Độc đáo lễ cúng Khai sơn ở làng Chí Công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Hàng năm, vào mùng 10 tháng Giêng, người dân thôn Chí Công (xã Cư An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) lại cùng nhau vào rừng bày biện lễ vật làm lễ cúng Khai sơn (mở cửa rừng).

Những vị cao niên trong làng không còn nhớ lễ cúng mở cửa rừng có từ bao giờ. Chỉ biết là khi những cư dân đầu tiên đến định cư trên mảnh đất này, rừng núi vẫn còn rậm rạp hoang sơ, con người thường xuyên đối mặt với các loài thú dữ, đáng sợ nhất là hổ, biểu tượng uy quyền của núi rừng. Từ đó, ông cha đã đặt ra việc cúng Khai sơn, mở cửa rừng đầu năm để được thần núi bảo hộ việc đi lại làm ăn của con dân. Tục truyền lại rằng, ngày ấy có sự linh ứng của Ngũ Hành tiên nương nhập vào thân xác của cụ Cốt Lo bảo rằng đã chế ngự chúa tể sơn lâm để phù hộ cho con dân yên ổn làm ăn. Để tưởng nhớ công đức ấy, dân làng lập đình để thờ bà Ngũ Hành và lập miếu thờ chúa tể sơn lâm. Đình thờ cúng bà Ngũ Hành và chúa sơn lâm trước đây lập ở chân núi Chí Công, bây giờ chuyển về vị trí ngay sát quốc lộ 19 để người dân thuận tiện việc thờ cúng.

Địa điểm cúng Khai sơn là cây đa cổ thụ nằm ở ngoài làng, trên con đường chính đi ra cánh đồng. Nơi hành lễ là một khoảnh đất trống bên dưới cây đa, bên cạnh có nhiều tảng đá lớn, bằng phẳng dùng làm nơi bày biện lễ vật. Sau khi lễ vật đã được bày biện, vị chủ lễ đến làm lễ cúng mời các chư tôn thần rừng, núi, suối, sông, 12 con vật thần đại diện cho 12 con giáp về chứng giám, phù hộ, độ trì cho cư dân quanh vùng lên rừng xuống suối được bình an, cây trái quanh năm tốt tươi. Trong khi vị chủ tế khấn nguyện, ai muốn cầu điều gì thì tự khấn cho mình và gia đình.

Quang cảnh lễ cúng Khai sơn của người dân làng Chí Công. Ảnh: Nguyễn Anh Minh

Quang cảnh lễ cúng Khai sơn của người dân làng Chí Công. Ảnh: Nguyễn Anh Minh

Ông Nguyễn Đức Chí-Phó Trưởng thôn Chí Công-cho biết: Trước đây, mỗi gia đình trong làng tự sắm sửa lễ vật mang đến cửa rừng để cúng. Bây giờ đã có Ban nghi lễ của làng đứng ra vận động bà con góp kinh phí. Do vậy tổ chức lễ cúng lớn hay nhỏ phụ thuộc vào sự đóng góp của người dân. Còn ông Nguyễn Dũng Chinh-Trưởng ban nghi lễ, phụng tế đình Chí Công thì cho hay: Lễ cúng mở cửa rừng xuất phát từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh, cùng tâm thức “Đất có Thổ công sông có Hà bá”. Lễ cúng như là cách ngưỡng vọng của người dân với thế giới siêu nhiên khi đứng giữa chốn rừng thiêng nước độc. Sau khi cúng xong, lễ vật được bày biện tại chỗ, mọi người quây quần ăn uống vui vẻ, coi như là dịp gặp mặt đầu năm.

Ngoài lễ cúng Khai sơn, hàng năm, dân làng Chí Công còn tổ chức cúng Quý Xuân (ngày 19 tháng 2 âm lịch), cúng bà Ngũ Hành (ngày 23 tháng 3 âm lịch), cúng Quý Thu (ngày 19 tháng 8 âm lịch). Hiện nay, đình Chí Công còn lưu giữ nguyên vẹn 3 đạo sắc phong từ hơn 1 thế kỷ trước. Trong đó, 2 sắc phong năm 1911 (thời Vua Duy Tân), 1 sắc ban cho thần Thành Hoàng và thần Thổ Địa, sắc còn lại ban cho thần Thiên Y A Na. Sắc phong thứ 3, năm 1913, ban cho thần núi Chí Công. Hiện nay, đình Chí Công đang được chính quyền địa phương xây dựng hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh xem xét xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.