Gặp Fidel Castro lúc nửa đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mong muốn được gặp lãnh tụ Cuba Fidel Castro có lẽ không chỉ của riêng tôi. Tuy nhiên, điều đó vẫn chỉ là ước mơ bởi đất nước Cuba cách chúng ta nửa vòng trái đất.


Hơn nữa, vì Fidel là một lãnh tụ, một người mà tôi nghe nói là ông ngủ rất ít, phần lớn thời gian trong ngày dành cho công việc, thì việc được gặp trực tiếp ông lại càng khó khăn hơn.

Cuộc gặp đầu tiên

Khi về công tác chuyên trách ở Quốc hội, nhiệm kỳ 2002-2007, là ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tôi cùng anh em xây dựng chương trình và đề nghị được đi nghiên cứu học tập kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe, về phòng chống HIV/AIDS ở một số nước thuộc châu Mỹ Latin, trong đó có Cuba.

 

Bà Hoài Thu gặp ông Fidel Castro tháng 3-2006.
Bà Hoài Thu gặp ông Fidel Castro tháng 3-2006.

Từ Brazil đến Cuba, hành trình rất vất vả, phải bay qua nhiều nước, chờ đợi chuyến bay cả ngày cuối cùng cũng đến được nơi mình chưa dám mơ ước. Dù rất muốn được một lần trực tiếp gặp vị lãnh tụ lâu nay chỉ được biết đến qua sách báo, các câu chuyện kể, chúng tôi cũng không dám đề đạt vì mình cũng biết vị thế của mình và mục đích chuyến thăm.

Nhưng không lâu sau, tháng 2-2003, Chủ tịch Fidel Castro sang thăm Việt Nam. Đón Fidel là Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Fidel thăm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi hân hạnh được gặp ông lần đầu bằng xương bằng thịt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp ông và chụp ảnh lưu niệm tại phòng A1 - Văn phòng Quốc hội, số 35 Ngô Quyền, Hà Nội. Đứng bên Fidel tôi thấy mình vinh dự quá, chắc khó có điều kiện được bắt tay ông lần thứ hai.

12 giờ đêm vẫn còn tiếp khách

Dịp may nối tiếp dịp may. Cảm ơn Quốc hội đã tạo điều kiện cho tôi được gặp ông lần nữa. Đó là đầu tháng 3-2006, một chiếc máy bay chuyên cơ đưa Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm Cuba và vài nước Mỹ Latin như Brazil, Argentina.

Lúc này, sức khỏe của Chủ tịch Fidel Castro có phần giảm sút vì bệnh tật nhưng ông rất vui được tiếp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và một vài thành viên trong đoàn tại nơi làm việc. Fidel chưa cho giờ gặp và chỉ biết là buổi tối.

Tôi hăm hở thay áo quần tươm tất, ngắm nghía đi tới đi lui nhìn đồng hồ gần 9g đêm mà chưa thấy gọi. Tôi nghĩ chắc cuộc gặp hoãn tới mai nên lại thay quần áo. Vừa xong thì được thông báo “Chủ tịch Fidel mời”.

Tôi lật đật không còn kịp mặc áo dài đẹp nữa mà lấy vội bộ vest trắng, nhanh chân lên xe đi cùng Chủ tịch Quốc hội và mấy đồng chí trong đoàn đến gặp. Hóa ra, Fidel vừa tiễn mấy người khách đến trước chúng tôi. Tôi quan sát thấy họ là những người khách quan trọng.

Ra tận cửa đón chúng tôi vào, tôi đi sau Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Fidel mời ngồi. Không xã giao, không trà bánh, Fidel vào đề ngay: “Các đồng chí đi xa có mệt không? Quen thời tiết, khí hậu và thời gian chưa?”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An giới thiệu tôi là nữ du kích miền Nam. Xong màn giới thiệu, Fidel bắt đầu nói về Cuba, về cách mạng và xây dựng Cuba trong điều kiện Mỹ bao vây, cấm vận.

Fidel hỏi về Việt Nam và Chủ tịch Quốc hội cũng nói về hoạt động của Quốc hội Việt Nam, nhất là sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Fidel rất chú ý lắng nghe những đổi mới của đất nước Việt Nam, đổi mới mà không đổi màu, hội nhập mà không hòa tan - Fidel rất chú ý đến ý này.

Khoảng hai giờ đồng hồ ngồi ở cái bàn rất đơn sơ, ghế cũng rất đơn sơ, có thể nói là không phải cái kiểu trang trí đón tiếp khách quốc tế, mà là rất thân tình.

Fidel bắt đầu dẫn chúng tôi sang hai phòng nữa, hai phòng gồm toàn những vật dụng do chính người Cuba sản xuất như chiếc quạt, máy đánh chữ, tủ lạnh...

Thật sự dưới mắt chúng tôi, mấy đồ này quá cũ kỹ, quá lạc hậu. Nhưng điều mà chúng tôi tự hào là ở một đất nước vùng Caribê, một vùng đất mà Mỹ luôn luôn muốn nuốt chửng bất cứ lúc nào, Cuba vẫn tự sản xuất nuôi sống mình.

Khi tiễn chúng tôi ra về lúc gần 12g đêm, Fidel còn tiết lộ một sự thật kinh ngạc: “Các đồng chí về, tôi còn tiếp mấy người khách ở Brazil nữa để bàn về những vấn đề của Brazil”.

Năm nay là đúng 10 năm ngày tôi gặp Fidel, ngày ông ra đi cũng đúng ngày sinh nhật của tôi. Có lẽ tôi sẽ nhớ mãi đến suốt đời lần gặp gỡ với Fidel - một người ở rất xa, khác dân tộc nhưng luôn luôn yêu mến Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào. Những ngày quốc tang ở Cuba và một số nước ở châu Mỹ Latin, trong lòng mình, tôi để tang cho Fidel.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.