Độc lạ giống chanh dây vàng hương ổi của Hợp tác xã Tân Lộc Phát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Lộc Phát (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Gia Lai lai ghép thành công và phát triển giống chanh dây vàng hương ổi. Đây là hướng đi mới giúp thành viên HTX có thu nhập ổn định và hướng đến liên kết mở rộng vùng nguyên liệu.

 Chị Trần Thị Tâm (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) thu hoạch chanh dây vàng hương ổi. Ảnh: Gia Linh
Chị Trần Thị Tâm (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) thu hoạch chanh dây vàng hương ổi. Ảnh: Gia Linh

Năm 2017, HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Lộc Phát trồng 3 ha chanh dây ghép bình thường từ nguồn giống chanh dây tím nhập khẩu từ Đài Loan. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác, HTX phát hiện một số cây bị chết nhưng ở mắt ghép đã ra chồi thực sinh và cho quả màu vàng. Khi chín, quả có vị ngọt thanh, hạt nhỏ, đặc biệt là có mùi thơm của hương ổi. Theo Giám đốc HTX Trần Mạnh Hưng, từ những nguồn gen quý hiếm này, HTX đã lựa chọn các cây nổi trội để khai thác hom ghép. Qua nhiều lần chọn lọc và ghép lai tạo, đơn vị đã cho ra giống chanh vàng hương ổi. “Năm 2018, chúng tôi trồng thí nghiệm 200 gốc và nhận thấy cây phát triển tốt và thích nghi với điều kiện khí hậu ở đây. Đến vụ 2019-2020, HTX trồng 3 ha chanh dây vàng hương ổi tại xã Kon Chiêng. Kết quả, năng suất đạt 30-45 tấn/ha; quả đồng đều, bình quân 8-14 quả/kg. Đặc biệt, quả chín có màu vàng óng, vỏ cứng dễ vận chuyển và bảo quản. Quả có mùi hương ổi dịu dàng, hấp dẫn người tiêu dùng và bán được giá 30-50 ngàn đồng/kg, chủ yếu ở thị trường Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh”-ông Hưng chia sẻ.

Để nhân rộng giống chanh dây vàng hương ổi, HTX liên kết với một số hộ dân ở xã Kon Chiêng và thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) trồng trên diện tích 8 ha. Theo đó, HTX đầu tư giống, vật tư nông nghiệp và hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho người dân. Tiền đầu tư sẽ được HTX trừ dần khi có sản phẩm. Các sản phẩm chanh dây vàng được HTX bao tiêu với giá tối thiểu 18 ngàn đồng/kg chanh xô và 25 ngàn đồng/kg chanh đẹp. Khi chanh có giá cao, HTX sẽ thu mua theo giá thị trường. Ông Trần Văn Thái (làng Klăh, xã Kon Chiêng) cho biết: Gia đình ông liên kết với HTX trồng hơn 1 ha chanh dây vàng. Chanh thu hoạch đến đâu được HTX thu mua đến đó với giá 35 ngàn đồng/kg chanh đẹp và 25 ngàn đồng/kg chanh xô. “Dự kiến, năng suất vườn chanh của gia đình đạt khoảng 25-30 tấn/ha. Với giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình thu về trên 300 triệu đồng”-ông Thái nhẩm tính.

Quả chanh leo chín có màu vàng óng, vỏ cứng dễ vận chuyển và bảo quản. Ảnh: Gia Linh
Quả chanh dây chín có màu vàng óng, vỏ cứng dễ vận chuyển và bảo quản. Ảnh: Gia Linh



Còn chị Trần Thị Tâm (cùng thôn) thì cho hay: “Đây là vụ thứ 2 gia đình tôi liên kết với HTX trồng chanh dây vàng. Hiện tôi trồng 500 cây chanh dây tím và 500 cây chanh dây vàng. Chanh tím (loại xô) có giá 12 ngàn đồng/kg, chanh vàng 25.000 đồng/kg (loại xô), còn chanh vàng đẹp được HTX thu mua với giá 35-40 ngàn đồng/kg. Với giá chanh dây vàng ổn định như hiện nay, sau khi trừ chi phí, người trồng lợi nhuận 300-400 triệu đồng/ha”.  

Ngày 20-9, Sở Nông nghiệp và PTNT có Quyết định số 808/QĐ-SNNPTNT về việc công nhận 100 cây chanh dây đầu dòng có mã hiệu nguồn giống C.CHANHLEOVANGHUONGOI.64.629.23818.22.07 có tên Việt Nam là chanh leo vàng hương ổi và tên xuất xứ là chanh leo Đài Loan. Theo đó, từ năm 2022 đến 2024, HTX được phép khai thác tối đa 500 hom/cây/năm. Theo ông Trần Mạnh Hưng: Hợp tác xã đã xây dựng được vườn ươm có diện tích khoảng 3.000 m2 để ươm giống chanh dây vàng cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Dự kiến, mỗi năm, đơn vị sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 50 ngàn hom giống (tương đương 80 ha). “Để phát triển ổn định vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu chanh dây vàng hương ổi, HTX sẽ liên kết với người dân trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, HTX đang hoàn thiện hồ sơ để đưa 2 sản phẩm là quả chanh dây vàng hương ổi và dầu chanh dây dự thi sản phẩm OCOP. Đây là hướng đi mới của HTX với hy vọng sẽ góp phần nhân rộng được giống chanh dây chất lượng cao và nâng cao thu nhập cho người nông dân”-ông Hưng cho biết thêm.

 

 GIA LINH

 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

(GLO)- Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản là hướng đi chiến lược để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, cần chuyển hóa lợi thế nông sản địa phương thành năng lực cạnh tranh thực thụ để đủ sức vươn xa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (ảnh đơn vị cung cấp).

Tự tin tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

(GLO)- Sau nhiều nỗ lực, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã xây dựng thành công 5 sản phẩm cà phê và hồ tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện các sản phẩm này đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao).

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(GLO)- Sau 5 năm triển khai Đề án số 02-ĐA/HU của Huyện ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các hộ dân tham quan mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97 tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ánh (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah). Ảnh: Hữu Minh

Giống lúa TBR97 tại xã Ia Mlah ước đạt năng suất 80 tạ/ha

(GLO)- Sáng 26-4, tại xã Ia Mlah (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed-Miền Trung Tây Nguyên (trực thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed) tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97.