Gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Yêu cầu bức thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, ngành Nông nghiệp đang tập trung tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông-lâm-thủy sản trên địa bàn xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm thông qua tem QR code.
Thị trường tiêu thụ đòi hỏi ngày càng cao
Các mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện phần lớn được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc. Trong năm 2018, tổng trị giá xuất khẩu nông sản của nước ta đạt hơn 25,8 tỷ USD thì riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm hơn 7,2 tỷ USD. Với tỉnh ta, các mặt hàng nông sản xuất khẩu qua Trung Quốc chủ yếu gồm: cao su, rau quả chế biến, rau quả tươi, mì lát, mì bột… Ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong 15 năm qua. Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 8 của Trung Quốc trên thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Hiện nay, các loại trái cây Việt Nam có triển vọng xuất khẩu sang thị trường này gồm: thanh long, xoài, chuối, nhãn, vải, bưởi, chôm chôm, dừa, dưa hấu.
 Chị Trần Thị Hoàng Anh-Giám đốc HTX Mật ong Phương Di Ia Grai giới thiệu sản phẩm mật ong đạt chuẩn VietGAP và được gắn tem truy xuất nguồn gốc của HTX. Ảnh: L.N
Chị Trần Thị Hoàng Anh-Giám đốc HTX Mật ong Phương Di Ia Grai giới thiệu sản phẩm mật ong đạt chuẩn VietGAP và được gắn tem truy xuất nguồn gốc của HTX. Ảnh: L.N
Cũng theo ông Toàn, thị trường Trung Quốc trước đây được xem là “dễ tính”. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường này ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng và đòi hỏi các sản phẩm nhập vào phải có truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác. Bên cạnh đó, các sản phẩm của Việt Nam đang ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với các nước trong khối ASEAN nói riêng, châu Á nói chung. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần minh bạch các thông tin về nguồn gốc nông sản để an tâm sử dụng. Còn đối với người sản xuất, việc xây dựng nhãn hiệu, gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm là cơ hội để quảng bá cách sản xuất hay và chịu trách nhiệm về hàng hóa lỗi do mình sản xuất. Đối với cơ quan chức năng, việc này giúp dễ dàng tìm được nguyên nhân gây ra lỗi sản phẩm. Nhưng do chúng ta sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm nên khó cạnh tranh khi Trung Quốc yêu cầu xuất khẩu theo đường chính ngạch. Theo đó, trong 8 tháng năm 219, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của nước ta sang thị trường Trung Quốc giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các mặt hàng giảm nhiều là: rau quả (giảm 8,1%), gạo (giảm 67,5%), mì (giảm 9,6%), cà phê (giảm 8,9%).
“Trước thực tế trên, chúng ta cần đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi để đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản theo yêu cầu. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của phía Trung Quốc đến người sản xuất, doanh nghiệp để biết và thực hiện. Ngoài ra, cần tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, đa dạng các kênh tiêu thụ”-ông Toàn nêu giải pháp.
Đẩy mạnh gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2018, toàn tỉnh có 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng tem truy xuất nguồn gốc với số lượng 236.000 tem. Trong đó, 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông-lâm-thủy sản được Sở hỗ trợ 111.000 tem; các cơ sở còn lại được hỗ trợ kinh phí từ Trung tâm Kinh doanh VNPT Gia Lai hoặc tự bỏ kinh phí mua tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Riêng 9 tháng năm 2019, toàn tỉnh có 28 cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc với số lượng 417.000 tem.
Hợp tác xã (HTX) Mật ong Phương Di Ia Grai (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) là đơn vị đầu tiên của tỉnh sản xuất mật ong theo tiêu chuẩn VietGAP. Những sản phẩm chủ yếu của HTX gồm: mật ong, viên tinh nghệ mật ong, chuối sấy mật ong, chanh đào mật ong và tắc mật ong. Chị Trần Thị Hoàng Anh-Giám đốc HTX-cho biết: “Được sự hỗ trợ của Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản, HTX đã mời thêm đơn vị tư vấn chứng nhận và công bố chất lượng Vitest đến tập huấn quy trình nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP cho toàn bộ thành viên. Sau gần 1 năm hoạt động, chúng tôi đã bước đầu xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa, đưa ra thị trường sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc của VNPT Gia Lai. Việc gắn tem truy xuất nguồn gốc đã giúp HTX mở rộng thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu”.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Tỉnh ta có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 21 dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP toàn tỉnh có 13.267 ha. Trong số này có 12.000 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C; 706 ha cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, rau các loại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 500 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và 61 ha cà phê, hồ tiêu sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ Organic. “Thời gian tới, việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hình thức liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc là việc làm cấp bách, có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm