“Cồng chiêng là hồn làng, là văn hóa của người Tơ Đra (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) nói riêng và cũng như của nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên nói chung. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng là giữ hồn làng, giữ nền tảng văn hóa cho đời sau” – nghệ nhân A Nian giãi bày.
Không để tôi phải chờ đợi, 8 giờ sáng nghệ nhân A Nian (76 tuổi, làng Kon Stiêu, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) cùng các cháu trong đội cồng chiêng nhí đã có mặt tại nhà rông của làng. Các cháu mặc theo trang phục truyền thống, cháu lớn mang trống, cháu nhỏ hơn mang cồng, rồi đến chiêng lớn, chiêng bé nối nhau tấu các điệu chiêng: cầu mùa, đổi công, đâm trâu... ngân vang khắp làng.
Nhìn cách hướng dẫn các cháu nối vòng, tay đánh cồng chiêng, tôi lại thấy ông giống như một nghệ sĩ lớn điều khiển một giàn hợp xướng. Theo đó, các tiếng trống, tiếng cồng, chiêng lớn, chiêng bé tạo nên hợp âm rộn rả. Tiếng chiêng ngân vang, theo làn gió xào xạc trên mái nhà rông, đến từng ngóc ngách trong làng và vang xa đến từng vách núi rừng.
Dưới ban mai nắng ấm, hình ảnh các cháu nam đánh cồng chiêng, nữ múa xoang nối vòng trước sân nhà rông cao, thoáng đãng đẹp và thật là đáng yêu. Khi các cháu thấm mồ hôi, nghệ nhân A Nian tỏ vẻ hài lòng, cho các cháu tạm nghỉ ngơi.
Đội cồng chiêng và múa xoang thiếu nhi của làng Kon Stiêu. Ảnh: V.N |
“Tranh thủ dịp hè, mình ôn lại cho các cháu và giới thiệu với nhà báo về đội cồng chiêng nhí của làng. Không ôn lại, các cháu ham chơi dễ quên và đánh không đúng nhịp. Các cháu cũng rất thích được tụ tập để đánh cồng chiêng. Tiếng trống, tiếng cồng, tiếng chiêng đang “thấm” vào các cháu. Mai này, các cháu sẽ kế tục thành đội cồng chiêng lớn hay có cháu đi xa, làm gì cũng sẽ nhớ về không gian văn hóa cồng chiêng của làng Kon Stiêu”- nghệ nhân A Nian bộc bạch.
Hồi tưởng về chuyện ngày xưa, nghệ nhân A Nian trầm ngâm: Trước đây, cũng trạc tuổi các cháu, tôi cũng rất đam mê cồng chiêng. Ban đầu khi thấy các chú, các ông đánh trong các ngày lễ hội diễn ra tại làng, tôi chú ý nghe, nhìn. Sau được các chú, các ông hướng dẫn cách đánh và sớm đánh cồng chiêng thành thạo. Năm 15 tuổi, tôi tham gia vào đội cồng chiêng của làng. Được tham gia vào đội cồng chiêng là vinh dự và cũng là niềm kiêu hãnh với dân làng.
Ôn lại chuyện một thời, tôi thấy mắt nghệ nhân A Nian long lanh như trẻ lại. Theo dòng hồi tưởng, nghệ nhân bảo rằng, ngày trước người Tơ Đra ở làng Kon Stiêu cũng như các làng khác ở xã Ngọc Réo thường tổ chức nhiều lễ hội như: Tết cổ truyền (sau khi thu hoạch lúa xong), cầu mùa, mừng máng nước, đâm trâu... Các lễ hội này, dân làng thường đánh cồng chiêng, sắm lễ vật thỉnh cầu Yàng, các vị thần về chứng giám, phù hộ cho dân làng.
Thông qua những hoạt động trong không gian văn hóa cồng chiêng, người dân thường tổ chức ăn, uống rượu cần vui vẻ với nhau đến tận thâu đêm. Mối quan hệ tình làng giữa người dân với nhau thêm nảy nở và bền chặt. Rồi trong quá trình giao lưu văn hóa giữa các làng, người dân các làng vừa học hỏi lẫn nhau và sáng tác thêm nhiều nhịp điệu chiêng mới. Không khó hiểu khi nghệ nhân A Nian bảo rằng, ông đánh thành thạo trên 20 bài chiêng.
Nghệ nhân A Nian truyền dạy cồng chiêng cho đội cồng chiêng nhí của làng. Ảnh: V.N |
“Tuy nhiên, trong quá trình truyền dạy, vì thời gian không cho phép, tôi chỉ truyền dạy cho các đội cồng chiêng 3 bài chiêng: Đi đổi công, tình yêu đôi lứa và đâm trâu. Nắm được các bài chiêng căn cốt này, các đội cồng chiêng ở các làng có thể chơi được các bài chiêng khác”- nghệ nhân A Nian thật lòng.
Ghi nhận tấm lòng và đánh giá cao khả năng truyền dạy cồng chiêng, năm 2015 A Nian được Nhà nước tặng danh hiệu nghệ nhân. Không khó hiểu trong quá trình giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng, nghệ nhân A Nian được Phòng Văn hóa – Thông tin (nay là Trung tâm Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Truyền thông) huyện và UBND xã mời dạy cồng chiêng cho các làng. Như được thỏa lòng, nghệ nhân A Nian tham gia truyền dạy 8 lớp cồng chiêng cho thanh, thiếu niên ở 8 thôn của xã. Các thôn làng ở xã Ngọc Réo không còn nỗi lo thất truyền văn hóa cồng chiêng.
Tham gia đội cồng chiêng nhí của làng Kon Stiêu và được nghệ nhân ôn lại mấy bài chiêng trong dịp hè, cháu A Minh Thiện khoe: Ông A Nian dạy dễ hiểu lắm, cháu chơi được các bài chiêng rồi. Tham gia đội cồng chiêng nhí của thôn, cháu được tham dự các cuộc thi đánh đánh cồng chiêng với các đội cồng chiêng ở các trường trung học cơ sở, dự thi ở huyện, tỉnh. “Đội cồng chiêng nhí của thôn đạt giải Nhất tại Hội thi cồng chiêng cấp huyện. Cháu rất tự hào về đội cồng chiêng nhí của thôn Kon Stiêu” - A Minh Thiện phấn khởi bày tỏ.
Cùng với nghệ nhân A Nian, bà Y Der là người có ý thức giữ gìn và đam mê văn hóa hóa truyền thống khi giúp làng Kon Stiêu thành lập đội múa xoang nhí. Bà Y Der bộc bạch: Nghệ nhân A Nia là người tâm huyết. Nhờ có ông, văn hóa cồng chiêng ở địa phương được khôi phục và phát triển.
Nghệ nhân A Nian đang chơi ting ning. Ảnh: V.N |
Già A Nian không chỉ am tường về cồng chiêng, truyền dạy cồng chiêng, anh U Rớp – công chức phụ trách lĩnh vực văn hóa – xã hội của xã Ngọc Réo cho hay, mà còn thành thạo và có khả năng truyền dạy các loại nhạc cụ khác như ting ning, brâng (nhạc cụ giống ting ning nhưng cần đàn ngắn và ít dây hơn), t’rưng, k’lông pút... Điều làm U Rớp lo lắng là người tâm huyết, có khả năng truyền dạy cồng chiêng như nghệ nhân A Nian hiện nay rất hiếm.
Trao đổi về vấn đề đặt ra trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, nghệ nhân A Nian thừa nhận: Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các ngành có liên quan, các làng ở xã đều có nhà rông truyền thống, có các đội cồng chiêng người lớn và thiếu nhi. Đây là điều rất mừng. Tuy nhiên, việc tìm người tâm huyết kế thừa việc truyền dạy cồng chiêng, múa xoang và được người dân các làng tin tưởng không phải dễ, nhất là chưa có người được công nhận là nghệ nhân múa xoang.
“Cồng chiêng và múa xoang đi với nhau. Nếu bây giờ chúng ta không lo xây dựng thêm lớp nghệ nhân mới, sợ mai này không có người kế thừa. Mặc dù, hiện nay ở xã có người đáp ứng được yêu cầu này, nhưng họ lại chưa được công nhận là nghệ nhân múa xoang. Việc mở lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang mời họ tham gia có nhiều cái khó vì không được danh chính, ngôn thuận khi chưa được công nhận là nghệ nhân”- nghệ nhân A Nian giãi bày.
Đánh giá cao vai trò của nghệ nhân, anh A Wiên – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Réo bày tỏ nỗi niềm: Thực tế cho thấy, trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, không thể thiếu nghệ nhân ở các làng. Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, việc xã Ngọc Réo xây dựng được 16 đội cồng chiêng, múa xoang ở 7/7 thôn là nhờ vào các sự đóng góp, trực tiếp là truyền dạy của nghệ nhân.
“Tuy nhiên, lớp nghệ nhân được công nhận trước đây như A Nian ở xã đã cao tuổi. Trước yêu cầu đặt ra, xã đề nghị Nhà nước sớm tặng danh hiệu nghệ nhân mới, nhất là nghệ nhân múa xoang đang thiếu ở địa phương để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng ở địa phương trong thời gian đến”- anh A Wiên bộc bạch.
https://www.baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/gap-nghe-nhan-nang-no-cong-chieng-20976.html
Theo VĂN NHIÊN (baokontum)