Dự báo điểm chuẩn đại học tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Với những thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm xét tuyển ĐH được dự báo sẽ tăng mạnh, đặc biệt ở nhóm các ngành “hot” như khoa học tự nhiên, kinh tế...

Thí sinh tham gia đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TPHCM)
Thí sinh tham gia đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TPHCM)


Đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã diễn ra thành công trên cả nước. Sau khi biết kết quả thi đợt 1, thí sinh cần làm gì để đảm bảo quyền lợi và nắm chắc một suất vào đại học?

Cân nhắc sử dụng quyền phúc khảo

Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, trước khi quyết định nộp đơn phúc khảo, thí sinh nên đối chiếu bài làm của mình với đáp án các môn thi do Bộ GD-ĐT công bố để dự đoán điểm số. Nếu điểm số bài làm cao hơn kết quả nhận được từ 2 - 3 điểm thì các bạn có thể nộp đơn phúc khảo, trường hợp điểm số không thay đổi nhiều so với kết quả nhận được thì không nên phúc khảo, tránh trường hợp phúc khảo xong bài thi bị hạ điểm.

Ngoài ra, thí sinh chỉ nên phúc khảo bài thi nếu kết quả thi tốt nghiệp THPT không “vừa sức” với nguyện vọng xét tuyển đại học đã đăng ký trước đó. Ngược lại, nếu điểm thi đáp ứng đủ điều kiện xét tuyển thì nên “chốt đơn” ngay để không bỏ lỡ cơ hội.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, đối với việc chấm phúc khảo bài thi tự luận, mỗi bài thi sẽ được 2 cán bộ chấm phúc khảo. Trong quá trình tiến hành các công việc liên quan đến phúc khảo, phải có ít nhất từ 2 thành viên của ban phúc khảo bài thi tự luận trở lên và có sự giám sát của thanh tra. Sau khi chấm phúc khảo, nếu kết quả của 2 cán bộ chấm giống nhau thì sử dụng kết quả đó làm điểm phúc khảo.

Trường hợp kết quả chấm của 2 cán bộ phúc khảo có sự chênh lệch thì bài thi sẽ được trưởng ban phúc khảo bài thi tự luận tổ chức cho cán bộ phúc khảo thứ ba chấm thi trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực khác màu. Nếu kết quả chấm của 2 trong 3 cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm phúc khảo.

Trường hợp kết quả chấm của cả 3 cán bộ chấm thi phúc khảo lệch nhau thì trưởng ban phúc khảo bài thi tự luận lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm tròn đến 2 chữ số thập phân làm điểm phúc khảo rồi ký tên xác nhận. Bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,25 điểm trở lên sẽ được điều chỉnh điểm thi.

Riêng đối với các môn trắc nghiệm, bài thi được đối chiếu từng câu trả lời thí sinh đã tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm với hình ảnh quét lưu trong máy tính, nếu có sai lệch phải xác định rõ nguyên nhân và in kết quả chấm tại hai thời điểm trước và sau khi sửa lỗi để lưu hồ sơ. Các bước còn lại tương tự chấm trắc nghiệm lần đầu tiên.

Căng thẳng cuộc đua vào các trường ĐH tốp đầu

 Năm nay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau khi có kết quả dự thi đợt 1, thí sinh có 10 ngày (từ ngày 26-7 đến hết ngày 5-8) nộp đơn phúc khảo. Hội đồng thi sẽ xem xét và công bố kết quả phúc khảo chậm nhất ngày 20-8. Song song đó, ngày 5-8, các trường đại học (ĐH) sẽ công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Cổng Thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trên trang thông tin điện tử của trường.

Từ ngày 7-8 đến 17 giờ ngày 17-8, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến tối đa 3 lần. Trường hợp thí sinh phúc khảo các bài thi/môn thi sẽ điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả phúc khảo. Dự kiến ngày 23-8, các trường ĐH công bố điểm xét tuyển đợt 1, trước 17 giờ ngày 1-9 thí sinh trúng tuyển có thể xác nhận hồ sơ nhập học.

Thời điểm hiện tại, nhiều trường ĐH như ĐH Nông Lâm, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Công nghiệp, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM)... đã công bố điểm chuẩn xét tuyển học bạ THPT và xét tuyển qua kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021. Với những thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm xét tuyển ĐH được dự báo sẽ tăng mạnh, đặc biệt ở nhóm các ngành “hot” như khoa học tự nhiên, kinh tế... Vì vậy, cuộc đua tìm suất vào các trường ĐH tốp đầu được dự báo sẽ căng thẳng hơn, nhất là trong bối cảnh các trường đã dành lượng lớn chỉ tiêu xét tuyển cho các phương thức xét học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực…

 

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh nộp đơn phúc khảo tại nơi đăng ký dự thi trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi. Điểm các bài thi được điều chỉnh (nếu có) sau phúc khảo sẽ do trưởng ban phúc khảo trình chủ tịch hội đồng thi quyết định và cập nhật vào hệ thống phần mềm quản lý thi. Nếu bài thi được điều chỉnh điểm, thí sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi sau phúc khảo và hoàn toàn không mất lệ phí đối với toàn bộ quá trình phúc khảo.

Theo MINH QUÂN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.