Du lịch chờ 'mỏ vàng' khách Trung Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và các nước khác thuộc khu vực Trung Đông những ngày qua đang mở ra cơ hội cho du lịch VN đón dòng khách lớn từ thị trường Trung Đông, nơi các "đại gia" chi tiêu hào phóng nhất thế giới.

Cú hích cho du lịch VN

Bên cạnh Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện VN - UAE (CEPA) ký kết ngày 28.10, chuyến thăm UAE của Thủ tướng Phạm Minh Chính còn mang lại 10 văn kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp (DN) hai bên bao gồm các thỏa thuận hợp tác phát triển về công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, logistics, dịch vụ, thương mại… Để mở đường cho những "cái bắt tay" được kết nối liền mạch, hai hãng hàng không Vietjet và Emirates đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm mở rộng kết nối giữa các thành phố lớn của VN và Dubai, UAE, cũng như các điểm đến toàn cầu.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới UAE và các nước Trung Đông mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch VN đón dòng khách từ thị trường này
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới UAE và các nước Trung Đông mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch VN đón dòng khách từ thị trường này

Theo thỏa thuận, hành khách của Emirates có thể kết nối thuận tiện với mạng bay của Vietjet qua Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Đồng thời, hành khách Vietjet có thể dễ dàng tiếp cận mạng bay toàn cầu của Emirates qua trung tâm Dubai, với dịch vụ và hành trình liền mạch. Hai hãng cũng sẽ hợp tác phát triển công nghệ và cải tiến số hóa trong ngành hàng không. Ông Adnan Kazim, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc thương mại của Emirates, đánh giá VN là thị trường tiềm năng lớn để thúc đẩy du lịch và thương mại. Việc hợp tác với Vietjet không chỉ mở rộng dấu ấn của Emirates tại VN mà còn hỗ trợ cho hãng bay đắt giá và sang chảnh bậc nhất thế giới tìm kiếm thêm nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai. Điều này đồng nghĩa hàng loạt khách thương mại, khách du lịch từ các nước Trung Đông sẽ tìm tới VN.

Thực tế, từ sau đại dịch Covid-19, Trung Đông là thị trường mà ngành du lịch VN tập trung tìm cách chinh phục. Ban đầu, Ấn Độ với lợi thế tỉ dân, trong đó có nhiều người theo Hồi giáo, được du lịch VN "nhắm" tới như một lựa chọn tối ưu lấp đầy khoảng trống của dòng khách truyền thống Trung Quốc phục hồi ì ạch. Tuy nhiên, sau đó VN không chỉ nhanh chóng chiếm được tình cảm của những vị khách Ấn mà còn "lọt vào mắt xanh" của rất nhiều tỉ phú đến từ UAE. Các lễ cưới xa hoa, những cuộc họp và teambuilding "khủng" lần lượt diễn ra tại nhiều tỉnh, thành từ Bắc vào Nam đã đưa VN chính thức bước vào đường đua đón khách nhà giàu. Điều này cũng phù hợp với định hướng trở thành điểm đến đẳng cấp của du lịch VN. Do đó, Bộ VH-TT-DL, Cục Du lịch quốc gia cùng các DN hàng không, du lịch đã nhanh chóng thực hiện xúc tiến, quảng bá, nâng cao hình ảnh của VN trong mắt các đại gia Trung Đông.

Nhìn lại hai năm trước khi nói tới câu chuyện thu hút khách Trung Đông đến VN, Đại sứ VN tại Qatar Trần Đức Hùng thừa nhận nhiều khách từ các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) thậm chí còn chưa biết tới VN. Khi đặt vấn đề hợp tác du lịch, họ tỏ ra ngạc nhiên: VN nằm ở chỗ nào? Có những cái gì? Nguyên nhân là thông tin về du lịch VN tới các nước khu vực Trung Đông còn rất hạn chế. Chúng ta chưa đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch đến thị trường này một cách bài bản, thường xuyên. Thời điểm trước dịch, dù VN có vị trí địa lý thuận lợi, nơi tập trung nhiều quốc gia có số lượng người Hồi giáo đông nhất thế giới, nhưng khách du lịch đến từ các nước Trung Đông chiếm tỷ lệ không đáng kể. Trong khi đó, các thị trường du lịch Singapore, Malaysia, Thái Lan... lại thu hút mạnh lượng du khách từ các nước đạo Hồi, chủ yếu là khách hạng sang và có khả năng chi tiêu ở mức cao.

Đến nay, khách Hồi giáo đến VN đa số là khách Ấn Độ, còn lượng khách đến từ Trung Đông như Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Xê Út và UAE vẫn còn khá khiêm tốn. Do đó, các chuyên gia nhìn nhận việc chính thức nâng cấp quan hệ Đối tác toàn diện, cùng những bản ký kết chiến lược giữa các tập đoàn kinh tế hàng đầu VN và UAE sẽ là cú hích mới cho ngành du lịch VN đón dòng khách từ thị trường đặc thù này.

Khách Hồi giáo đang gia tăng đến VN. Trong ảnh: Khách Hồi giáo tham quan không gian văn hóa Yên Tử (Quảng Ninh)
Khách Hồi giáo đang gia tăng đến VN. Trong ảnh: Khách Hồi giáo tham quan không gian văn hóa Yên Tử (Quảng Ninh)

Nhiều lợi thế để thành điểm đến mới

Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ Cục Du lịch quốc gia cho biết Trung Đông và Ấn Độ là những thị trường rất lớn, với lượng khách ra nước ngoài du lịch tăng nhanh trong thời gian qua. Cụ thể, Trung Đông gồm 17 nước, 1 vùng lãnh thổ, gần 400 triệu dân. Chẳng những nổi tiếng về dầu khí, nguồn lực tài chính và khoa học - công nghệ với những quỹ đầu tư công uy tín, lớn nhất thế giới, đây còn là thị trường gửi khách có tiềm năng lớn. Kinh tế phát triển mạnh, tầng lớp giàu có ngày càng nhiều, nhu cầu du lịch của thị trường Trung Đông được dự báo tăng nhanh trong thời gian tới, đạt 165 tỉ USD vào năm 2025 với các thị trường gửi khách hàng đầu là Ả rập Xê Út, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Bốn quốc gia trên đã đóng góp 68% tổng lượng khách của khu vực. Hiện khách du lịch Trung Đông đến VN mới đạt khoảng vài chục ngàn lượt. Do đó, VN còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh khai thác thị trường khổng lồ này.

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) thông tin du khách các nước thuộc GCC chi tiêu nhiều hơn 6,5 lần so với mức bình quân của toàn cầu, với 40% du khách cá nhân chi tiêu nhiều hơn 10.000 USD mỗi chuyến đi. Đây được xem như "mỏ vàng" mà rất nhiều quốc gia tập trung phát triển du lịch muốn nhắm tới. Thái Lan, Singapore, Malaysia…đang có lợi thế dẫn trước VN nhờ đã khai thác thị trường này từ rất sớm, song lại đang có phần yếu thế hơn VN về sự mới lạ.

Cụ thể, khách Trung Đông ưa thích tham quan các di sản thế giới; tìm cơ hội kinh doanh; du lịch văn hóa, tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm làm thủ công truyền thống; du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Với tình hình an ninh trật tự tốt; tài nguyên du lịch phong phú, VN là điểm đến rất phù hợp với sở thích và nhu cầu khách du lịch từ Trung Đông.

Phòng cầu nguyện phục vụ hành khách thương gia đạo Hồi tại ga đi quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất
Phòng cầu nguyện phục vụ hành khách thương gia đạo Hồi tại ga đi quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất

Bên cạnh tài nguyên sẵn có, đại diện Cục Du lịch quốc gia nhìn nhận VN cũng đã bước đầu có kinh nghiệm phục vụ khách du lịch Halal, cơ bản đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của nhóm khách này. Nhiều nhà hàng đã triển khai phục vụ du khách ở khu ăn uống riêng biệt với đồ ăn được chế biến theo chuẩn Halal... khiến du khách theo đạo Hồi hài lòng. Gần như địa phương nào cũng có thánh đường Hồi giáo, tập trung nhiều nhất có thể kể tới là TP.HCM. Đây là điều kiện thuận lợi để du khách ghé thăm và chiêm bái.

Miễn visa đột phá đón khách nhà giàu

Sau 4 năm tập trung khai thác thị trường Ấn Độ và các nước thuộc GCC, Chủ tịch Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá đây là thị trường cực kỳ lớn, tiềm năng, rất thuận lợi nhưng không hề dễ chinh phục. Trong quá trình quảng bá, xúc tiến, Vietravel nhận thấy các lãnh sự quán, cơ quan ngoại giao của VN ở GCC rất quan tâm tới các hoạt động hợp tác phát triển du lịch và hỗ trợ DN rất mạnh trong việc tổ chức các sự kiện xúc tiến điểm đến. Thậm chí, đã có hẳn những chiến dịch đưa các đoàn farmtrip, presstrip từ nước bạn qua VN để tìm hiểu, quảng bá, nghiên cứu sản phẩm. Tuy vậy, đến nay chỉ có thị trường Ấn Độ mang về nhiều kết quả tích cực; còn khách đến từ GCC vẫn rất khiêm tốn. Các đường bay thương mại mở ra hoặc các chuyến charter vẫn chủ yếu đưa khách Việt gửi sang bên đó nhiều hơn đón khách về.

Nguyên nhân mà ông Nguyễn Quốc Kỳ chỉ ra là do cơ sở hạ tầng du lịch của VN chưa đáp ứng được nhu cầu của họ. Khách Trung Đông và Ấn Độ được gọi chung là khách Hồi giáo. Đây là dòng khách rất đặc thù với những yêu cầu đặc thù về ẩm thực, mua sắm, lưu trú. Đúng là VN hiện đã có các nhà hàng đạt chuẩn Halal, đã có những khách sạn có phòng cầu nguyện nhưng số lượng rất nhỏ và chỉ tập trung chủ yếu ở một số TP du lịch lớn. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn về thực phẩm Halal chưa được quy định và công bố rộng rãi. Thực phẩm thì chưa được truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Đại diện Vietjet (thứ ba từ trái sang) tháp tùng đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính, dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 diễn ra tại Riyadh, Ả Rập Xê Út, ngày 30.10
Đại diện Vietjet (thứ ba từ trái sang) tháp tùng đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính, dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 diễn ra tại Riyadh, Ả Rập Xê Út, ngày 30.10

Về mua sắm, VN cũng chưa có sản phẩm phù hợp đáp ứng nhu cầu của họ. Khách Trung Đông sang, giàu, mua sắm rất nhiều nhưng bên đất nước của họ không thiếu hàng hiệu, mà giá còn rẻ hơn mua tại VN. Họ thích lụa nhưng VN không có những thương hiệu đủ uy tín, chất lượng. Họ thích vàng thì chế tác vàng của ta cũng "đọ" chưa lại với nước họ. Các dịch vụ spa, sauna, chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn nhưng vẫn chưa phù hợp với phong tục tập quán của người đạo Hồi. Họ đòi hỏi sự riêng tư, kín đáo, thiết kế tinh tế, khác biệt…

"Các DN Trung Đông qua VN khảo sát, ai cũng tấm tắc khen cảnh đẹp, khen thời tiết, cảnh quan, mê hải sản tươi ngon của VN; nhưng về độ sâu và độ rộng dịch vụ cung ứng thì mình chưa đáp ứng được. Trước giờ, các sản phẩm của mình chủ yếu phục vụ các dòng khách truyền thống có lượng khách đến đông nhất, chưa chú trọng đến các dòng khách đặc thù riêng. Khi Malaysia qua VN muốn phát triển hợp tác, họ cũng đã đặt vấn đề về hạ tầng cung ứng nhưng thời điểm đó mình chuyển đổi không kịp nên lượng khách Malaysia đến VN khó tăng trưởng. Dân số theo đạo Hồi chiếm khoảng 1/3 tổng dân số thế giới, tập trung nhiều ở khu vực Trung Đông, Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương, rất gần VN. Đó là lợi thế lớn trong cạnh tranh thu hút dòng khách nhà giàu này", ông Nguyễn Quốc Kỳ gợi ý.

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với cộng đồng người VN tại UAE chiều tối 27.10, bà Nguyễn Thị Mỹ Tân, Giám đốc điều hành của Desert Harbour Tourism Dubai, cho biết thời gian qua DN này đã đưa nhiều người VN sang du lịch ở UAE. Hiện công ty cũng đang nỗ lực để đưa khách hàng giàu có từ UAE nói riêng, Trung Đông nói chung sang VN du lịch. Để thực hiện được việc này, bà Mỹ Tân kiến nghị Chính phủ cần nới lỏng visa cho du khách UAE vào VN. Hiện tại hộ chiếu UAE nằm trong số những hộ chiếu quyền lực nhất thế giới với quyền nhập cảnh gần 200 nước không cần visa. Nếu có thể miễn visa cho thị trường này, VN sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh để đột phá du lịch.

Thời cơ vàng để khai thác khách sộp

Hiện nay, Chính phủ định hướng phát triển ngành Halal trở thành một ngành thế mạnh, đưa VN thành điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu. Ngoài ra, chúng ta cũng đã thực hiện rất tốt việc kết nối hạ tầng, mở nhiều chuyến bay thẳng giữa các thủ đô của Ấn Độ, của các nước Trung Đông đến Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Nhìn chung, VN đã sở hữu tất cả những gì khách Trung Đông cần. Chúng ta đang ở thời cơ vàng để khai thác hiệu quả dòng khách chất lượng này.

Đại diện Cục Du lịch quốc gia VN

Chính phủ đã mở đường rồi, ngành du lịch giờ chỉ cần xây dựng chiến lược bài bản, định hướng sắp xếp lại hệ thống dịch vụ, xây dựng thêm những bộ tiêu chí sản phẩm dành riêng cho đối tượng khách này. Làm được như vậy, chúng ta không chỉ đón được dòng khách lớn từ thị trường Trung Đông mà còn tiếp nhận ngay được 2 thị trường 300 triệu người Hồi giáo là Malaysia và Indonesia ngay sát bên.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Corporation

Theo Hà Mai (TNO)

Có thể bạn quan tâm