Dòng máu anh hùng: Nối nghiệp giữ biển trời Tổ quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhắc đến trận chiến đấu bảo vệ Trường Sa 14.3.1988, ai cũng biết thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã chỉ huy bộ đội trên tàu HQ-604 kiên cường bảo vệ Gạc Ma và hy sinh cùng 63 cán bộ, chiến sĩ hải quân. Những năm tháng sau khi ông ngã xuống, vợ và 2 con trai ông đã sống tháng ngày nghị lực...

"Để yên cho tôi nuôi con khôn lớn"

Bà Nguyễn Thị Tần (63 tuổi, đang ở TP.HCM) là vợ của Anh hùng - liệt sĩ Vũ Phi Trừ. Bà Tần sinh năm 1961, kém ông Trừ 4 tuổi và cùng ở làng Nga (xã Quảng Khê, H.Quảng Xương, Thanh Hóa). Theo lời kể của bà Tần, tháng 2.1975, ông Trừ nhập ngũ vào Đoàn 125 hải quân (nay là Lữ đoàn 125 Vùng 2 hải quân). Năm 1981, ông Trừ tốt nghiệp Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hải quân (nay là Học viện Hải quân), về làm thuyền phó tàu HQ-604 (Hải đội 1, Lữ đoàn 125 hải quân). Đầu tháng 11.1982, ông bà cưới nhau.

Cuối năm 1983, ông bà có con trai đầu, đặt tên là Vũ Xuân Đăng. Đầu tháng 5.1987, cậu con trai thứ 2 Vũ Xuân Khoa chào đời, ông Trừ xin mãi mới được nghỉ phép cuối năm. Ở với con chưa tròn 10 ngày thì đơn vị điện ra, yêu cầu vào ngay Cam Ranh (Khánh Hòa) nhận nhiệm vụ. Chuyến đi ấy, đại úy - thuyền trưởng Vũ Phi Trừ mãi mãi nằm lại lòng biển Gạc Ma.

Vũ Xuân Khoa là con trai út của Anh hùng - liệt sĩ Vũ Phi Trừ, hiện là phó trưởng phòng Kinh doanh, thuộc Trung tâm dịch vụ logistics Tân Cảng. Ảnh: Mai Thanh Hải

Vũ Xuân Khoa là con trai út của Anh hùng - liệt sĩ Vũ Phi Trừ, hiện là phó trưởng phòng Kinh doanh, thuộc Trung tâm dịch vụ logistics Tân Cảng. Ảnh: Mai Thanh Hải

Cuối tháng 12.1989, liệt sĩ Vũ Phi Trừ được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, bà Tần được đón ra Hà Nội nhận danh hiệu. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc ấy là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) và Đại tướng Lê Đức Anh (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) hỏi nguyện vọng, bà Tần thật thà: "Vợ chồng cháu chỉ muốn căn nhà có mái che mưa lành lặn".

Chồng mất, bà Tần gầy mòn, sụt từ trên 50 kg xuống chỉ còn 41 - 42 kg. Ban ngày, bà cắm mặt ngoài cánh đồng với 4 sào ruộng, đêm tối lại thắp đèn cùng mẹ chồng và 2 con trai bé tí, kỳ cạch dệt chiếu. Nhiều người khuyên đi bước nữa, bà Tần bảo: "Gần 30 tuổi, 2 mặt con nheo nhóc, là khổ lắm rồi. Các bác để yên cho tôi nuôi con lớn khôn"…

Giữa năm 2006, khi con trai đầu Vũ Xuân Đăng đã nhập ngũ và cậu út Vũ Xuân Khoa vào đại học, bà Tần cũng vào TP.Pleiku (Gia Lai) giúp việc nhà cho em trai. Được ít lâu, bà Tần xin vào Trường tiểu học Lương Thạnh (P.Đống Đa, TP.Pleiku) làm phụ bếp nấu ăn, dọn vệ sinh để có tiền gửi con út ăn học. Năm 2010, cậu út Vũ Xuân Khoa tốt nghiệp đại học. Bà Tần xuống TP.HCM, ở cùng nhà trọ với con trai tại Q.Bình Thạnh và lại xin làm công việc tạp vụ cho một công ty trong Khu công nghệ cao TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Tần bên di ảnh Anh hùng - liệt sĩ Vũ Phi Trừ. Ảnh: Mai Thanh Hải

Bà Nguyễn Thị Tần bên di ảnh Anh hùng - liệt sĩ Vũ Phi Trừ. Ảnh: Mai Thanh Hải

Ý chí vươn lên

Cậu con trai đầu Vũ Xuân Đăng nhập ngũ năm 2001, được bố trí ôn thi Học viện Hải quân, nhưng do thiếu điểm nên đưa vào học Trường trung cấp Kỹ thuật hải quân (nay là Cao đẳng Kỹ thuật hải quân). Ra trường, Đăng về công tác trên tàu cứu hộ 956, Lữ đoàn 125 (Vùng 2 hải quân), hiện đeo quân hàm thượng úy - quân nhân chuyên nghiệp.

Cậu út Vũ Xuân Khoa 36 tuổi hiện đang công tác tại Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (thuộc Quân chủng Hải quân). Câu chuyện đi học của Khoa đầy ý chí và nghị lực: Tốt nghiệp THPT năm 2005, Khoa thi vào Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội nhưng thiếu điểm. Sau đó, cậu được Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM gọi học theo nguyện vọng 2.

Cuối tháng 9.2006, Vũ Xuân Khoa nhập học lớp quản lý công nghiệp 0602, thuộc khoa Kinh tế, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Suốt 4 năm học, Khoa liên tục tìm việc làm thêm, lâu nhất và đều đặn là phục vụ bàn ở nhà hàng tiệc cưới Tây Hồ (đường Kha Vạn Cân, TP.Thủ Đức).

Tháng 10.2010, Vũ Xuân Khoa tốt nghiệp đại học. Rất muốn đi theo con đường binh nghiệp của bố, Khoa gửi hồ sơ xin việc ra Quân chủng Hải quân theo đường bưu điện. Không thấy hồi âm, Khoa đi các nơi tìm việc và đầu năm 2011, được nhận vào làm tại Công ty Masan.

Tháng 8.2011, Khoa tình cờ gặp Chuẩn đô đốc Ngô Quang Tiến, Tư lệnh Vùng 4 hải quân (sau này chuyển về làm Giám đốc Học viện Hải quân). Khi biết Khoa là con trai của Anh hùng - liệt sĩ Vũ Phi Trừ và muốn phục vụ trong hải quân, Chuẩn đô đốc Ngô Quang Tiến đã báo cáo cụ thể trường hợp của Khoa với Quân chủng và đề nghị chuẩn y nguyện vọng.

Đầu tháng 9.2011, Vũ Xuân Khoa được nhận làm điều độ ở cảng B Cát Lái (TP.HCM) với mức lương định mức (lương chế độ chính sách, khoảng từ 5 - 7 triệu đồng). Năm 2012, Khoa chuyển lên phòng marketing; năm 2013, điều chuyển về trung tâm logistics và được Tổng công ty cử đi học tại châu Âu (Hà Lan, Bỉ, Đức) về lĩnh vực logistics, khai thác cảng.

Đến năm 2015, Vũ Xuân Khoa được tặng danh hiệu "nhân viên bán hàng xuất sắc nhất Tổng công ty Tân Cảng"; tháng 5.2015, tình nguyện ra TP.Đà Nẵng thành lập Văn phòng trung tâm dịch vụ logistics Tân Cảng (SNPL); năm 2016, được kết nạp Đảng; năm 2017, là Phó trưởng đại diện SNPL - Văn phòng Đà Nẵng; từ 2019 - 6.2022 là Giám đốc Tân Cảng Đà Nẵng…

Đặc biệt, năm 2021, Vũ Xuân Khoa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển toàn bộ thiết bị điện gió từ Quy Nhơn lên Tây nguyên, góp phần mang lại thành công lớn về dịch vụ logistics của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Tháng 6.2022, Vũ Xuân Khoa được bổ nhiệm phó trưởng phòng Kinh doanh, thuộc Trung tâm dịch vụ logistics Tân Cảng và được tuyển dụng viên chức quốc phòng.

Trong trận chiến bảo vệ Trường Sa ngày 14.3.1988, thuyền trưởng tàu HQ-604 Vũ Phi Trừ dù bị thương nặng chân gãy nhưng vẫn cố đứng, lệnh cho máy trưởng Trần Văn Minh khắc phục hư hỏng, cố gắng lao tàu lên bãi Gạc Ma. Chính trị viên Vũ Văn Thắng bị thương nặng, vẫn băng bó cho thủy thủ trưởng Đoàn Khắc Hạnh bị mảnh đạn pháo găm vào đầu. Các thuyền phó Phạm Văn Thiều, Lê Đức Hoàng bỏng khắp người, nhưng người thì xuống hầm sửa máy, người ra boong chỉ huy bộ đội dùng súng bộ binh đánh trả lính Trung Quốc…

Trung úy Lê Minh Thoa (cựu thủy thủ tàu HQ-604, Lữ đoàn 125 hải quân)

Biết con gái qua thư

Chúng tôi về xã Thiệu Tân, H.Thiệu Hóa (Thanh Hóa) thăm gia đình liệt sĩ Đỗ Viết Thành (sinh 1964, nhập ngũ tháng 2.1985, hy sinh ngày 14.3.1988 khi đang là chiến sĩ hàng hải của tàu HQ-604 làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Gạc Ma, Trường Sa, Khánh Hòa).

Bà Đỗ Thị Hiền (vợ liệt sĩ Thành) kể: Bà và ông cùng năm sinh, cùng lớn lên trong thôn. Cuối năm 1983, ông Thành tốt nghiệp THPT, ở nhà lao động giúp cha mẹ. Cuối 1984, ông bà cưới nhau, được 5 tháng thì ông Thành nhập ngũ vào Lữ đoàn 125 hải quân, liên tục đi Trường Sa làm nhiệm vụ vận tải quân sự.

Đầu năm 1987, ông Thành về nghỉ phép và có con. Tháng 10.1987, con gái Đỗ Thị Thu chào đời, nhưng ông Thành không được về nhìn mặt con, do chuẩn bị đi đảo. Đầu năm 1988, đại úy - thuyền trưởng tàu Vũ Phi Trừ nghỉ phép về thăm nhà, đạp xe từ H.Quảng Xương sang H.Thiệu Hóa ngắm con gái Đỗ Thị Thu và khi vào đơn vị, kể tỉ mỉ cho ông Thành.

Trong lá thư cuối cùng gửi gia đình, ông Thành viết: "Nghe bác Trừ tả và biết con ngoan, cha vui lắm".

Ông Thành hy sinh, bà Hiền lúc ấy 24 tuổi dọn ra căn nhà mái rạ dưới chân đồi nuôi con. Nhiều người đến tìm hiểu, bà lắc đầu: "Con tôi thiệt thòi lắm rồi, không thể để nó khổ vì cảnh con riêng con chung nữa" và chống chọi với nghèo khó, nuôi con.

Hết lớp 12, Đỗ Thị Thu theo học Đại học Sư phạm thể dục - thể thao Hà Nội (khóa 2006 - 2010). Ra trường, không xin được công việc đúng chuyên môn, Thu xin làm tạp vụ tại Công ty TNHH MTV cao su Thanh Hóa với mức lương gần 4 triệu đồng/tháng.

Tháng 9.2014, lãnh đạo H.Thiệu Hóa biết được hoàn cảnh gia đình người liệt sĩ Gạc Ma, tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Đầu năm 2015, Đỗ Thị Thu chính thức là giáo viên dạy thể dục ở Trường tiểu học và THCS Thiệu Châu (nay là Thiệu Tân), H.Thiệu Hóa.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.