Độc đáo bông tai ngà voi của các tộc người ở Bắc Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các tộc người ở Bắc Tây Nguyên thích đeo các đồ trang sức để làm đẹp và thể hiện sự sung túc, giàu có. Trong đó, bông tai làm bằng ngà voi từng là món trang sức không thể thiếu của các tộc người ở Bắc Tây Nguyên, được nhiều gia đình, dòng họ giữ gìn như báu vật.
Dấu vết về tập quán sử dụng trang sức bằng ngà voi được tìm thấy ở dân tộc Jrai (tỉnh Gia Lai) và dân tộc Brâu, Rơ Măm (tỉnh Kon Tum). Tập quán đeo trang sức bằng ngà voi gắn liền với cuộc sống mưu sinh của các tộc người Bắc Tây Nguyên.
Con voi là sinh cơ của những gia đình giàu có, của các tù trưởng ngày xưa. Con vật thân yêu này là phương tiện chuyên chở, giúp đồng bào thăm thú, đến được những nơi xa để trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm, kéo gỗ làm nhà, là vật nuôi có thể đổi được nhiều tài sản giá trị khác.
Theo sử biên niên, vào năm 1751 thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, Vua Nước, Vua Lửa (Thủy Xá, Hỏa Xá) của người Jrai được ưu ái trong quan hệ với triều đình. Cứ 5 năm 1 lần, nhà vua sai người đến Thủy Xá, Hỏa Xá cho quà (áo gấm, mũ, nồi đồng, chảo sắt và chén đũa bằng sứ). Vua Nước, Vua Lửa sắm sửa phẩm vật địa phương (kỳ nam, sáp ong, nhung hươu, mật gấu, voi đực) để hiến tặng.
Tương truyền, vùng Tây Sơn Thượng đạo (An Khê ngày nay) là căn cứ đầu tiên của quân Tây Sơn. Đồng bào Bahnar, Jrai, Chăm đã đóng góp nhiều thớt voi và lương thực giúp Nguyễn Nhạc trong những ngày đầu khởi nghĩa. Trong những năm cuối thế kỷ XX, một số buôn làng của người Bahnar, Jrai... vẫn còn giữ nghề nuôi voi mà tiêu biểu là ở Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh). Ngà voi mà đồng bào có được từ voi nhà và thông qua trao đổi để có nguyên liệu làm đồ trang sức.
Phụ nữ dân tộc Brâu với trang sức bông tai ngà voi. Ảnh: Tấn Vịnh
Phụ nữ dân tộc Brâu với trang sức bông tai ngà voi. Ảnh: Tấn Vịnh
Để đeo được những đôi bông bằng ngà, đồng bào phải căng lỗ dái tai rộng ra. Khi mới 1, 2 tuổi, con gái Brâu đã được xâu tai. Càng lớn lên thì lỗ dái tai càng rộng hơn để có thể đeo những loại khuyên tai to bằng đồng, bạc, ngà voi, ống lồ ô. Họ thường dùng gai cây chanh để xỏ lỗ tai, gai cây chanh để nguyên mũi nhọn chỉ cạo sạch vỏ, dùng nước sôi nấu gừng bóp dái tai cho thật mềm trước khi xỏ lỗ tai. Sau đó, người ta lại vót cây khác to hơn vặn dần vào làm cho lỗ tai ngày càng căng to ra.
Người giàu có thường đeo cặp bông tai làm bằng ngà voi. Những miếng ngà voi gia truyền rất đẹp vì có đường vân nổi rõ trên bề mặt. Nó được cắt, tiện, mài thành nhiều kích cỡ phù hợp với cỡ lỗ dái tai, lứa tuổi. Với người già, 2 mẫu ngà voi kéo đôi tai dài đến tận gò má, đôi khi gần đến vai. Khi tiếp khách, đi thăm họ hàng, bạn bè, tham dự lễ hội... phải đeo cặp ngà để cho thêm phần sang trọng.
Người nghèo thì đeo khúc cây, khúc tre hoặc đeo đôi bông ngà voi giả. Chiếc ngà giả làm bằng củ mì phơi khô, xương thú vật khác. Trong khi các dân tộc Nam Tây Nguyên như: M’Nông, Mạ... cả nam, nữ đều thích đeo bông tai ngà voi thì các dân tộc Bắc Tây Nguyên như Brâu, Jrai... tập quán này chỉ thấy xuất hiện ở nữ giới.
Ngày nay, tập quán này còn sót lại ở người già. Bà Y Pế là người căng tai và đeo trang sức ngà voi cuối cùng của dân tộc Brâu. Người Jrai và Bahnar thì đã từ bỏ tập quán này từ lâu. Vào những năm cuối thế kỷ XX, một số phụ nữ Jrai ở huyện Chư Prông có đeo món trang sức này và cũng là những người cuối cùng làm đẹp bằng bông tai ngà voi. Đồ trang sức độc đáo và quý giá này chỉ là hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng Gia Lai.
Cũng như các đồ vật dân tộc học khác ở Tây Nguyên, trang sức ngà voi bị săn lùng ráo riết. Người Brâu ở Kon Tum lúc đầu bán 500 ngàn đồng/miếng ngà voi, sau đó giá tăng dần lên, vào năm 2013, bán 5 triệu đồng/miếng. Nhưng không phải gia đình nào cũng còn để bán. Đối với người dân địa phương, trang sức bằng ngà voi là bảo vật của gia đình, dòng họ nên họ cũng không dám bán.
Ngày nay, những chiếc bông tai ngà voi trở nên quý hiếm và ít người còn sử dụng. Cả vùng Tây Nguyên chỉ còn người M’Nông, Mạ, Brâu còn bảo lưu tập quán trang sức bằng bông tai ngà voi và đó là những tộc người cuối cùng còn làm đẹp với loại trang sức này. Giới trẻ chỉ thích đeo bông tai thông thường để làm đẹp chứ không thích căng tai để đeo bông tai bằng ngà như ông bà ngày xưa.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm

Phát huy sức mạnh văn hóa

Phát huy sức mạnh văn hóa

Khi các giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật tạo ra lợi nhuận nó không chỉ tự “nuôi sống” mình mà còn góp phần tạo thêm những nguồn lực mới, tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của ngành công nghiệp văn hóa.

Dùng mặt nạ kỹ thuật số để phục hồi tranh. (Ảnh: Franetic)

Công nghệ đột phá phục chế tranh cổ chỉ trong vài giờ

(GLO)-Với những bức tranh có niên đại hàng thế kỷ, bị hỏng nặng, việc phục chế gặp nhiều rủi ro và tiêu tốn thời gian. Một bước đột phá về công nghệ vừa được các nhà khoa học thử nghiệm thành công, đã giải quyết được khó khăn này, đó là phương pháp mặt nạ kỹ thuật số.

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui là hiện tượng văn hóa xã hội đặc sắc của cộng đồng người Jrai ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Nghi lễ này tập hợp nhiều biểu tượng văn hóa độc đáo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới tâm linh của cư dân bản địa.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

(GLO)- Ở buôn E Kia (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa), ông Hiao Thuyên được biết đến là một nghệ nhân tài hoa khi giỏi cả sáo trúc, biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca... Bằng những việc làm thiết thực, ông đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Jrai và xây dựng khối đại đoàn kết ở buôn làng.

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

(GLO)- Tuy có sự phát triển của hệ thống thủy lợi song lễ cúng cầu mưa vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân vùng thung lũng Cheo Reo. Sự đa dạng trong nghi thức cúng của mỗi cộng đồng dân cư đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

(GLO)- Người Bahnar quan niệm rằng mọi sự vật, hiện tượng đều có sự hiện diện của thần linh và con người phải tôn trọng, thờ cúng. Vì vậy, họ có nếp sống, sinh hoạt văn hóa với hệ thống lễ hội vô cùng phong phú, gắn với vòng đời người và chu kỳ canh tác nông nghiệp.

null