Diện mạo mới ở Ia Rnho

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Buôn Ia Rnho nằm ngay trung tâm xã Đất Bằng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), hình thành trên cơ sở sáp nhập các buôn Ma Hinh, Ma Leo và Ơi Khẳm. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cộng với sự cố gắng vươn lên của người dân, buôn Ia Rnho ngày càng “thay da, đổi thịt”.

Buôn Ia Rnho có 389 hộ với 1.428 khẩu, đa số là người dân tộc thiểu số. Trước đây, hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, điện lưới chưa về tới buôn nên cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn. Vào mùa mưa, đường sá lầy lội, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa rất vất vả, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của người dân. Từ khi thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, diện mạo của buôn dần thay đổi. Người dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được cải thiện rõ rệt.

 Một góc buôn Ia Rnho (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Nam
Một góc buôn Ia Rnho (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Nam


Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang vừa xây dựng, chị RCăm H'Plin cho biết: Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Không cam chịu đói nghèo, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân xã tổ chức. Sau khi nắm vững kỹ thuật sản xuất, chị vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư chăn nuôi bò, dê, heo và trồng mì. Nhờ đó, kinh tế gia đình chị ngày càng phát triển, vươn lên thoát nghèo bền vững. “Gia đình tôi hiện có 13 con bò, 9 con dê và 3 con heo. Ngoài ra, tôi còn trồng 1,5 ha mì và hơn 2 sào cỏ làm thức ăn cho bò, dê. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng”-chị H'Plin chia sẻ.

Những năm qua, buôn Ia Rnho được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Hiện nay, trên 90% đường nội thôn đã được bê tông hóa. Cảnh quan nông thôn ngày càng xanh-sạch-đẹp. Ông Rơ Châm Khế vui vẻ cho hay: “Được sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước nên đời sống người dân ngày càng phát triển, các cháu nhỏ được đến trường, giao thông thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế”.

aChị H'Plin chăm sóc bắp của gia đình. Ảnh: Lê Nam
Chị H'Plin chăm sóc bắp của gia đình. Ảnh: Lê Nam


Ông Nay Thiay-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ia Rnho-cho biết: Trước đây, người dân chăn nuôi chủ yếu là thả rông. Bây giờ, hộ nào cũng trồng cỏ làm thức ăn cho bò, dê. Còn trong trồng trọt, người dân đã biết áp dụng cơ giới hóa, nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên năng suất các loại cây trồng đạt cao, cho thu nhập ổn định. Bên cạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, các hoạt động thương mại, dịch vụ cũng đa dạng hơn. “Buôn Ia Rnho hiện còn 58 hộ nghèo (chiếm 14,9%) và 36 hộ cận nghèo (chiếm 9,25%). Đa số các hộ dân đều có phương tiện nghe nhìn, được sử dụng điện và nước sạch phục vụ sinh hoạt. 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, nhiều cháu tiếp tục theo học các trường cao đẳng, đại học. Việc chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được đảm bảo. Khi đau ốm, mọi người đều tới Trạm Y tế xã để khám, điều trị. Trong buôn hiện còn lưu giữ được 4 bộ chiêng cổ dùng trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững”-ông Thiay cho biết thêm.

Trao đổi với P.V, ông Rơ Ô Krik-Chủ tịch UBND xã Đất Bằng-cho biết: “Năm 2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pa đã thống nhất cho chủ trương xây dựng Khu lưu niệm lịch sử nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Cheo Reo (tiền thân của Đảng bộ huyện Krông Pa ngày nay) tại buôn Ia Rnho. Khu lưu niệm được xây dựng trên diện tích 1,7 ha, vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Công trình được hoàn thành năm 2020. Từ khi hoàn thành, khu lưu niệm đã đón hàng trăm lượt khách trong và ngoài huyện đến tham quan mỗi năm. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương, buôn Ia Rnho đã có nhiều thay đổi. Đây là động lực để buôn tiếp tục nỗ lực hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023”.

 

 LÊ NAM

 

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.