ huynh qua nhóm Zalo về việc trang bị cho học sinh khẩu trang, nước uống riêng. Hiện có 3 học sinh đang kẹt lại vùng dịch, chúng tôi phối hợp với phụ huynh giao bài tập cho các em tự học tại nhà và sẽ phụ đạo khi các em quay trở lại trường.
Ở khu vực phía Đông tỉnh, không khí năm học mới của các trường tiểu học cũng rộn ràng không kém. Vừa được cô giáo đo thân nhiệt và sát khuẩn tay, em Lê Hoàng Ngọc Châu (lớp 5/4, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) đã chạy ùa vào lớp. “Sáng nay, em dậy từ 5 giờ, chuẩn bị sách vở, đồng phục. Vì dịch bệnh nên ba mẹ cho em ăn sáng ở nhà, nhắc em đeo khẩu trang và thực hiện thông điệp 5K khi đến trường”-Châu thủ thỉ.
Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) chăm chú học tập tại lớp. Ảnh: Ngọc Minh |
Hiệu trưởng Khổng Quang Ánh cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để đón hơn 1.450 học sinh ở 2 cơ sở tới lớp học tập, trong đó có 4 học sinh đến từ TP. Hồ Chí Minh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không thể trở về địa phương. Bên cạnh chủ động xây dựng kịch bản dạy và học phù hợp, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tận dụng thời gian đi học trực tiếp để rút gọn chương trình, ưu tiên các môn học chính; thậm chí sẽ chia buổi, chia lớp để dạy và học vào thứ bảy”.
Nhiều giáo viên của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, đặc biệt là giáo viên phụ trách khối lớp 2 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng quyết tâm giúp học sinh lĩnh hội kiến thức một cách tốt nhất trong thời gian đến trường. “Chương trình lớp 2 rất hay, dễ tiếp cận từ phía giáo viên và gần gũi với học sinh. Tuy nhiên, khó khăn là các thầy cô phải tìm hiểu để bắt nhịp với những thay đổi của sách, đồng thời, thường xuyên phối hợp với phụ huynh cùng hướng dẫn các em cách thức học bài, tiếp cận nội dung, kiến thức trong sách giáo khoa”-cô Trần Thị Thu Triều chia sẻ.
Pleiku và Krông Pa linh hoạt dạy-học
Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 của tỉnh đăng tải tối 12-9 đánh giá TP. Pleiku có 15 xã, phường thuộc vùng có nguy cơ (đỏ, cam, vàng) và 7 xã, phường là vùng xanh. Vì vậy, UBND thành phố đã quyết định các trường tiểu học và THCS trên địa bàn chưa đi học tập trung mà vẫn tiếp tục tổ chức học trực tuyến từ ngày 13 đến 19-9 nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch.
Học sinh Trường Tiểu học Nay Der (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) được đo thân nhiệt và sát khuẩn tay từ cổng trường. Ảnh: Vũ Chi |
Thầy Trần Tâm-Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư) cho hay: Trong tuần đầu tiên của năm học mới, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến đạt trên 91%. Riêng gần 70 học sinh trú tại làng Ốp còn thiếu phương tiện học tập, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên soạn đề cương và bài tập gửi đến nhà cho các em. Để việc dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả, nhà trường còn thiết kế sổ đầu bài điện tử giúp quản lý song song với số liệu thống kê trực tuyến, kịp thời chấn chỉnh những giáo viên, học sinh thiếu tích cực. Hiện khối lớp 6, 7 sẽ học 13 môn; khối lớp 8, 9 là 14 môn; thời khóa biểu tương tự như học trên lớp với bình quân 4 tiết/buổi.
Qua ghi nhận của P.V, các trường THPT ở TP. Pleiku tiếp tục duy trì hình thức dạy và học trực tuyến. “Theo kế hoạch chung, nhà trường tổ chức dạy và học tập trung vào ngày 13-9. Tuy nhiên, hiện nay, căn cứ vào bản đồ dịch tễ, hầu hết học sinh và giáo viên của trường đều cư trú tại địa bàn các xã, phường có nguy cơ nên chưa thể tới trường. Do đó, chúng tôi vẫn dạy học trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch”-thầy Nguyễn Quốc Đạt-Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi-thông tin.
Tại huyện Krông Pa, nhiều trường học “vùng xanh” cũng tổ chức đón học sinh tới lớp. Từ sáng sớm, thầy trò Trường Tiểu học Nay Der (xã Ia Rsươm) đã có mặt tại trường để thực hiện các hoạt động phòng dịch trước khi vào lớp. Do Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng nhà trường đang phải thực hiện cách ly nên công tác quản lý học sinh được giao cho tổ trưởng chuyên môn các tổ khối phụ trách. Cô Lê Thị Tưởng-Tổng phụ trách Đội-cho hay: Toàn trường có 927 học sinh với 30 lớp học. Do tình hình dịch bệnh, học sinh không có thời gian làm quen với trường lớp và thầy-cô giáo trước buổi học đầu tiên. Vì vậy, bên cạnh việc thông tin qua nhóm Zalo lớp học, nhà trường phối hợp với trưởng thôn thông báo lịch học, các hồ sơ cần bổ sung đối với học sinh lớp 1 cũng như huy động học sinh ra lớp. Trong buổi học đầu tiên, nhà trường đã quán triệt đến các giáo viên chủ nhiệm kiểm tra đồ dùng học tập của học sinh; phối hợp với nhân viên thư viện lập danh sách cho các em mượn sách giáo khoa, đảm bảo hoạt động dạy và học.
Anh Rchâm Hoanh-phụ huynh em HNgam (học sinh lớp 3B2, Trường Tiểu học Nay Der) bộc bạch: “Mặc dù cũng hơi lo lắng khi tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, nhưng thấy con vui vì được quay trở lại trường, tôi cũng vui theo. Đặc biệt, tôi cũng yên tâm hơn khi các con tới lớp được thầy cô sát khuẩn tay, đo thân nhiệt. Hy vọng dịch mau chóng được kiểm soát để tụi nhỏ có thể vui chơi thoải mái”.
Trao đổi với P.V, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pa Chu Sỹ Lin thông tin: Tình hình dịch Covid-19 tại một số địa bàn của huyện đã cơ bản được khống chế. Vì vậy, ngày 13-9, nhiều trường tiểu học, THCS và THPT đã triển khai học trực tiếp. Riêng tại thị trấn Phú Túc, vì đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên học sinh tiếp tục tạm thời nghỉ học, trường nào đủ điều kiện thì tiến hành dạy học trực tuyến. Phòng cũng đã chỉ đạo các trường phải thực hiện nghiêm quy định về phòng-chống dịch khi học sinh quay trở lại trường; phải cách ly ngay và báo với chính quyền địa phương khi học sinh có biểu hiện ho, sốt để có biện pháp xử lý kịp thời. Với các trường có học sinh và giáo viên đang trong thời gian cách ly, nhà trường linh hoạt bố trí giáo viên dạy thay cũng như phụ đạo thêm cho học sinh nghỉ, vắng nhằm đảm bảo kiến thức cho các em.
NHÓM PHÓNG VIÊN