'Gã bao đồng' hồi hương hài cốt liệt sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
“Lão khùng” Nguyễn Sỹ Hồ nổi tiếng cả nước về việc tìm mộ liệt sĩ không công. Nhưng đồng hành cùng ông còn có một người bao đồng” khác.
Nhiều lần ông Nguyễn Sỹ Hồ nói với tôi hãy viết về anh Nguyễn Mạnh Hùng, người mà ông nhận xét: “Gã đó bao đồng lắm. Nhờ tính bao đồng đáng quý của gã đã giúp tôi đi được thêm hàng trăm nghĩa trang chụp ảnh mộ liệt sĩ (LS) và cất bốc, đưa không biết bao nhiêu hài cốt liệt sĩ (HCLS) về quê mà gia đình họ không phải mất tiền”.

Một chuyến xe anh Hùng tự lái đưa HCLS về quê. Ảnh: Quang Viên
Một chuyến xe anh Hùng tự lái đưa HCLS về quê. Ảnh: Quang Viên
Tháng 7 bận rộn của “gã bao đồng”
Tôi tính lên nhà Nguyễn Mạnh Hùng ở tỉnh Bình Phước nhằm tìm hiểu công việc của anh nhưng anh cho biết sắp có chuyến cất bốc mộ LS ở miền Tây và đề nghị đón tôi tại Sài Gòn đi cùng cho thấy thực tế.
4 giờ sáng hôm sau, tôi còn ngon giấc thì anh Hùng gọi điện báo đã lái xe tới Sài Gòn. Tôi lên xe, gặp ngay “lão khùng” Nguyễn Sỹ Hồ. “Tôi khởi hành từ 2 giờ sáng để kịp bốc HCLS ở Tiền Giang, Cần Thơ trong ngày. Sau đó, sẽ quay lên Gia Lai, Kon Tum bốc tiếp các HCLS khác đưa về Nghệ An và Thái Nguyên”, anh Hùng chia sẻ.
Điểm đến đầu tiên là nghĩa trang LS (NTLS) Thốt Nốt ở Cần Thơ. Gia đình LS từ quê vào chờ sẵn tại đây để cùng ông Sỹ Hồ và anh Hùng tiến hành cất bốc hài cốt. HCLS được sắp xếp cẩn thận trong chiếc quách anh Hùng đã chuẩn bị sẵn. Trời nắng chang chang, mồ hôi ai cũng chảy ròng ròng. Trong khi đó, người thân LS rơm rớm nước mắt xúc động khi hài cốt được đưa lên. Ngay sau đó, cả đoàn quay về NTLS Tiền Giang bốc hài cốt của một LS khác luôn trong ngày.
Chu toàn 2 HCLS này xong, anh Hùng tiếp tục lái xe xuyên đêm lên NTLS ở Gia Lai, Kon Tum. Với người đàn ông quê Hà Tĩnh này, tháng 7 là tháng bận rộn nhất trong năm. Riêng từ đầu tháng 7.2022 đến nay, anh đã thực hiện 3 chuyến cất bốc, đưa 24 LS về quê.
“Chúng tôi muốn đem lại niềm vui cho gia đình LS trong dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ”, anh Hùng tâm sự. Trong bữa trưa đạm bạc dọc đường, anh Hùng cũng trang trọng đặt cơm, thức ăn bên cạnh những chiếc quách đựng HCLS rồi thắp nhang mời LS dùng cơm.

Mẹ liệt sĩ nghẹn ngào khi nhận hài cốt của con. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mẹ liệt sĩ nghẹn ngào khi nhận hài cốt của con. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Hùng bắt đầu bỏ tiền túi hỗ trợ hoàn toàn kinh phí cất bốc, ăn ở, tặng quà cho gia đình LS và trực tiếp lái xe đưa HCLS về quê từ năm 2016. Mỗi năm (không tính giai đoạn dịch Covid-19), người đàn ông sinh năm 1971 này thực hiện trung bình 100 chuyến.
Tôi hỏi “vì sao “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như vậy?”, anh Hùng trải lòng: “Có những gia đình biết được mộ LS nhưng không có kinh phí cất bốc và đưa về quê nên tôi bỏ tiền túi ra để giúp. Dù sao mình cũng hạnh phúc hơn nhiều người. Tôi muốn lan tỏa yêu thương, lan tỏa nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa với người đã cống hiến máu xương cho hòa bình”.
Chuyện bây giờ mới kể
Cho đến nay, anh Hùng đã tài trợ hoàn toàn kinh phí và trực tiếp tham gia trên dưới 400 chuyến cất bốc, hồi hương HCLS khắp cả nước. Chưa kể, có hàng trăm chuyến anh đưa “lão khùng” đi hàng trăm nghĩa trang để chụp ảnh mộ LS nhằm thông tin cho gia đình biết.
“Kỷ lục gia” tìm mộ LS Nguyễn Sỹ Hồ tâm sự với tôi ông rất phục tấm lòng của anh Hùng. Cũng có không ít địa phương đề nghị anh làm hồ sơ để ghi công nhưng anh Hùng vẫn khước từ. “Tôi không muốn ai hàm ơn, ghi công gì cả. Tôi âm thầm làm việc này vì mỗi chuyến đi cảm xúc luôn dâng trào. Dù tốn tiền, tốn thời gian, nhọc nhằn trên đường thiên lý, nhưng mỗi LS và gia đình họ gắn với một câu chuyện khó quên. Nó cứ xoáy vào tâm khảm tôi không thể dứt ra được”, anh Hùng trải lòng.

Anh Hùng xúc động khi đưa HCLS về cho người mẹ đã ngoài 100 tuổi. Ảnh: NVCC
Anh Hùng xúc động khi đưa HCLS về cho người mẹ đã ngoài 100 tuổi. Ảnh: NVCC
Theo anh Hùng, có những chuyện trong hành trình đầy tính nhân văn ấy bây giờ mới kể. Đó là những chuyến đưa HCLS về miền Bắc trong cơn lũ lớn nước ngập trắng đồng. Lúc đó, ô tô của anh chết máy phải hì hục đẩy để thoát vùng nguy hiểm. Rồi phải ôm, phải che chắn HCLS tìm nơi đặt tạm an toàn. Có cả chuyện anh phải cắt mật sau chuyến đi bốc HCLS.
“Tôi đi xuống nghĩa trang ở Bà Rịa-Vũng Tàu để lấy HCLS đưa ra Hà Nội. Chuẩn bị bốc cất hài cốt thì trục trặc giấy tờ phải chờ. Lúc đó, bị đau bụng nhưng ráng uống thuốc giảm đau để lo cho xong việc. Sau khi đưa HCLS về bàn giao cho gia đình quay vào lại Sài Gòn thì phải mổ cấp cứu và cắt mật luôn”, anh Hùng kể lại.
Những câu chuyện khác anh ngồi kể lại cho tôi với nhiều cung bậc cảm xúc. Có người mẹ hơn 50 năm chờ mong ngày được thấy chiếc quách màu đỏ mà trong đó chỉ còn nắm xương của đứa con từng trốn bà đi bộ đội vì người anh trai trước đó cũng đã ngã xuống trên chiến trường.
“Người mẹ hơn 100 tuổi ôm quách chứa hài cốt con, bà không khóc vì có lẽ không còn nước mắt để khóc. Sau này, tôi biết chỉ 4 ngày sau bà mất”, anh Hùng xúc động hồi tưởng. Những người mẹ khác cũng khi đã trên 100 tuổi mới nhận được hài cốt của con hy sinh tại chiến trường miền Nam. “Đặc biệt, tôi nhớ mãi hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam nhận hài cốt của con khi đã 107 tuổi”, anh Hùng nói.

Anh Hùng cùng với ông Nguyễn Sỹ Hồ trong một chuyến bốc mộ liệt sĩ. Ảnh: Quang Viên
Anh Hùng cùng với ông Nguyễn Sỹ Hồ trong một chuyến bốc mộ liệt sĩ. Ảnh: Quang Viên
Bên cạnh đó, không ít người vợ LS thủy chung làm anh Hùng không thể nào quên. Có lần đưa HCLS về quê, một phụ nữ đã khóc suốt bên hài cốt chồng. Chị kể ngày trước mình là một cô gái rất xinh đẹp nên sau khi chồng hy sinh có rất nhiều chàng trai đến ướm lời, nhưng chị dứt khoát từ chối, thậm chí lấy sơn viết trên cửa một câu “xanh rờn”: “Tôi quyết ở vậy thờ chồng, đừng ai đến làm phiền tôi nữa”.
Hành trình của anh Hùng cũng đã chứng kiến nhiều câu chuyện tâm linh khó lý giải. Theo anh kể, có lần đốt thuốc mời LS chuẩn bị bốc hài cốt thì thấy thuốc cháy vèo vèo. Anh buộc miệng nói đùa: “Cụ mà hút kiểu này thì còn xái đâu mà hút”, thế là điếu thuốc tự nhiên tắt ngấm. Lần khác, trước khi đi bốc HCLS, đêm anh nằm mơ thấy LS về nói rằng mình bị bom nên đồng đội chỉ tìm được một cánh tay, nhưng lâu quá cánh tay đó đã tan thành cát bụi. Quả thật, khi đào mộ chỉ thấy còn mỗi tấm ni lông.

Anh Hùng cúng cơm cho các liệt sĩ vừa được bốc hài cốt. Ảnh: NVCC
Anh Hùng cúng cơm cho các liệt sĩ vừa được bốc hài cốt. Ảnh: NVCC
Theo anh Hùng tiết lộ, kinh phí để anh làm công việc thiện nguyện đặc biệt này đã lên khoảng 4 tỉ đồng. Khoản tiền này trích từ hoạt động của Đội xe cấp cứu 115 Hùng - Nga do anh làm chủ và một phần đóng góp của gia đình chị gái Hoàng Thị Thanh Huế.
“Tháng nào trích lợi nhuận góp được mấy chuyến thì đi mấy chuyến. Tôi không nhận từ gia đình LS và bất kỳ ai một đồng nào. Nếu ai có tấm lòng hảo tâm gửi tặng tiền cho gia đình LS thì tôi nhận giúp và trao đúng như vậy khi bàn giao hài cốt”.
Chia tay, anh Mạnh Hùng nói một câu gan ruột: “Những người mẹ, người vợ, người con LS đã mỏi mòn chờ nắm xương của người nằm xuống. Chính quyền các cấp, mọi nhà, mọi người hãy chung tay, góp sức để tìm kiếm hoặc đưa HCLS về quê hương sớm nhất nếu gia đình họ có nguyện vọng. Nếu không chúng ta có lỗi lớn”.
Theo Quang Viên (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.