(GLO)- Lời Tòa soạn: Mặc dù trải qua không ít khó khăn, thách thức, song ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đã từng bước vươn lên khẳng định vị thế với nhiều thành tựu nổi bật. Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Duy Định-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT xung quanh vấn đề này.
* P.V: Ông có thể cho biết những đóng góp quan trọng của đội ngũ nhà giáo vào thành tựu của ngành GD-ĐT tỉnh nhà trong những năm qua?
- Ông Lê Duy Định: Tuy trải qua nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng trong suốt 40 năm qua, các thầy giáo, cô giáo ở Gia Lai vẫn dành trọn tâm huyết với nghề dạy học, với học sinh thân yêu. Bằng quyết tâm, khát khao nâng cao trình độ dân trí; sự động viên của lãnh đạo đối với tập thể giáo viên, nhân viên; sự khơi dậy nội lực từ đội ngũ giáo viên kỳ cựu, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, giàu kinh nghiệm… tất cả đều nỗ lực hướng đến mục tiêu chung là nâng cao vị thế, uy tín của nền giáo dục Gia Lai trong khu vực cũng như trên cả nước.
Năm 1995, ngành GD-ĐT tỉnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất. Năm 1998, ngành tiếp tục được Bộ GD-ĐT tặng cờ công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập tiểu học, xóa mù chữ và đến năm 2009 được tặng cờ công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục THCS. Từ vài trăm giáo viên sau ngày giải phóng, hiện nay, toàn tỉnh đã có trên 22.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Chất lượng đội ngũ dần được nâng lên, chuẩn hóa về trình độ, chuyên môn với 3 tiến sĩ, gần 643 thạc sĩ, 34 nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú. Tất cả đều tâm huyết, trách nhiệm với công việc, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều thầy giáo, cô giáo đã đi đầu trong phong trào thi đua “Toàn ngành Giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng-chống và chiến thắng đại dịch Covid-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học” với nhiều sáng kiến hay, cách làm thiết thực.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các giáo viên có thành tích xuất sắc trong các kỳ thi, cuộc thi cấp quốc gia năm học 2021-2022. Ảnh: Mộc Trà |
Trên cơ sở những bước đi vững chắc ban đầu, cùng với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ giáo viên, ngành GD-ĐT Gia Lai đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trong cả nước. Chất lượng giáo dục đại trà lẫn mũi nhọn không ngừng được nâng cao. Theo đó, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021-2022, Gia Lai có 28/58 học sinh đạt giải với 1 giải nhất, 4 giải nhì, 7 giải ba và 16 giải khuyến khích (xếp thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên, thứ 4 trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên); 2/2 dự án tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia đều đạt giải. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT toàn tỉnh năm 2022 đạt 98,35% (tăng 0,37% so với năm 2021 và cao nhất từ trước đến nay, vượt qua mức trung bình của cả nước). Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập cũng đạt được những kết quả tích cực.
Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 761 trường mầm non và phổ thông với 415.318 học sinh. Chất lượng giáo dục được nâng lên, quy mô giáo dục phát triển phù hợp với điều kiện của từng địa bàn dân cư. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 92%, bậc tiểu học đạt 99,9%, bậc THCS đạt 93,6% và bậc THPT đạt 57,5%. Toàn tỉnh hiện có 431/761 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 56,64%) gồm: 142 trường mầm non, 127 trường tiểu học, 40 trường THCS và 22 trường THPT; phấn đấu đến cuối năm 2022, số trường học đạt chuẩn quốc gia chiếm 58,8% trở lên.
Phát huy vai trò của GD-ĐT đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đội ngũ giáo viên của ngành luôn chú trọng phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi nhằm hướng đến phát triển giáo dục toàn diện và bồi dưỡng nhân tài, phát huy năng lực của lực lượng lao động tương lai để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.
* P.V: Vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh có tình trạng giáo viên xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Theo ông, nguyên nhân là do đâu và ông có đề xuất gì trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo?
|
Ông Lê Duy Định. Ảnh: Mộc Trà |
- Ông Lê Duy Định: Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, trong ngành GD-ĐT tỉnh có 144 người xin thôi việc, gồm: 125 giáo viên bậc phổ thông và 19 giáo viên bậc mầm non. Nếu tính bình quân giáo viên nghỉ việc của 18 đơn vị (17 huyện, thị xã, thành phố và Sở GD-ĐT) trong 3 năm thì tỷ lệ cũng khá thấp (2,66 người/năm/đơn vị hành chính).
Nguyên nhân là do thu nhập và chính sách đãi ngộ còn thấp. Mặc dù ngành có một số chính sách tiền lương riêng như phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên... nhưng tổng thu nhập hàng tháng của một bộ phận nhà giáo chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của bản thân và gia đình, đặc biệt là các giáo viên mới ra trường. Trong khi đó, một số cơ quan, doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đang đưa ra các chế độ đãi ngộ tiền lương khá hấp dẫn, tạo nên sự cạnh tranh và thu hút được nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực giáo dục vào làm việc.
Mặt khác, áp lực công việc quá lớn cũng khiến nhiều người không thể trụ lại với nghề. Trên thực tế, ngành GD-ĐT tỉnh trong những năm qua thiếu giáo viên, nhân viên khá trầm trọng. Tại nhiều cơ sở giáo dục, giáo viên phải dạy tăng thay, dạy tại nhiều điểm trường hoặc đảm trách việc chủ nhiệm 2 lớp cùng một lúc. Thậm chí, một số trường còn phải bố trí cả cán bộ quản lý kiêm nhiệm giáo viên chủ nhiệm. Thêm vào đó, ngành cũng đồng thời triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nội dung, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá có nhiều thay đổi. Vì thế, giáo viên phải vừa thực hiện giảng dạy, vừa tham gia tập huấn, bồi dưỡng... dẫn đến áp lực vô cùng lớn.
Để giải quyết “bài toán” này rất cần các giải pháp về nâng cao thu nhập cho viên chức cũng như giảm bớt áp lực trong công việc. Do đó, Sở GD-ĐT đề nghị Trung ương sớm ban hành chính sách về tiền lương cho lực lượng viên chức ngành GD-ĐT nói riêng và cán bộ, công chức, viên chức toàn hệ thống nói chung; có cơ chế để viên chức, công chức được hưởng thu nhập tăng thêm, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc và cống hiến. Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng cần sớm tham mưu cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm bổ sung biên chế cho tỉnh để phù hợp với tình hình thực tế khi số lượng học sinh đến lớp liên tục tăng. Về phía Sở GD-ĐT, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và chuyên môn nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, các loại hồ sơ, sổ sách không cần thiết để giáo viên có thời gian dành cho hoạt động chuyên môn.
|
Chất lượng giáo dục đại trà lẫn mũi nhọn của Gia Lai không ngừng được nâng cao qua các năm. Ảnh: Mộc Trà |
* P.V: Phát huy những kết quả đã đạt được, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ triển khai những giải pháp đột phá nào trong giai đoạn tiếp theo, thưa ông?
- Ông Lê Duy Định: Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD-ĐT”, năm học 2022-2023, toàn ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục phát huy những thuận lợi, kết quả đạt được, đoàn kết, khắc phục khó khăn, hạn chế để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được giao. Đặc biệt là linh hoạt, chủ động thích ứng với tình hình thiên tai, dịch bệnh, sao cho vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngoài ra, ngành cũng sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó tập trung cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài” và sứ mệnh cao quý mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
MỘC TRÀ (thực hiện)