Dọc dòng Đăk Bla

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sông Đăk Bla là nét khắc họa không thể thiếu trong bức tranh toàn cảnh về cảnh sắc thiên nhiên cũng như trong quá trình hình thành và phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội Kon Tum.

Lần theo những dòng tư liệu cũ rất vắn tắt: “Sông Bla được hợp thành từ nhiều sông: Sông Sengèh (Đăk Snghé) ở giữa, sông D. Penè (Đăk Pne) ở phía Đông và sông D. Akoeuy (Đăk Kôi) ở phía Tây. Sengèh là dòng chính” (Rừng Người Thượng - Henri Maitre), chúng tôi tìm về thượng nguồn Đăk Bla tại địa đầu xã Măng Bút (huyện Kon Plông). Tại đây, ngay đầu làng Đăk Jăk, một nguồn nước thoát ra từ chân  núi Ngọc Mên - ranh giới tự nhiên giữa xã Măng Bút (huyện Kon Plông, Kon Tum) và xã Trà Nam (huyện Nam Trà Mi, Quảng Nam) - nhập vào hai nguồn nhỏ Đăk Jan và Đăk Leng tạo nên dòng Đăk Snghé.

Ngay nơi đầu nguồn, giữa mênh mang đồi núi, bất ngờ mở toang ra một cánh đồng thoáng đãng, gọi là cánh đồng Đăk Jăk, trải dài qua 3 làng: Đăk Jăk, Đăk Chun, Đăk Ngó, ước chừng bề rộng trung bình khoảng trên dưới 0,5km, bề dài khoảng trên dưới 3km. Dòng nước mềm mại lượn lờ êm trôi giữa mượt mà ruộng lúa, ôm quanh thôn làng yên ả thanh bình, tạo nên sự lý thú, mát dịu trong mắt khách đường xa.

Trôi qua hết cánh đồng Đăk Jăk, dòng Đăk Snghé thắt lại, len lỏi thung khe chừng trên 10km thì một lần nữa mở toang lưu vực thành một vùng ruộng nước rộng tương đương cánh đồng Đăk Jăk phía đầu nguồn, bao quanh khu trung tâm xã Măng Bút phẳng phiu, thoáng đãng, thanh bình.

 

 Chiều về bên bến sông Đăk Bla. Ảnh: Nguyễn Ban
Chiều về bên bến sông Đăk Bla. Ảnh: Nguyễn Ban


Qua Măng Bút đến xã Đăk Tăng, dòng Đăk Snghé làm nên lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum long lanh ngọc bích giữa đại ngàn, góp cho khu sinh thái Măng Đen thêm một điểm tham quan tươi đẹp. Sau lòng hồ, sông ngoặt sang địa phận huyện Kon Rẫy, tìm đến ngang tầm thôn Kon Keng, xã Đăk Tơ Lung bên hữu ngạn, gặp dòng Đăk Kôi từ hướng Tây đổ vào. Tiếp chừng 4km nữa lại gặp dòng Đăk Pne từ hướng Đông xẻ ngang xã Tân Lập bên tả ngạn nhập chung, tạo nên ngã ba sông phía hạ lưu cầu Kon Prãi. Từ đây sông được gọi tên Đăk Bla, thẳng dòng, liền mạch với Đăk Snghé.

Như vậy, Đăk Snghé là phần thượng nguồn Đăk Bla, còn Đăk Kôi và Đăk Pne là hai phụ lưu lớn phía đầu nguồn của Đăk Bla.

Từ Kon Prãi, sau khi nhận nước từ các phụ lưu lớn nhỏ hợp thành, Đăk Bla mở rộng dòng, băng qua các làng mạc Ba Na đông đúc, thanh bình. Đến hết làng Kon Sơm Lũ là bắt sang làng Kon Dơ Xing thuộc xã Đăk Tờ Re. Suốt từ đầu nguồn đến đây, Đăk Bla chảy hoàn toàn trên đất Kon Tum. Nhưng đến đây, nhìn sang phía tả ngạn, dưới um tùm lau lách, nguồn nước nhỏ Pơ Key từ phía đông đâm vào. Đây là “điểm nhấn” việc Đăk Bla bắt đầu làm ranh giới giữa Kon Tum và Gia Lai, bởi bên hữu ngạn Pơ Key là địa phận làng Kon Sơm Lũ - Kon Tum, nhưng phía tả ngạn Pơ Key, đồng thời cũng là tả ngạn Đăk Bla, là đất Gia Lai. Đoạn sông này tư liệu “Rừng Người Thượng” viết: “Từ chỗ sông Sengèh hợp lưu với sông Penè, con sông mang tên là sông Bla (…). Bên dưới đó, phía bờ trái nó nhận thêm sông Pekey từ dãy Kông Ngút chảy xuống”.

Qua “điểm nhấn” hợp lưu với Pơ Key, Đăk Bla tiếp tục làm “dòng sông ranh giới” cho đến khi gặp công trình thủy điện cuối địa phận làng Kon Guôr, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum bên phía hữu ngạn. Tại đây, sát hạ lưu chân đập thủy điện, phía tả ngạn Đăk Bla, dòng Pơ Tơng (còn gọi Mơ Tơng) từ xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, đổ vào. Đây là “điểm nhấn” chấm dứt đoạn làm ranh giới của Đăk Bla; bởi phía hữu ngạn Pơ Tơng là đất Gia Lai, nhưng phía tả ngạn Pơ Tơng, đồng thời cũng là tả ngạn Đăk Bla, đã là địa phận thôn Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, nên hai bên bờ đều thuộc địa phận Kon Tum. Từ đây Đăk Bla trở lại chảy hoàn toàn trên đất Kon Tum. Từ đầu nguồn Măng Bút đến hợp lưu với Pơ Tơng, Đăk Bla vẫn chảy theo hướng Bắc - Nam, nhưng đến đây, tư liệu “Rừng Người Thượng” viết: “Tại chỗ gặp sông Meteung (Mơ Tơng), sông Bla đột ngột đổi hướng chảy về Tây”. Đây là “điểm nhấn” đặc biệt của Đăk Bla, ghi dấu nơi dòng sông “đột ngột đổi hướng rẽ về Tây” (để mang tiếng là… dòng sông chảy ngược)! Và cũng từ đây, lưu vực Đăk Bla bắt đầu mở thành một thung lũng rộng dài đến độ các tư liệu cũ gọi là “Đồng bằng Rơ Ngao”, “Đồng bằng sông Bla”… Xuyên tâm “đồng bằng” này, dòng Đăk Bla êm đềm uốn lượn ngang qua trung tâm thành phố Kon Tum, khiến Kon Tum thành tỉnh duy nhất ở khu vực Tây Nguyên có cảnh sắc sông núi hữu tình giữa lòng đô thị. Cứ thế, Đăk Bla trôi đến điểm hợp lưu với dòng Pô Kô thành sông Sê San đổ về lòng hồ thủy điện Ya Ly.

Có tư liệu nói Đăk Bla dài chừng 130km, không rõ đúng, sai? Chỉ biết không những nó đã cho nguồn tôm cá ngọt lành, tạo nên một miền phù sa màu mỡ nuôi sống các nhóm cư dân tại chỗ, mà nó còn soi bóng, ôm ấp, gắn bó mật thiết với bao nhiêu thôn làng Xơ Đăng, Ba Na dọc theo dòng chảy, tạo nên một miền văn hóa Tây Nguyên riêng biệt, độc đáo.

Sông Đăk Bla còn gắn liền với biết bao sự kiện lịch sử quanh nó, góp phần hình thành nên diện mạo đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Kon Tum nói chung, khu vực trung tâm đô thị Kon Tum nói riêng, như một dòng chảy tâm thức trong bao lớp cư dân trên mảnh đất này.

https://www.baokontum.com.vn/toa-soan-ban-doc/doc-dong-dak-bla-22097.html

Theo TẠ VĂN SỸ (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.