DL Tây Nguyên-Cần những phá cách để khai thác hiệu quả đặc sản đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tây Nguyên có thể tạo ra cú hích phát triển du lịch từ du lịch cộng đồng với mô hình homestay chuẩn ASEAN, tượng nhà mồ độc đáo. Nhưng quan trọng là công thức, cách nêm nếm, trình bày…
TLS: Nhiều năm qua, đã có rất nhiều hội thảo bàn về việc phát triển du lịch Tây Nguyên. Ngoài Lâm Đồng với Đà Lạt nổi tiếng, du lịch các tỉnh còn lại đều rất khiêm tốn, dù tài nguyên có thừa. Bài viết dưới đây của ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours, đưa ra một gợi ý làm du lịch cộng đồng theo mô hình homestay tiêu chuẩn Asean (đã khá thành công với một số tỉnh phía Bắc mấy năm qua) với Tây Nguyên; mà trong đó, một “đặc sản” không đụng hàng của vùng đất này: Tượng nhà mồ sẽ là “cú hích” tạo nên bản sắc hoàn toàn riêng biệt. Trong bối cảnh Việt Nam đang nở rộ trào lưu xây dựng các dự án du lịch đồ sộ có nguy cơ làm nghèo đi các tài sản thực có của cộng đồng là văn hóa, bản sắc, cảnh quan tự nhiên, sông, núi, biển hồ - cũng chính là lấy đi tài sản của người dân bản địa (mà đa số họ chưa chắc là người được hưởng lợi từ cách làm du lịch lâu nay), thì du lịch cộng đồnglà hướng đi đầy tiềm năng và bền vững. Đây là góc nhìn riêng của tác giả, Người Đô Thị giới thiệu cùng bạn đọc và mong được đón nhận thêm các ý kiến, trao đổi khác của bạn đọc.
Tây nguyên: du lịch cộng đồng với đặc sản “Tượng nhà mồ”
Tây Nguyên  gồm các tình Lâm Đồng, Đăk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai. Các cao nguyên phía Tây có diện tích 54.700 km2 (16,4% cả nước) và dân số khoảng 5,5 triệu người (5,7% toàn quốc). Là vùng trọng điểm quốc gia, có Ban chỉ đạo Tây Nguyên với những chính sách riêng. Cả 5 tỉnh đều không phải nộp ngân sách và được chính phủ hỗ trợ thêm.
Ảnh: Dương Minh Bình
Ảnh: Dương Minh Bình
Tây Nguyên nằm trong nhóm cuối của du lịch Việt Nam. Ngoài Lâm Đồng với Đà Lạt nổi tiếng; các tỉnh còn lại đều rất khiêm tốn, dù tài nguyên có thừa. Nhiều cuộc hội thảo được tổ chức, các nghị quyết được ban hành nhằm tìm cách phát triển du lịch Tây Nguyên. Tuy nhiên, mong muốn thì nhiều nhưng hiệu quả chẳng bao nhiêu.
Sao cứ mãi than nghèo, kể khó?
Cứ mỗi lần hội thảo du lịch, không chỉ ở Tây Nguyên mà khắp cả nước, lại vang lên điệp khúc “Nhân lực thiếu và yếu. Tài chính eo hẹp. Giao thông trắc trở. Sản phẩm nghèo nàn…”. Có thật như vậy?
Tây Nguyên có ba sân bay (gồm: Liên Khương - Đà Lạt, Buôn Ma Thuộc và Pleiku), bình quân mỗi sân bay phục vụ cho 1.375.000 người. Đây là tỉ lệ cao nhất nước. Hệ thống đường bộ khá thuận tiện. Kon Tum đi Quảng Ngãi có quốc lộ 24. Gia Lai đi Bình Định có quốc lộ 19. Gia Lai đi Phú Yên có quốc lộ 25. Dak Lak đi Phú Yên có quốc lộ 29, đi Khánh Hòa có quốc lộ 26. Lâm Đồng đi Khánh Hòa có quốc lộ 27C, đi Ninh Thuận có quốc lộ 27; đi Bình Thuận có các quốc lộ 28B, 28 và 55.
Tây Nguyên chỉ thiếu đường xe lửa. Từ 1932 có đường sắt răng cưa Ninh Thuận đi Đà Lạt rất độc đáo nhưng đình trệ từ 1972 do chiến tranh và bị phá bỏ vào năm 1986 vì ấu trĩ. So với các tỉnh miền núi phía Bắc, đường sá Tây Nguyên đi lại thuận lợi hơn rất nhiều.
Lâu nay, du lịch Tây Nguyên tự hào với thác, cồng chiêng, cà phê và voi. Lâm Đồng có thêm trà và hoa. Lâm Đồng còn giữ được nét riêng tương đối, các tỉnh còn lại đều phôi pha. Hệ thống thác ở Đăk Nông, Đắk Lắk đều cạn kiệt như người suy dinh dưỡng nặng vì thủy điện. Có thác bị khai tử. Cồng chiêng thì Tây Bắc cũng có. Cà phê thì ngay Đồng Nai cũng trồng, chưa cần đến Bảo Lộc, nói chi lên Buôn Ma Thuột. Voi, đặc sản biểu trưng nhưng cả Tây Nguyên còn vài chục con, chỉ có ở hồ Lak và Buôn Đôn, dịch vụ cũng chưa tương xứng. Các chuyên gia cứ phán là “Sản phẩm du lịch Tây nguyên cứ na ná nhau, đi một tỉnh là biết hết”.
Tượng nhà mồ, một đặc sản Tây Nguyên chưa được
Tượng nhà mồ, một đặc sản Tây Nguyên chưa được "gọi thành tên" trong du lịch Tây Nguyên. Ảnh: Dương Minh Bình
Tây Nguyên hiện có 5 trường đại học, 3 phân hiệu đại học và gần 20 trường Cao đẳng, Trung cấp. Không thể nói nhân lực thiếu vì mấy trăm ngàn cử nhân và cả thạc sĩ cả nước đang thất nghiệp. Yếu thì đào tạo lại, chỗ nào chẳng vậy.
Chủ homestay Mai Hịch (Mai Châu, Hòa Bình) là một người Thái, mới học lớp 4, vợ mù chữ Việt. Hoạt động từ 2013, đầu tư chưa tới 1 tỉ đồng , gồm một nhà ngủ tập thể và hồ bơi sinh thái mini (chưa kể 3 nhà vệ tinh bên cạnh) nhưng năm 2018 homestay này đã đón gần 15.000 lượt khách, hơn 60% là khách Tây, doanh thu hơn 3,5 tỉ đồng.
Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) người H’Mong chỉ biết đọc lõm bõm, còn chủ nhiệm Hợp tác xã Trái Tim Hàn A Xà mới học lớp 5 đã xây dựng bản du lịch công đồng như vườn địa đàng hạ giới.
Chủ homestay Hoa Ếch (Sa Đéc, Đồng Tháp), mới học lớp 10, vợ học lớp 9. Hoạt động từ 2017, đầu tư gần 1 tỉ, năm 2018 doanh thu gần 2 tỉ, nộp ngân sách gấp 40 lần khi chỉ trồng hoa và nuôi ếch…
Các chủ homestay do Công ty Tư vấn dịch vụ & phát triển du lịch CBT (Communication Base Tourism) tư vấn đa phần phải cầm cố ruộng đất, nhà cửa, huy động bà con, vay mượn ngân hàng để kinh doanh.
Ảnh: Dương Minh Bình
Ảnh: Dương Minh Bình
Như vậy, không sợ thiếu tiền, chỉ thiếu những dự án và cách làm hiệu quả, để dân và các đại gia tự tin bỏ tiền đầu tư. Hãy thôi kêu ca là “Sản phẩm nghèo nàn”. Tất cả món ngon của thế giới, không ngừng được làm mới và bổ sung, gần như được chế biến từ nguyên liệu có sẵn. Chỉ khác nhau công thức, cách nêm nếm, trình bày…
Du lịch cộng đồng và những cách nhìn mới
Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương trực tiếp làm trưởng đoàn tham quan thực tế các mô hình du lịch cộng đồng ở Mai Hịch (Hòa Bình), Hua Tạt (Sơn La), Pù Luông (Thanh Hóa). Trước đó, Bí thư và Chủ tịch HĐND tỉnh này đã đưa hai đoàn đi. Đáp lại lời mời gọi của Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp với nhiều ưu đãi, một nhà đầu tư trẻ đã đề nghị: “Anh cho em chỗ nào chưa ai làm du lịch cả nha, càng vắng vẻ càng tốt”.
Tây Nguyên không có biển, không sầm uất xô bồ như Sài Gòn, Hà Nội nhưng có những thứ du khách cần mà không đâu có được. Đó là không gian rừng, núi, sông, hồ… là những trải nghiệm về văn hóa ẩm thực, phong tục, tập quán và cuộc sống thường ngày của các dân tộc thiểu số. Các tỉnh Tây Nguyên (trừ Lâm Đồng) dù không thể cản bước tiến đô thị hóa, vẫn còn giữ được nhiều nhà rông, nhà guol, nhà dài… độc đáo.
Ảnh: Dương Minh Bình
Ảnh: Dương Minh Bình
Các hội thảo nói nhiều về sự liên kết vùng giữa Tây Nguyên - miền Trung và các chính sách ưu đãi. Nói như thế là quá đủ. Hãy làm cụ thể. Trước khi liên kết vùng thì liên kết từng cặp tỉnh, trao đổi khách qua lại, thiết kế sản phẩm chung và cùng bán. Các chính sách cần minh bạch và thiết thực.
Hình thành và phát triển du lịch cộng đồng theo mô hình homestay chuẩn ASEAN, gắn với xây dựng nông thôn mới mà các tỉnh phía Bắc đã thực hiện hiệu quả mấy năm nay. Điển hình là các homestay A Chu (Hua Tat, Vân Hồ, Sơn La); Minh Thơ (Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình); bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu). Không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu chính đáng, cho cả người dân lẫn Nhà nước. Đặc biệt là góp phần xây dựng nông thôn mới, làm đẹp bản làng, cả môi trường sống lẫn an ninh xã hội.
Ảnh: Dương Minh Bình
Ảnh: Dương Minh Bình
Mời những người nổi tiếng của Tây Nguyên làm đại sứ du lịch, quảng bá thương hiệu cho các địa phương mà hoa hậu H’Hen Niê là điển hình. Những nhân vật này sẽ gắn với các điểm đến, các sản phẩm và dịch vụ mới lạ của quê nhà. Muốn đột phá phải thay đổi cách nghĩ, cách nhìn về du lịch và tập hợp được các chuyên gia tư vấn thực tiễn, cam kết đồng hành và bảo hành dài hạn cho các dự án.
Tượng nhà mồ - đặc sản không đụng hàng
Tôi đã đi khá nhiều nước, không thấy ở đâu có tượng nhà mồ. Việt Nam có 54 dân tộc anh em rải đều khắp lãnh thổ nhưng chỉ có Đăk Lăk, Kon Tum, Gia Lai là có tượng nhà mồ. Tượng nhà mồ là cách gọi của người Việt (Kinh). Gọi như vậy vì tượng được đặt quanh các ngôi mộ. Còn người Bahnar thì gọi là Dik, người J’rai gọi là Hlun...
Tượng làm bằng gỗ, nguyên cây và đẽo gọt thủ công bằng rìu và chà gạc. Tượng nào cũng có hồn và những nét mộc mạc, chân thực rất riêng. Trước đây thì dùng gỗ hương, gỗ cà chít. Ngày nay thì gỗ gì cũng được, miễn chịu được nắng mưa. Công việc này của đàn ông và chỉ làm tượng cho người thân đã mất. Vì nhiều lẽ, tượng nhà mồ ngày càng mai một, việc làm tượng chỉ thu hẹp trong già làng hoặc các nghệ nhân.
Ảnh: Dương Minh Bình
Ảnh: Dương Minh Bình
Tượng của người Việt được điêu khác cầu kỳ, chi tiết và chỉ để trang trọng trong nhà, trên bàn thờ hay chí ít thì trong các vườn tượng. Tượng nhà mồ được đẽo gọt khái quát và tự nhiên.
Từ cách làm, nguyên liệu, màu sắc cho đến nơi đặt tượng. Tất cả đều thân quen, gần gũi và sống động đến kinh ngạc. Các nghệ nhân đã thổi hồn vào từng tượng, gắn kết với cuộc sống thường ngày của người đã khuất.
Nghệ thuật đẽo gọt tượng nhà mồ được thực hiện như một thứ nghi thức tôn giáo, đầy tính nhân văn, ẩn chưa nhiều thông điệp. Rất tiếc là chưa được nghiên cứu và đánh giá đúng mực các giá trị. Chưa có luận án tiến sĩ nào về đề tài này?
Có thể làm lễ cúng, xin trời đất và tổ tiên, cho phép đổi tên gọi - Tượng Nhà mồ - thành “Tượng người nhà Tây Nguyên” và phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo. Tượng không chỉ có ở nhà mồ mà sẽ vào các nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch, đường phố… và quà lưu niệm đặc trưng Tây Nguyên.
Cần kíp khuyến khích, phục hồi văn hóa làm tượng người nhà Tây Nguyên và lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể” của thế giới. Xây dựng công viên nghĩa trang với “Tượng người nhà Tây Nguyên” cho từng dân tộc, thành các điểm tham quan kỳ thú. Có thể hướng dẫn du khách kỹ thuật đẽo gọt tượng…
Đây sẽ là những trải nghiệm thú vị, góp phần khẳng định vị thế  du lịch Tây Nguyên.
Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Hội đồng Thành viên công ty Du lịch Lửa Việt)
Du lịch cộng đồng theo mô hình homestay chuẩn ASEAN
Tiêu chuẩn nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê ASEAN (ASEAN Homestay) được các nước thành viên ASEAN xây dựng từ năm 2011 và công bố vào năm 2012. Hàng năm có 5 cụm nhà có phòng cho khách du lịch thuê ASEAN, mỗi cụm có ít nhất 5 nhà homestay của mỗi nước thành viên được đề cử trao tặng danh hiệu này.
ASEAN Homestay phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chủ nhà, nơi ở, dịch vụ buồng phòng, quản lý, tính nguyên bản, gần địa điểm du lịch, an ninh, an toàn và các nguyên tắc bền vững.
Theo Bộ Tiêu chuẩn ASEAN Homestay, trong toàn khu vực ASEAN, các chương trình homestay là một hình thức du lịch thay thế, trong đó khách du lịch có cơ hội để trải nghiệm những cách sống trong một ngôi làng điển hình với cộng đồng địa phương. Bản chất trải nghiệm của hình thức du lịch ngày càng trở nên phổ biến với khách du lịch nước ngoài.
Khác với du lịch đại chúng, chương trình homestay nên ở mức quy mô nhỏ, mật độ thấp, linh hoạt và không gò bó. Quan trọng hơn nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê nên được các cộng đồng địa phương sở hữu và điều hành, nhờ đó các lợi ích kinh tế sẽ đến trực tiếp cho cộng đồng.
Là một hình thức của du lịch cộng đồng, khái niệm homestay hiện đang được chấp nhận với tư cách là một công cụ phát triển nông thôn ở nhiều nước ASEAN.
Chương trình homestay có thể nâng cao chất lượng sống ở cấp độ địa phương thông qua tạo ra thu nhập, hỗ trợ văn hóa địa phương, nghệ thuật và việc kinh doanh hàng thủ công, khuyến khích sự khôi phục lại các địa điểm mang tính lịch sử và địa phương, và thúc đẩy nỗ lực bảo tồn thiên nhiên thông qua giáo dục cộng đồng.
L.Q

Theo Nguoidothi

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 diễn ra từ ngày 6 đến 12-11 tại khu vực sân nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ngoài hoạt động văn hóa-thể thao đặc sắc, sự kiện này còn là dịp để quảng bá các mặt hàng truyền thống của địa phương.