Đô thị nén, xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo nhận định của giới chuyên gia, hệ thống cơ sở hạ tầng, quy hoạch ở các khu đô thị lớn của Việt Nam đang đi lùi vì sự bất cập về sắp xếp, quy hoạch, mật độ xây dựng… Chính vì vậy, đã đến lúc tìm lối thoát cho bài toán quy hoạch đô thị ở các thành phố lớn hiện nay.

“Chiếc áo đã cũ”

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, trong quá trình đô thị hóa trên thế giới cũng như Việt Nam, nhiều đô thị được nâng cấp, phát triển kinh tế - xã hội và nhất là tạo lập nên diện mạo mới cho đô thị. Diện mạo đô thị là tổng hòa của không gian kiến trúc cảnh quan, kết cấu hạ tầng là ấn tượng được hình thành khi tiếp cận.

 

Nhà cao tầng là xu hướng tất yếu tại các đô thị lớn.
Nhà cao tầng là xu hướng tất yếu tại các đô thị lớn.

Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam, nhất là từ sau giai đoạn đổi mới (1986) hướng tới công nghiệp hóa, hiện đọa hóa, đã tạo được diện mạo mới cho đô thị Việt Nam. Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ không ít tồn tại, như bất cập giữa bảo tồn và phát triển hiện đại, giữa khai thác không gian kiến trúc với phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là vấn đề giao thông, môi trường.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, “chiếc áo đô thị” Việt Nam hiện nay đã cũ và chật, nên cần phải thay mới để phù hợp và bắt kịp sự phát triển của đất nước, kết nối với thế giới. Đơn cử, một thực tế đang tồn tại ngay giữa trung tâm Hà Nội là có những gia đình 5 - 6 con người chia sẻ không gian sống 5 m2, ngõ hai xe máy không thể tránh nhau, vào nhà là đi khom và lối lên nhà chỉ lọt thỏm một người đi…

Đồng quan điểm, KTS Đinh Đăng Hải, Cán bộ dự án cao cấp thuộc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam chia sẻ, tốc độ đô thị hóa, phát triển dân số nhanh chóng tại các đô thị ở Việt Nam trong vài thập niên qua đã gây sức ép lên cơ sở hạ tầng. Sự phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xã hội, không gian công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân đô thị. Hơn nữa, tốc độ phát triển cư dân nhanh tại khu vực trung tâm đô thị vốn đã có mật độ dân số cao và các khu đô thị cũ phát triển thiếu quy hoạch tổng thể vượt xa tốc độ đầu tư mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội cũng gây sức ép tới hạ tầng.

Ở một góc độ khác, theo bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng), nhìn chung, chất lượng đô thị ở Việt Nam còn thấp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu. Kết cấu hạ tầng đô thị yếu kém, quá tải không những không tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội đô thị, mà còn nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường.

Cao ốc là giải pháp tất yếu

Theo nhận định của giới chuyên gia, vấn đề đặt ra là làm sao để đất nước phát triển, bộ mặt đô thị hiện đại văn minh, đường sá thông thoáng và đủ các hạ tầng tiện ích cho người dân như công viên, bệnh viện, trường học và các dịch vụ khác.

Một số chuyên gia đưa ra giải pháp, để bộ mặt đô thị hiện đại và chống ùn tắc, cần kết hợp câu chuyện làm hệ thống giao thông và chỉnh trang đô thị. Đầu tư hệ thống đường sá giao thông công cộng, đặc biệt đầu tư hệ thống metro và hệ thống xe buýt.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại cuộc hội thảo cuối tuần qua, đa số những nhà quy hoạch và kiến trúc sư đều có nhận thức chung rằng, việc bố trí hợp lý không gian, kiến trúc cảnh quan trong cấu trúc đô thị sẽ góp phần tăng mỹ quan đô thị, giúp tạo nên hình ảnh về hình khối trong không gian đô thị. Mối tương quan giữa đất xây dựng và không gian mở đô thị, việc tăng cường khu vui chơi giải trí có chứa đựng yếu tố cảnh quan tự nhiên trong lòng đô thị sẽ đóng góp vai trò thiết thực trong việc hình thành nên môi trường cảnh quan có sức lôi cuốn, hấp dẫn cho thành phố.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cần phải cương quyết, tập trung hệ thống giao thông như buýt nhanh (BRT) để loại phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, để người dân sử dụng, cần phải phủ đều các đô thị để thuận lợi cho đi lại ở các khu trung tâm, khu dân cư. Hơn nữa, phải có một nghiên cứu phát triển toàn diện, chứ không riêng gì một lĩnh vực nào. Xây dựng đô thị nén phải kết hợp hài hòa các hệ thống hạ tầng giao thông xung quanh thì mới đúng nghĩa của đô thị hiện đại mà chúng ta đang hướng đến.

“Tôi nghĩ, việc xây dựng nhà cao tầng hay đô thị nén để tận dụng không gian công cộng cho người dân là hợp lý. Chúng ta thay đổi cuộc sống của người dân tốt hơn, thì người dân sẽ ủng hộ. Chẳng hạn, một khu nhà thấp tầng trước đây không có khu vui chơi cho trẻ em, nhưng giờ xây dựng nhà cao tầng, có khuôn viên vui chơi, thể dục thể thao, có trung tâm thương mại…, thì sẽ tốt hơn”, ông Mười nói và cho biết, điều quan trọng khi xây dựng một đô thị nén là nhà đầu tư tập trung vào hiệu quả, nên Nhà nước phải kiểm soát về chất lượng, đời sống dịch vụ, nhu cầu của người dân xem chủ đầu tư có đáp ứng được không. Ngoài ra, môi trường xã hội, môi trường sống cũng rất quan trọng, bởi khi cha mẹ đều bận công việc, không có nhiều thời gian cho con cái, thì chính môi trường xã hội, môi trường sống văn minh ở các khu đô thị này sẽ làm giảm sự rủi ro cho trẻ nhỏ, làm thay đổi cuộc sống của các cháu.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, các đô thị hiện đại, nhà cao tầng mới giải quyết được những vấn đề quan trọng nhất trong cuộc sống xã hội tại các khu đô thị lớn. Bởi nó tạo điều kiện cho người dân có đời sống cao hơn, mật độ xây dựng tốt hơn để có không gian làm công viên, bãi đỗ xe, giao thông và kết nối đô thị được tốt hơn.

“Đây là việc làm rất cần thiết, vấn đề là chúng ta phải sắp xếp, xây dựng như thế nào để đúng vào vị trí tốt nhất, tức có kết nối giao thông. Tôi cho rằng, hệ thống nhà cao tầng mà kết nối vào hệ thống đô thị chính là lời giải cho các thành phố lớn”, ông Chính đánh giá.

Về vấn đề này, GS.TS.KTS Nguyễn Tố Lăng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, nhà cao tầng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh các đô thị hiện đại và làm tăng diện tích sử dụng cho đô thị, đặc biệt đối với các thành phố lớn. Tuy nhiên, trong các chung cư cao tầng hiện nay, mật độ xây dựng còn quá cao do việc tận dụng không gian sử dụng. Chưa nói đến việc gây áp lực cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, việc xây dựng mật đô cao khiến chất lượng sống trong các nhà cao tầng bị nhiều hạn chế về môi trường, thông thoáng và tầm nhìn.

Ngoài ra, việc thiết kế đô thị chưa được quan tâm đúng mức cho các tuyến phố, các lô phố trong đô thị nói chung và những khu vực có nhà cao tầng nói riêng.

Ths. Trần Thanh Ý, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng, các chung cư cao tầng phải được xây dựng thành cụm, từng khu, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, tạo dựng các không gian giao tiếp và sinh hoạt công cộng (cây xanh, vườn hoa, sân chơi phục vụ cộng đồng khu vực) nhằm tạo sự khác biệt, sức hấp dẫn và đẳng cấp của các khu ở và làm tăng giá trị bất động sản của khu đó.

Ở một góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) chia sẻ, việc phát triển nhà cao tầng trong khu đô thị hiện hữu phải tuân thủ quy hoạch và thiết kế đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về nguyên tắc, quy hoạch xây dựng đã phải đồng bộ, trong đó có các quy định về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và tầng cao xây dựng công trình. Mặt khác, quy hoạch cũng đã xác định các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, việc kết nối hạ tầng với khu vực xung quanh, đặc biệt đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu như giao thông, cấp thoát nước và cấp điện…

“Chỉ khi nào sự phối hợp, kết nối các yếu tố trên được thông suốt, thì khu đô thị đó mới trở thành nơi đáng sống, hay đúng nghĩa là đô thị hiện đại mà chúng ta mơ ước”, ông Tiến nói.

Theo baodautu

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.