Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô: Sẵn sàng khai hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 2-11, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2024 sẽ khai mạc tại bãi bồi làng Dăng (xã Ia O) với nhiều hoạt động hấp dẫn.

Công tác chuẩn bị cho ngày khai hội đang được gấp rút hoàn tất với quyết tâm tổ chức thành công trong lần thứ 5 đánh dấu thương hiệu du lịch vùng biên.

Bài bản trong công tác tổ chức

Mấy ngày qua, Gia Lai mưa nhiều do ảnh hưởng bão Trami. Tại xã Ia O, mưa làm nước sông Pô Cô dâng cao, số thuyền độc mộc tại bến vì vậy buộc phải neo giữ kỹ lưỡng.

Chiều 28-10, có mặt tại đây để kiểm tra tình hình, ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng năm 2024 yêu cầu neo giữ thuyền cẩn thận, đồng thời khuyến khích các vận động viên tranh thủ tập luyện để tranh tài trong vài ngày tới.

1-bgvan-dong-vien-dua-thuyen-xa-ia-o-vuot-tro-ngai-ve-thoi-tiet-de-tranh-thu-tap-luyen.jpg
Các vận động viên đua thuyền xã Ia O vượt trở ngại thời tiết tranh thủ tập luyện. Ảnh: P.D

Năm nay, xã Ia O tham gia hội đua thuyền với quyết tâm giành cúp vô địch. Lựa lúc mưa nhỏ, một số vận động viên mặc áo mưa, áo phao ra tập luyện ven bờ sông.

Anh Trương Quốc Khánh-Thành viên đội đua thuyền xã Ia O-cho hay: Ia O là đội chủ nhà nhưng chưa khi nào được vinh danh ở vị trí cao nhất nên năm nay quyết tâm thay đổi thứ hạng.

Đứng trên bờ cổ vũ, ông Rahlan Trường-Trưởng thôn Dăng-thông tin thêm: Năm nay, số đội tham gia hội đua thuyền của xã tăng từ 2 lên thành 8 đội, khí thế tập luyện hết sức khẩn trương.

Cùng với đua thuyền, Liên hoan văn hóa cồng chiêng cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nghệ nhân đến từ 13 xã, thị trấn. Ia Grai là vùng đất còn lưu giữ cồng chiêng nhiều nhất tỉnh với trên 750 bộ nên liên hoan lần nào cũng đặc sắc.

Theo ông Siu Bi-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Khai: Năm nay, đội cồng chiêng của xã có 35 thành viên. Đội tái hiện nghi thức đâm trâu đi kèm với bài chiêng cùng chủ đề. Nghi thức đâm trâu có nhiều động tác khó nên phải có người già chỉ dẫn cặn kẽ. Thời điểm này, bà con tranh thủ tập luyện vào buổi tối với mong muốn mang đến phần trình diễn hấp dẫn.

1-hoi-dua-thuyen-doc-moc-tren-song-po-co-hua-hen-se-la-trai-nghiem-du-lich-doc-dao-danh-cho-du-khach.jpg
Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô hứa hẹn sẽ là trải nghiệm du lịch độc đáo dành cho du khách. Ảnh: Phương Duyên

Theo thông tin từ UBND huyện, ngày 1-11, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng năm 2024 diễn ra cùng với các hoạt động như: thi đấu vòng loại hội đua thuyền; giới thiệu các sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc trưng của địa phương; hội diễn văn nghệ quần chúng.

Ngày 2-11 chính thức khai hội với phần thi của các đội đua thuyền đã qua vòng loại; Liên hoan văn hóa cồng chiêng; tổ chức phiên chợ nông sản an toàn, giới thiệu sản phẩm OCOP cùng các gian hàng ẩm thực, đồ lưu niệm. Ngày 3-11, ngày cuối của sự kiện là phần tranh tài gay cấn, quyết liệt để tìm ra chủ nhân chiếc cúp mang tên người Anh hùng A Sanh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đào Lân Hưng cho hay: Với sức lan tỏa của một thương hiệu du lịch qua 4 lần tổ chức, năm nay, chương trình thu hút 43 đội đua đăng ký tham gia, tăng 4 đội so với năm trước. Sự kiện được tổ chức sớm hơn mọi năm nửa tháng để tránh gió mùa Đông Bắc khiến sóng lớn dễ làm lật thuyền, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc đua.

Với quyết tâm tổ chức thành công Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng năm 2024, từ nhiều tháng trước, UBND huyện Ia Grai chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao và các đơn vị có liên quan chủ động công tác chuẩn bị để sự kiện diễn ra thành công.

Ban tổ chức giao Công an huyện chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng Ia O, Ia Chía xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trước và trong thời gian diễn ra lễ hội; xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho các vận động viên, diễn viên và các thành viên tham gia hội đua thuyền.

Tăng trải nghiệm cho du khách

Qua mỗi năm tổ chức, huyện Ia Grai đúc rút thêm nhiều kinh nghiệm để làm mới, tạo điểm nhấn cho hội đua thuyền. Năm nay, Ban tổ chức chú trọng tăng trải nghiệm cho du khách khi tham gia lễ hội.

cong-chieng-ia-grai-luon-mang-suc-hut-rieng-cua-vung-dat-so-huu-so-luong-cong-chieng-nhieu-nhat.jpg
Cồng chiêng Ia Grai luôn mang sức hút riêng của vùng đất sở hữu số lượng cồng chiêng nhiều nhất. Ảnh: Phương Duyên

Nét mới của năm nay là tại không gian lễ hội xuất hiện mô hình nhà cộng đồng thu nhỏ nhằm giới thiệu những văn hóa đặc trưng của đồng bào Jrai trên địa bàn.

Cụ thể, tại đây trưng bày mô hình nhà rông, cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc, tượng gỗ dân gian… Các nghệ nhân uy tín của huyện túc trực trò chuyện, hướng dẫn du khách nghệ thuật tạc tượng, chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ và diễn tấu.

Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih (xã Ia Dêr), người nổi tiếng chế tác nhiều nhạc cụ dân tộc chia sẻ: Ông rất vui khi dịp này ngoài biểu diễn tại lễ khai mạc còn được giao lưu với du khách trong và ngoài tỉnh. Theo ông, đây là cuộc trò chuyện thú vị của những du khách say mê tìm hiểu văn hóa Tây Nguyên với chính những người đang thực hành văn hóa bản địa.

1-mot-gian-hang-ocop-tai-hoi-dua-thuyen-nam-2023.jpg
Một gian hàng OCOP tại Hội đua thuyền năm 2023. Ảnh: Phương Duyên

Dịp này, du khách còn được trải nghiệm chèo thuyền độc mộc dưới sự hướng dẫn của các vận động viên chuyên nghiệp. Bước lên chiếc thuyền độc mộc lạ lẫm như một chiếc lá, tay khua nhẹ mái chèo để giữ thăng bằng và lướt đi trên sóng nước Pô Cô lịch sử là cảm giác khó quên không chỉ cho những ai ưa mạo hiểm.

Như mọi năm, UBND huyện tiếp tục giao Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Hội Nông dân huyện duy trì phiên chợ nông sản an toàn, đồng thời vận động các chủ thể có sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tham gia lễ hội. Du khách không thể không cảm thấy thú vị và hài lòng khi thưởng thức ẩm thực bản địa, mua sắm những sản phẩm chất lượng.

Ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: 26 gian hàng của các xã tham gia góp mặt hưởng ứng sự kiện thường niên này. Huyện cũng giới thiệu 20 sản phẩm OCOP đặc trưng của vùng đất biên giới Ia Grai, nổi bật là cà phê Thảo Hiên, mật ong Duy Trung, gạo A Sanh, hạt điều, măng tre, hạt mắc ca…

Những sản phẩm chưa được công nhận OCOP khi tham gia đều cam kết đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai Đào Lân Hưng: Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng năm 2024 được tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; giới thiệu các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử của địa phương, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch và quảng bá hình ảnh, con người Ia Grai.

Sự kiện này cũng hướng đến đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch và thu hút đầu tư góp phần thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển du lịch huyện Ia Grai năm 2024 cũng như nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025. Do vậy, huyện quyết tâm tổ chức thật tốt sự kiện trên để từ đó phát huy các kết quả đạt được trong nhiệm kỳ tới.

Có thể bạn quan tâm

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Sau một loạt đường bay mới từ Hàn Quốc và các nước Trung Á, Đông Âu, đảo Ngọc Phú Quốc tiếp tục khẳng định sức hút mới của mình khi đón đường bay thẳng từ Singapore, trở thành điểm đến cuối tuần mới của nhiều du khách quốc tế.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.