Quan tâm xây dựng, quảng bá du lịch vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để khai thác tiềm năng du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch hỗ trợ xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng vùng DTTS, khai thác tiềm năng du lịch và quảng bá đến du khách.

Cụ thể, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch số 71/KH-SVHTTDL về “Hỗ trợ quảng bá, xúc tiến du lịch kết hợp nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng DTTS và miền núi năm 2024”. Mục tiêu của kế hoạch là hỗ trợ các địa phương hình thành sản phẩm, quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng, góp phần thu hút du khách.

Hiến kế phát triển du lịch cộng đồng

Cụ thể hóa mục tiêu trên, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát du lịch tại một số buôn làng giàu tiềm năng du lịch cộng đồng với sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành, cơ quan truyền thông. Từ kết quả khảo sát, đoàn công tác đã đề xuất giải pháp hỗ trợ vùng đồng bào DTTS xây dựng và phát triển loại hình du lịch phù hợp với thực tế.

1-doan-khao-sat-nghe-det-truyen-thong-cua-phu-nu-jrai-buon-ia-mlah-huyen-krong-pa.jpg
Đoàn công tác Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khảo sát nghề dệt truyền thống của phụ nữ Jrai ở buôn Mlah, xã Phú Cần, huyện Krông Pa. Ảnh: M.C

Bà Trương Thị Phương Nga-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-du lịch sinh thái Gia Lai-cho biết: Một số địa phương đã hình thành mô hình du lịch cộng đồng với các hoạt động phục vụ khách du lịch như xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh), nhưng cũng có nơi đang trong quá trình triển khai xây dựng.

“Chúng tôi đưa nhiều đoàn khách tới trải nghiệm du lịch cộng đồng tại xã Ia Mơ Nông với cụm làng Kép 1, 2 và làng Phung. Đây là điểm du lịch cộng đồng nổi bật nhất của Gia Lai. Chị H’Uyên Niê là người có vai trò tập hợp, đoàn kết được cộng đồng người Jrai ở đây tham gia làm du lịch.

Mô hình cho thấy nếu không có sự tham gia của người dân địa phương thì đơn vị lữ hành cũng không có sản phẩm để giới thiệu với khách. Do đó, muốn phát triển du lịch cộng đồng cần phải khích lệ người dân, định hướng cho họ khai thác và phát triển tài nguyên họ đang sở hữu”-bà Nga đúc kết.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-du lịch sinh thái Gia Lai đánh giá cao môi trường sống tự nhiên và trầm tích văn hóa của người Jrai vùng Đông Nam tỉnh. Bà Nga cho rằng, du khách đến khu vực này như được sự trở về với buôn làng, với những trải nghiệm văn hóa truyền thống. Đây là yếu tố cốt lõi, quan trọng để hình thành và phát triển du lịch cộng đồng.

Bà Nga đánh giá: “Tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, sự nhiệt huyết của người địa phương là rất tốt. Vấn đề là làm sao khích lệ họ giữ được ngọn lửa nhiệt huyết này. Cán bộ văn hóa, lãnh đạo địa phương cũng cần “lăn xả” cùng với người dân trong câu chuyện làm du lịch.

Khi địa phương có phương án, kế hoạch hình thành, phát triển du lịch cộng đồng, chúng tôi sẵn sàng đồng hành, chia sẻ để sản phẩm hoàn thiện, thu hút khách”.

ha-trong-hai-giam-doc-cong-ty-co-phan-cao-nguyen-viet.jpg
Ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Cao Nguyên Việt cho rằng tiềm năng du lịch cộng đồng Gia Lai rất đa dạng. Ảnh: Minh Châu

Cùng quan điểm, ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Cao Nguyên Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-cho rằng: Tiềm năng du lịch cộng đồng Gia Lai rất đa dạng, phân bổ dọc theo các trục quốc lộ, trong đó có quốc lộ 25 nối với tỉnh Phú Yên.

“Trục quốc lộ này trải dài trên các huyện phía Đông Nam tỉnh có nhiều buôn làng giữ được văn hóa Jrai điển hình với kiến trúc nhà dài, nghề truyền thống, lễ hội... gắn với cảnh quan thiên nhiên. Muốn khai phóng tiềm năng thành sản phẩm, xâu chuỗi các dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của du khách, địa phương phải khơi dậy trong người dân về giá trị văn hóa, kỹ năng làm du lịch cộng đồng, khuyến khích họ bảo tồn di sản và đẩy mạnh quảng bá. Làm được như vậy thì sản phẩm mới thực sự hấp dẫn và giúp bà con có thu nhập.

Ngành Văn hóa lựa chọn, phát triển, tập trung vào những hạt nhân làm du lịch nổi bật trong cộng đồng để xây dựng những “thủ lĩnh” đứng ra tập hợp, cố kết cộng đồng cùng tham gia”-ông Hải chia sẻ.

Đồng hành cùng địa phương

Ngoài hoạt động khảo sát, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng tổ chức hội nghị giới thiệu, quảng bá các sản phẩm về văn hóa DTTS phục vụ hoạt động xúc tiến du lịch. Đáng chú ý là Sở đã xây dựng, giới thiệu, chuyển giao và hướng dẫn sử dụng bộ nhận diện thương hiệu du lịch cộng đồng của dân tộc Jrai và Bahnar. Bộ nhận diện thương hiệu giúp các địa phương có sự đồng nhất trong hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch cộng đồng từ hình ảnh, tên gọi, logo, biểu tượng, màu sắc đại diện, phương châm hoạt động… để tạo dấu ấn trong tâm trí du khách khi trải nghiệm loại hình du lịch cộng đồng.

1-trinh-dien-cong-chieng-duoi-chan-nui-chu-mo-huyen-ia-pa.jpg
Trình diễn cồng chiêng dưới chân núi Chư Mố, huyện Ia Pa. Ảnh: Minh Châu

Theo bà Phan Thị Ngọc Diệp-Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch): Ở góc độ chuyên môn, ngoài tổ chức các đoàn khảo sát để hỗ trợ địa phương có các điểm đề xuất phát triển du lịch cộng đồng, Sở mời chuyên gia của Công ty Tư vấn-thương mại-dịch vụ du lịch cộng đồng Việt Nam trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình xây dựng mô hình.

Ngoài ra, Sở còn tổ chức sản xuất và phát sóng trên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh các phim tài liệu quảng bá điểm du lịch cộng đồng của đồng bào DTTS như: làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh); buôn Ơi H’Trông (xã Chư Mố), buôn Blôm (xã Kim Tân, huyện Ia Pa); buôn Mlah (xã Phú Cần), buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa)…

Nội dung phim giới thiệu không gian văn hóa, ẩm thực đặc trưng, ngành nghề truyền thống và hoạt động trải nghiệm đặc sắc tại các làng. Ngoài phát sóng trên kênh chính và các nền tảng mạng xã hội của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, phim cũng được hỗ trợ để các địa phương, công ty lữ hành sử dụng trong các hoạt động quảng bá, giới thiệu đến người dân và du khách gần xa.

Hỗ trợ quảng bá, xúc tiến du lịch kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng là hoạt động nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Việc xây dựng thành công làng/điểm du lịch vùng DTTS giúp các đơn vị lữ hành có thêm sản phẩm du lịch mới để giới thiệu với du khách, thúc đẩy du lịch Gia Lai thêm phát triển.

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.