Gia Lai chấp thuận chủ trương đầu tư cho 192 dự án, tổng vốn đăng ký gần 79.000 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 23-3, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành về tình hình thực hiện và triển khai các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018-2022.

Tham gia đoàn giám sát có các ông, bà: Ayun H’Bút-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát; Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng ban Văn hóa-xã hội HĐND tỉnh; Nguyễn Đình Phương-Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh; đại diện các ban trực thuộc HĐND tỉnh.

Làm việc với đoàn, về phía UBND tỉnh có ông Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tài chính và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành về tình hình thực hiện và triển khai các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018-2022. Ảnh Hà Duy
Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành về tình hình thực hiện và triển khai các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018-2022. Ảnh Hà Duy

Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, trong giai đoạn 2018-2022, UBND tỉnh đã ban hành 7 quyết định phê duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn ngoài khu công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu thuộc tỉnh. Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư thuộc 5 lĩnh vực, gồm: công nghiệp, xây dựng, năng lượng; chế biến nông-lâm sản, sản xuất vật liệu, hàng tiêu dùng; công nghiệp năng lượng; nông-lâm nghiệp và lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao-du lịch.

Giai đoạn này, có 192 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư với vốn đăng ký gần 79.000 tỷ đồng (nhiều nhất là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, khai khoáng với 77 dự án). Trong đó, có 100 dự án đã hoàn thành, 92 dự án chưa hoàn thành. Còn trong khu công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu, tổng số dự án đã kêu gọi được là 36 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 1.285 tỷ đồng.

Các dự án đầu tư đi vào hoạt động đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2015-2020 đạt 7,55%, năm 2021 tăng 9,71% và năm 2022 tăng 9,27%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trung bình đạt 55.223 tỷ đồng; tổng thu ngân sách trung bình đạt 5.500 tỷ đồng… Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong điều kiện dịch bệnh và phục hồi sau Covid-19.

Đặc biệt, việc triển khai 16 dự án điện gió và đưa vào hoạt động đã góp phần làm ngành công nghiệp-xây dựng đạt mức tăng trưởng rất cao, lần lượt là 22% và 19,3%; ngành dịch vụ cũng phục hồi mạnh mẽ, từ mức 1,52% trong năm 2021 đã tăng lên 8,87% ở năm 2022.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt-Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Hà Duy
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt-Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Hà Duy

Để tiếp tục thu hút đầu tư hiệu quả cũng như tạo điều kiện để các dự án được triển khai thuận lợi, thông qua đoàn giám sát, UBND tỉnh kiến nghị: Trung ương sớm có hướng dẫn cụ thể về quy trình lập danh mục thu hút đầu tư làm cơ sở cho địa phương áp dụng; các bộ, ngành trung ương quan tâm đầu tư hạ tầng thủy lợi, giao thông, logistic; Bộ Nông nghiệp và PTNT ký thêm nhiều nghị định thư xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản thế mạnh của vùng Tây Nguyên; xem xét ưu tiên phê duyệt bổ sung các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch Điện VIII; chỉ đạo đẩy nhanh tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku; Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) định kỳ mở các lớp đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực cho cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư.

Tại buổi làm việc, các thành viên của đoàn giám sát đã đề nghị UBND tỉnh cũng như các sở, ngành thông tin, làm rõ các nội dung như: công tác lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư; các dự án quá hạn, chậm triển khai nhưng chưa xin gia hạn hoặc thu hồi; các dự án vướng công tác quy hoạch; vấn đề quản lý diện tích đất của các dự án đã thu hồi; công tác phối hợp của các sở, ngành và địa phương trong việc khảo sát, rà soát các dự án để đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư; các dự án trồng rừng đang vướng, chưa có đường để vận chuyển khi khai thác gỗ; thời gian lấy ý kiến của các sở, ngành đối với các dự án đầu tư bị kéo dài; xử lý các điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng và xác định giá đền bù...

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát tại dự án Trung tâm Sản xuất hạt giống và rau sạch (xã Gào, TP. Pleiku). Ảnh Hà Duy
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát tại dự án Trung tâm Sản xuất hạt giống và rau sạch (xã Gào, TP. Pleiku). Ảnh Hà Duy

Sau khi nghe ý kiến từ UBND tỉnh và các sở ngành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau giữa các Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…, gây ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án đầu tư để đoàn giám sát, tổng hợp và kiến nghị cấp thẩm quyền sửa đổi; sớm giải quyết những thủ tục liên quan đến các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng hiện nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện được; nhanh chóng giải quyết, xử lý hành chính những doanh nghiệp chây ì; nghiên cứu quy trình lập danh mục đầu tư, tránh kêu gọi tràn lan nhưng không hiệu quả; nghiên cứu việc sáp nhập các trung tâm xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch thành một trung tâm lớn để nâng tầm cũng như tăng hiệu quả trong các công tác xúc tiến, thu hút dự án đầu tư ở các lĩnh vực.

Trưởng đoàn giám sát yêu cầu các sở, ngành kiểm tra, xử lý các thông tin mà đoàn giám sát đã nắm bắt ở các địa phương thông qua các buổi giám sát như: việc chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại một số cột điện gió Ia Pếch (huyện Ia Grai); công tác định giá đất để thực hiện giải phóng mặt bằng; giao diện tích đất lớn cho dự án quy mô nhỏ; thu hồi các dự án chậm trễ, kéo dài nhiều năm không chịu triển khai.

Có thể bạn quan tâm

Ban Dân tộc tỉnh: Dấu ấn 20 năm

Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai: Dấu ấn 20 năm

(GLO)- Trong hành trình 20 năm xây dựng và phát triển, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đã để lại dấu ấn trong việc tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và lan tỏa tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Chư Pưh: 17 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác với tổng vốn hơn 10.800 tỷ đồng

Chư Pưh: 17 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác với tổng vốn hơn 10.800 tỷ đồng

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm năm 2024. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Chư Pưh cùng đông đảo các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.