(GLO)- Hàng trăm năm qua, nhiều công trình kiến trúc cổ với nhà ngõ, bình phong được người dân gìn giữ, bảo tồn, trở thành bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất Tây Sơn Thượng đạo.
Độc đáo kiến trúc nhà ngõ đình làng
Trong tổng thể không gian đình, miếu thường có những thành phần kiến trúc (lần lượt từ ngoài vào) gồm: nhà ngõ, bình phong-trụ biểu, dinh thờ, sân, chính điện, nhà tiền nhơn, nhà âm linh và các công trình phụ trợ khác. Theo các cụ cao niên, nhà ngõ được xây dựng giống như ngôi nhà. Ngoài là bộ mặt, định vị hướng nhìn của ngôi đình, miếu, nhà ngõ còn có công dụng khắc ghi những thông tin quan trọng của làng, xã. Mỗi công trình nhà ngõ có kiến trúc trang trí họa tiết, hoa văn, câu đối khác nhau, đồng thời thể hiện những ước vọng, niềm tự hào của người dân. Hiện nay, trên địa bàn thị xã An Khê còn nhà ngõ đình Tân Lai, miếu Tân Lai (phường An Bình), miếu An Tân (phường An Tân) và nhà ngõ ở An Khê trường (Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo) cổ kính, đồ sộ.
Nhà ngõ tại An Khê trường được xây dựng cùng thời điểm với những thiết chế tín ngưỡng nơi đây. Năm 1969, nhà ngõ được trùng tu (chưa tìm thấy tài liệu ghi năm khởi công) và được tôn tạo gần đây nhất vào năm 2007. Công trình có lối kiến trúc hình khối tháp 2 tầng, cao 4,5 m; tầng dưới cao và rộng, tầng trên thấp hơn và hẹp lại. Tầng dưới nhà ngõ có tường bao 2 mặt Đông-Tây, phía Nam-Bắc có 3 đố khung cửa bằng bê tông thông nhau tạo lối đi. Mái trên của nhà ngõ với bờ nóc trang trí lưỡng long chầu nhật; phần nhô ra của 4 góc, tạo đầu đao vút lên, bên trên đắp 4 con chim phụng. Mái dưới to hơn làm nền cho tầng trên cũng đắp hình chim phụng nghinh, các góc vuốt cong. Tứ trụ đều có câu đối liễn, từng chữ gắn những mảnh gốm xưa in dấu thời gian.
Bức bình phong tại Dinh Bà (xã Cửu An, thị xã An Khê) còn khá nguyên vẹn sau hơn 2 thế kỷ. Ảnh: An Phát |
Khác với nhà ngõ ở An Khê trường, nhà ngõ miếu Tân Lai có dáng tam quan, cổ lầu, 2 tầng mái không lợp ngói mà tạo nên bằng các gờ gấp, giả ngói ống. Đỉnh mái thượng trang trí cặp rồng đối xứng, ngoảnh đầu chầu nguyệt như ngưng tụ khí thiêng đất trời; các góc của phần mái nhô ra được vuốt cong mềm mại, bên trên có chim phụng uy nghiêm, nghinh đón; bên dưới tứ trụ đắp những con rồng uốn lượn giữa áng mây bồng bềnh. Ngoài ra, các vách tường của mái thượng trang trí, đắp nổi hình con lân kết hợp với vân mây và nhà cửa thanh bình, phong cảnh hữu tình.
Phần mặt chính của mái hạ, bên trên trang trí nhiều hoa văn tinh xảo, dây lá cách điệu và cuốn thư với những nếp gấp mềm mại. Trên cuốn thư có 3 chữ Hán (dịch nghĩa là Tân Lai miếu) đều được gắn cầu kỳ từng miếng gốm nhỏ màu xanh. Đôi dòng câu đối khắc rõ từng nét, chạy dọc hai bên cột, càng làm cho công trình thêm uy nghiêm, kỳ bí.
Đặc sắc nghệ thuật đắp vẽ bình phong
Ông Nguyễn Lưu tham gia Ban nghi lễ và phụ trách trông coi miếu Tân Lai đã hơn 30 năm nên nắm rõ lịch sử của công trình. Theo ông Lưu, đình Tân Lai được xây dựng vào khoảng năm 1897. Năm 1937, thành viên Ban nghi lễ cụm đình, miếu Tân Lai và người dân trong vùng đóng góp tiền của, mời thợ dưới Bình Định lên thiết kế, xây dựng công trình đình, miếu. Trong đó, nhà ngõ, bình phong trụ biểu được xây dựng công phu, bề thế. Do tác động của thiên nhiên, cặp trụ biểu tại miếu Tân Lai bị gãy đổ. Năm 2019, Ban nghi lễ đã mời thợ về đo vẽ, rồi xây dựng theo khuôn mẫu cũ. “Hiện cặp trụ biểu cũ chúng tôi vẫn gìn giữ như một tư liệu để nghiên cứu, truyền lại cho con cháu mai sau”-ông Lưu nói.
Hầu hết đình miếu tại thị xã An Khê có xây bức bình phong-cặp trụ biểu trước mặt, ngay sau nhà ngõ. Không chỉ mang ý nghĩa về mặt phong thủy là vật che chắn, ngăn chặn chướng khí làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của các vị thần thờ bên trong, mỗi công trình bình phong-trụ biểu còn là những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc độc đáo.
Nhà ngõ miếu Tân Lai (phường An Bình, thị xã An Khê) được xây dựng, trang trí công phu, bề thế. Ảnh: An Phát |
Công trình nhà ngõ, bình phong-trụ biểu ở An Khê trường (Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, thị xã An Khê) còn bảo tồn nguyên vẹn cấu trúc. Ảnh: An Phát |
Theo ông Trần Đình Luân-cán bộ Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, bình phong được xây theo hình chữ nhật, trang trí 2 mặt bằng kỹ thuật đắp khảm sành sứ với nhiều họa tiết, hoa văn cây cối, muông thú cầu kỳ. Phần trung tâm của bức bình phong đắp nổi phù điêu long mã, hình lân, rùa hoặc phụng... Cặp trụ biểu vững chãi đối xứng 2 bên bức bình phong có cấu trúc hình trụ vuông hoặc hình trụ tròn. Thân trụ biểu có nơi khắc câu đối, lại có chỗ đắp rồng vờn mây sinh động, đầu trụ đặt cặp tượng kỳ lân. “Những biểu tượng phù điêu trang trí trên tấm bình phong-trụ biểu hướng đến sự an lành, hạnh phúc và phồn thịnh của làng, xã”-ông Luân giải thích.
Bình phong-trụ biểu trước An Khê trường còn bảo tồn nguyên vẹn cả về cấu trúc lẫn hoa văn. “Từ nhà ngõ đi thẳng vào phía trong 4 m, ta sẽ thấy bức bình phong đặt chắn giữa lối đi, phía bên phải và trái là cặp trụ biểu cùng đặt song song. Bình phong thiết kế hình cuốn thư có kích thước 2 x 2,18 m. Mặt ngoài cuốn thư đắp nổi phù điêu hình long mã đang bay, bốn bề gợn mây bồng bềnh; 2 bên nếp gấp đắp nổi hình hươu, nai và cây lá. Mặt trong đắp nổi con rái cá chở cuốn thư, bên trên là hình cá chép vượt long môn và trên cùng là phụng hoàng đang sà cánh đáp xuống; hai bên và trên là những đám mây. Tất cả hình đắp nổi đều được ghép mảnh sành sứ. Đặc biệt, bên trên 2 góc của bình phong có gắn 2 tượng con nghê cách điệu rất đẹp”-ông Luân cho biết.
Thị xã An Khê đã lập hồ sơ đề nghị tỉnh cho phép tôn tạo cụm di tích đình, miếu Tân Lai với tổng kinh phí đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng. Theo Chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Hùng Vỹ, việc trùng tu, tôn tạo nhằm đáp ứng nhu cầu bảo tồn, gìn giữ, lưu truyền, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khơi dậy lòng tự hào và tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng; đồng thời, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân và khai thác, phát huy tiềm năng du lịch địa phương. |
AN PHÁT