Mở cửa “thiên đường du lịch” Kbang - Kỳ 1: Vùng đất giàu tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) là vùng đất giàu tiềm năng du lịch đang chờ đợi sự khai thác và phát triển.

Trong một lần xuống thăm huyện Kbang, tôi tình cờ gặp nhóm cựu học sinh về dự hội khóa sau 20 năm ra trường. Qua câu chuyện, các bạn trăn trở: Trong mắt nhiều du khách, Kbang như một “thiên đường du lịch” nhưng đến nay vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng, góp phần đưa huyện nhà phát triển?

mo-cua-thien-duong-du-lich-kbang-ky-1-4068.jpg
Hướng dẫn viên tại Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) giới thiệu cách làm nhà sàn của người Bahnar. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Nhìn trên bản đồ thì Kbang nằm ở cực Bắc của tỉnh, tiếp giáp với 3 tỉnh: Kon Tum, Bình Định và Quảng Ngãi. Nếu tính từ trung tâm TP. Pleiku đi xuống thị trấn huyện thì cự ly dài hơn 100 km. Đã vậy, Kbang còn có diện tích rộng nhất tỉnh với 1.845 km2. Với con số này, huyện Kbang còn rộng hơn tỉnh Bắc Ninh (823,1 km2) và tỉnh Thái Bình (1.542 km2). Địa hình cao nguyên xen lẫn bình nguyên với nhiều hồ đập, sông suối, ghềnh thác…

Đây là vùng thượng nguồn của sông Ba (dài 388 km) chảy ra Biển Đông ở cửa Đà Diễn, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên; hồ Ka Nak, hồ Sơn Lang, trong vùng có nhiều ngọn thác đẹp, hùng vĩ như thác K50 (Hang Én), thác Kon Lốc, thác Kon Bông (Ba tầng), thác Hang Dơi… là những điểm đến được nhiều du khách yêu thích trên bản đồ du lịch Gia Lai.

Vài ba chục năm trở về trước, Kbang là nơi mà những ai đến đều tỏ sự ngần ngại bởi không chỉ đường xa, trắc trở mà còn vì cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn. Thế nhưng hiện nay, đến Kbang chúng ta có rất nhiều đường giao thông: đi từ Đak Pơ vào theo đường Trường Sơn Đông rồi nối qua địa phận tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi; đi từ ngã ba Đồng Găng, từ Nhà máy Đường An Khê vào hoặc từ đèo An Khê qua tỉnh lộ 669. Đất rộng, đường xa nhưng Kbang có đủ mọi điều kiện để phát triển nông-lâm nghiệp, đặc biệt là ngành du lịch.

Về di tích lịch sử-văn hóa, Kbang không thua kém những nơi khác về số lượng lẫn chất lượng. Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu thuộc quần thể Tây Sơn Thượng đạo nằm trên địa bàn xã Nghĩa An, cách trung tâm huyện khoảng 14 km. Ya Đố là người phụ nữ Bahnar có công lớn giúp 3 anh em nhà Tây Sơn trong bước đầu dựng nghiệp. Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1991 (cùng với các cụm di tích khác trong quần thể Tây Sơn Thượng đạo ở An Khê, Kông Chro, Đak Pơ).

Sau di tích này, huyện còn Làng kháng chiến Stơr, Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong. Làng Stơr (xã Tơ Tung) là địa danh gắn liền với Anh hùng Núp. Nơi đây đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng di tích vào năm 1993 và được tỉnh đầu tư xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng Núp.

Đối với Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, nơi đây các cơ quan đầu não của tỉnh đã đứng chân trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ (1955-1975) được tỉnh xây dựng, tôn tạo và khánh thành vào năm 2018. Ngay tại trung tâm thị trấn huyện là Đền tưởng niệm liệt sĩ Ka Nak cũng là một địa chỉ lịch sử luôn được các đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu.

Có một tiềm năng về du lịch nữa mà cho đến nay ngành “công nghiệp không khói” luôn quan tâm, đó là nền văn hóa bản địa và cộng đồng dân cư đa dạng. Có dịp đến Kbang, du khách không chỉ được thưởng thức hương vị ẩm thực dân dã đặc trưng của người Tây Nguyên như: gà nướng, cơm lam, rượu cần… mà còn được đắm mình vào vũ điệu hoang sơ của đại ngàn trong nhịp cồng chiêng ngân bên ánh lửa bập bùng cháy trong đêm.

Chưa hết, Kbang hiện có đến 21 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó nhiều dân tộc từ phía Bắc di cư vào như: Tày, Nùng, Dao… cùng các trò chơi dân gian thu hút du khách đến từ mọi miền đất nước. Tại đây, du khách có thể chứng kiến sự giao thoa tuyệt vời giữa các nền văn hóa, giữa người Kinh, người Bahnar cùng các dân tộc ít người khác, tất cả hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau để cùng phát triển tạo thành một nền văn hóa phong phú đa dạng mà vẫn có nét riêng rất đặc trưng ở Kbang.

Về Kbang, chúng ta còn được chiêm ngưỡng nét đẹp của nông thôn. Mùa nào thức ấy, mùa cà phê đang ra hoa trắng muốt, nở khắp sườn đồi, dọc đường đi Đak Rong, Trạm Lập, Krong… Rồi những cánh đồng mía bạt ngàn xanh mướt, dợn sóng khi cơn gió thổi qua như: Kông Bơ La, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung; những vườn cam trĩu quả chín vàng ở Sơn Lang… Vài năm trở lại đây, thêm những vườn sầu riêng, bơ, nhãn… sai quả ở thị trấn Kbang, Nghĩa An, xã Đông.

Có thể khẳng định rằng, huyện vùng xa này có đầy đủ điều kiện để phát triển du lịch. Vấn đề là làm như thế nào và từ đâu, khi nào.

Có thể bạn quan tâm