Điện lực Pleiku đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Những năm qua, Điện lực Pleiku đã tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành lưới điện, góp phần bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định, nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng.

Bảo trì theo điều kiện hay bảo trì dựa trên tình trạng thiết bị (Condition-Based Maintenance-CBM) là phương pháp phân tích sự cố và chấm điểm “chỉ số sức khỏe” của thiết bị để từ đó tự xây dựng quy trình sửa chữa bảo dưỡng phù hợp cho máy biến áp và thiết bị đóng cắt. Ứng dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng CBM chuyên sâu vào công tác thí nghiệm đã kịp thời đánh giá được tình trạng thiết bị điện vận hành lâu năm, già cỗi cần được đưa ra khỏi vận hành để sửa chữa bảo dưỡng, góp phần giảm thiểu ngăn ngừa sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giúp phát hiện, tiên đoán trước tình trạng bất thường của thiết bị cũng như tối ưu hóa việc sử dụng vốn.

Để thực hiện các công tác bảo trì theo CBM, cần sử dụng một số thiết bị hiện đại phục vụ kiểm tra trong quá trình vận hành như: thiết bị kiểm tra phóng điện cục bộ online, camera chụp ảnh nhiệt… Việc đánh giá tình trạng thiết bị theo phương pháp CBM được chia thành 3 cấp độ để kiểm tra/thử nghiệm. Trong đó, cấp độ 1 là các hạng mục được thực hiện online mà không phải gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng; cấp độ 2 thực hiện offline, phải sử dụng các giải pháp cấp điện bổ sung, hỗ trợ thay thế hoặc ngưng cung cấp điện để thực hiện và cấp độ 3 là các hạng mục phân tích và chẩn đoán chuyên sâu hơn khi cần thiết.

Theo kế hoạch, năm 2023, Điện lực Pleiku sẽ triển khai thực hiện 7.732 lượt CBM cấp độ 1 và cấp độ 2 đối với gần 500 máy biến áp phân phối, một số máy biến áp trung gian, nhiều bộ thiết bị đóng cắt tự động, bộ cầu dao cách ly, bộ chống sét van trung áp và bộ tụ bù trung áp. Ông Đoàn Ngọc Minh-Phó Giám đốc Điện lực Pleiku-cho biết: “Việc triển khai thực hiện công tác CBM được thực hiện định kỳ hàng tháng. Để hạn chế số lần mất điện, đơn vị kết hợp triển khai thực hiện CBM bố trí gộp chung với các hạng mục cắt điện công tác liên quan đến mục sửa chữa, bảo trì và xây dựng phát triển mới lưới điện”.

Điện lực Pleiku ứng dụng công nghệ vệ sinh sứ hotline không cắt điện nhằm đảm bảo cấp điện liên tục. Ảnh: Hà Duy

Điện lực Pleiku ứng dụng công nghệ vệ sinh sứ hotline không cắt điện nhằm đảm bảo cấp điện liên tục. Ảnh: Hà Duy

Nhờ thực hiện tốt công tác kiểm tra, đo đạc, thí nghiệm thiết bị nên nhiều thiết bị hư hỏng, nhiều điểm tiếp xúc không tốt do quá nhiệt được kịp thời phát hiện và xử lý, sớm ngăn ngừa các nguy cơ gây mất điện, đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Theo thống kê, trong năm 2022, Điện lực Pleiku đã kịp thời phát hiện và xử lý 22 vụ sự cố nhờ thực hiện công tác CBM, giảm 71 vụ so với năm 2021.

Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các sự cố trên lưới điện, Điện lực Pleiku đã tích cực sử dụng thiết bị flycam để phục vụ công tác kiểm tra đường dây trung áp và bước đầu đã đem lại hiệu quả cao. Ông Huỳnh Văn Hóa-Đội trưởng Đội Quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp-cho hay: Điện lực Pleiku đang quản lý 453 km đường dây trung thế và 883,3 km đường dây hạ thế. Toàn thành phố có 880 trạm biến áp, trong đó có 423 trạm biến áp phân phối cấp điện cho khách hàng sinh hoạt, 457 trạm biến áp chuyên dùng. Trước kia, khi thực hiện kiểm tra định kỳ đường dây, sứ cách điện hay mỗi lần bị sự cố lưới điện, đơn vị phải bố trí số lượng lớn công nhân leo trèo từng cột điện để kiểm tra, xử lý, tốn rất nhiều thời gian và công sức nhân viên vận hành, chưa kể còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Điện lực Pleiku nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Ảnh: Hà Duy

Điện lực Pleiku nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Ảnh: Hà Duy

“Hiện nay, chỉ cần thiết bị flycam và 1 công nhân đứng dưới đất điều khiển là có thể kiểm tra tất cả khiếm khuyết trên lưới điện, kể cả các đường dây khó tiếp cận như nằm sâu trong đất vườn nhà dân, khu vực đi ra rừng phòng hộ và các cung đoạn đường dây đi qua địa hình đồi núi chia cắt, hiểm trở. Thông qua những hình ảnh mà flycam chụp được sẽ dễ dàng nhận diện được các tồn tại trên lưới điện, như cách điện thủy tinh bị vỡ hoặc mất bát, bị bẩn, bị phóng điện, dây dẫn bị tưa, ăn mòn, xà bị nghiêng, xê dịch… để kịp thời xử lý. Trong năm 2022, Điện lực Pleiku đã kiểm tra 125 đường dây trung áp và nhánh rẽ với gần 3.600 vị trí, gần 500 trạm biến áp, hơn 1.200 thiết bị đóng cắt, bảo vệ, qua đó đã phát hiện được 6 vị trí có tồn tại”-ông Hóa thông tin.

Bên cạnh đó, Điện lực Pleiku còn triển khai lắp đặt và thay thế 100% công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử, thực hiện ghi chỉ số 100% RF-Spider, thu thập thông tin qua hệ thống đo đếm từ xa DSPM. Đơn vị cũng đã hoàn thành công tác thu thập thông tin khách hàng, thông tin lưới điện bằng ứng dụng thông tin hiện trường một cách chính xác; công tác quản lý hợp đồng mua bán điện cũng được thực hiện trên môi trường điện tử. Song song đó, đơn vị còn sửa chữa, củng cố, nâng cao năng lực lưới điện bảo đảm chất lượng, hiệu quả lưới điện trung hạ áp. Theo ông Minh, trong năm 2023, Điện lực Pleiku sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới gần 28 km đường dây 0,4 kV, 7 km đường dây 22 kV, 28 trạm biến áp (tổng dung lượng 7.000 KVA) và cải tạo hơn 2 km đường dây 0,4 kV, kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 35 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

Nghiệm thu đề tài xây dựng quy trình trồng sâm non bằng phương pháp khí canh

Nghiệm thu đề tài xây dựng quy trình trồng sâm non bằng phương pháp khí canh

(GLO)- Chiều 22-4, Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tỉnh Gia Lai nghiệm thu đề tài “Xây dựng quy trình trồng sâm non (sâm Hàn Quốc và Hồng đẳng sâm) bằng phương pháp khí canh tại Gia Lai”. Đề tài do Trường Đại học Tôn Đức Thắng chủ trì, Tiến sĩ Ngô Việt Đức làm chủ nhiệm.