"Điện Biên Phủ của Liên khu V"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dịp cuối năm 2003, tại Quy Nhơn (Bình Định), lần đầu tiên tôi gặp ông Nguyễn Tự-nguyên Trợ lý Tác chiến Trung đoàn 96.  Hôm ấy, một trẻ, một già say sưa câu chuyện cách đây đã tròn nửa thế kỷ: “Trong tập sách Trung đoàn 96 (NXB Đà Nẵng) ở trang 13 có nói trận đánh tiêu diệt Binh đoàn Cơ động 100 của Pháp có thể đứng hàng thứ hai sau Điện Biên Phủ và ở trang 135 còn cho rằng chiến thắng Đak Pơ là Điện Biên Phủ của Liên khu V”-ông Tự tâm sự.

Tôi như đứa trẻ bị cuốn hút vào huyền thoại trận đánh năm xưa lúc nào chẳng hay. Ông tự hào cho biết: “Tôi vinh dự là người dẫn Trung đội ĐKZ phục kích tại cầu 95 bắn gục ngay chiếc xe của Pháp leo lên đầu tiên. Và sau đó là người cùng đồng đội truy kích tàn quân trốn chạy tán loạn, bắt sống hơn 300 tên”.

 

Lễ đón bằng công nhận Di tích Lịch sử-Văn hóa Chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: L.B.T
Lễ đón bằng công nhận Di tích Lịch sử-Văn hóa Chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: L.B.T

- Diễn biến trận đánh ra sao, thưa ông?

- Chấp hành phương hướng chiến lược mới của Bộ Chính trị, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu V đưa toàn bộ quân chủ lực lên địa bàn Tây Nguyên. Tại đây, quân và dân ta đã đập tan nhiều cứ điểm quan trọng của địch, điển hình là tiêu diệt 3 cứ điểm Măng Đen, Măng Bút, Kon Rẫy nhằm mở toang cửa ngõ Bắc Tây Nguyên, giải phóng hoàn toàn Kon Tum. Thế trận này đã uy hiếp Pleiku, do đó buộc địch phải điều Binh đoàn Cơ động 100 từ Phú Yên lên chống đỡ. Đây là lực lượng lính Âu Phi thiện chiến nhất của quân đội Pháp vừa từ chiến trường Triều Tiên trở về. Một nhà chiến lược phương Tây đã viết: “Đông Dương như con voi, Tây Nguyên như lưng voi, ai ngồi được trên lưng voi người đó thắng.

Thực tế trả lời ngay sau đó. Trong ngày 20 và 30-3-1954, ta tập kích tiêu diệt hơn 600 tên địch tại Pleiku và Thượng An. Quân Pháp vùng vẫy, càng tham vọng giành giật con đường 19 càng bị sa lầy. Chúng tiếp tục đưa Binh đoàn Cơ động 100 xuống trấn giữ An Khê. Nhưng sau 2 tháng bị bao vây cô lập, đường 19 bị cắt hoàn toàn, cầu hàng không bất lực không đủ tiếp tế, một lần nữa địch phải rút khỏi An Khê.

Trong kế hoạch Navarre của quân Pháp có chiến dịch Atlante tập trung ưu thế binh hỏa lực đánh chiếm hết vùng tự do Liên khu V gồm 4 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Từ tháng 1-1954, chiến dịch Atlante đã bị quân và dân Phú Yên, Quy Nhơn (Bình Định), An Khê (Gia Lai) đánh trả quyết liệt, cho đến khi Binh đoàn Cơ động 100 bị tiêu diệt. Nghĩa là xương sống bị bẻ gãy, chiến dịch Atlante mới thực sự bị phá sản hoàn toàn.

Ông Tự kể tiếp: Trước tình hình mặt trận căng thẳng, do yêu cầu lực lượng tác chiến trực tiếp với địch, ngày 1-5-1954, Trung đoàn 96 được thành lập (trước đó có 2 Trung đoàn 108 và 803) tại thôn Vĩnh Thạnh, Bình Quang, Bình Khê (nay là xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) ngay trên chiến trường nóng bỏng và ác liệt. Trung đoàn chỉ có 700 cán bộ, chiến sĩ thuộc 2 Tiểu đoàn 40 và 79 (thiếu 1 đại đội). Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu điện ra xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chánh-Tư lệnh Mặt trận Liên khu V. Đồng chí Chánh trả lời: “Đánh theo ý kiến của người chỉ huy”. Đảng ủy Trung đoàn giao toàn quyền cho Trung đoàn trưởng. Sau đó, đồng chí Nguyễn Minh Châu truyền lệnh đến từng cán bộ, chiến sĩ khắp đơn vị: Đánh và tiêu diệt toàn bộ, không cho một xe nào chạy thoát.

- Làm sao ta biết được địch rút chạy lúc nào, đánh bằng cách nào, thưa ông?

- Đó mới là cái tài của người chỉ huy quân sự. Kế “điệu hổ ly sơn” của ta là đưa địch vào tròng, buộc địch phải rời khỏi công sự để ta đánh. Lúc này, ta đã cắt liên lạc giữa An Khê với Quy Nhơn trên đường 19 chiến lược. Tiểu đoàn chủ lực D30 cùng với bộ đội địa phương, du kích chốt giữ vùng Cầu Đôi-Phú Tài ghìm diệt địch ở Quy Nhơn, bắt chặn địch không cho kéo ra từ phía Tuy Hòa. Hai tiểu đoàn chủ lực D40 và D79 của Trung đoàn 96 cùng với 2 đại đội trợ chiến phối hợp gồm bộ đội địa phương, du kích bao vây và diệt các cứ điểm khu vực An Khê. Từ đèo Mang Yang trở lên thì có Trung đoàn chủ lực 108 án ngữ. Phải nói đến Trung đội ĐKZ của chúng tôi được giao nhiệm vụ cụ thể nổ phát súng tiêu diệt chiếc xe đầu tiên. Để nắm được thời gian và địa hình chính xác, chúng tôi đã tổ chức đi trinh sát 7 đêm, nắm rõ thực địa về vẽ lại sơ đồ, đắp sa bàn.

Đêm tối trong rừng như thế thì chỉ có cách dựa vào ánh sao, ánh trăng để định hướng, cự ly tính bằng bước chân nhưng rất chính xác. Tấm bản đồ gốc tôi vẽ hiện được đặt tại Bảo tàng Quân đội. Chiếc đồng hồ Thụy Sĩ (hiện đặt tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai) là phương tiện duy nhất giúp chúng tôi tính giờ, trừ hao bộ đội chạy ra làm sao khớp với thời điểm đầu dốc xe địch vừa đến (vừa chạy vừa đánh dấu đường đi). Đúng 12 giờ 45 phút ngày 24-6-1954, chúng ta nổ súng, chiếc xe đầu tiên dính đạn găm đầu xuống đường ngay vùng suối Đak Pơ (đỉnh dốc giữa Km 94 và 95). Đồng loạt các hướng hai bên, bộ đội bất ngờ bắn đạn pháo như mưa phủ xuống đầu địch trên đoạn đường dài hơn 5 km, 375 xe cơ giới các loại dồn lại co cụm và nối đuôi khít vào nhau trong sự hoảng loạn của binh lính viễn chinh, quan thầy Pháp. Chúng tôi gọi “nhét nút chúng để hốt mà tiêu diệt”.

Kết quả đúng như dự kiến, sở chỉ huy Binh đoàn Cơ động100 tan tác, quan 5 Barrou bị thương, bỏ chạy vào rừng đến trưa hôm sau thì bị bắt. Tên phó chỉ huy lên thay, địch ngoan cố phản kích 7 đợt bằng xe tăng. Đại đội 223 thuộc D79 chỉ còn 25 người, dồn sức vào công sự giữ vững trận địa và quyết chống trả mãnh liệt. Đến 19 giờ  ngày 24 thì ta làm chủ trận địa. Một trung đội truy kích được trang bị 2 đại liên tiếp tục tổ chức thu gom, bắt sống 300 tàn binh và Bộ Tham mưu của chúng đang trốn chạy tán loạn. Lần đầu tiên ta chiến thắng một trận đánh giao thông lớn trong kháng chiến chống Pháp.

Tại chiến trường, ta hy sinh 147 đồng chí, 80 bị thương; phía địch bị tiêu diệt 1.100 tên (500 tên chết tại chỗ), bắt sống 800 tên (có 1 quan 5), thu 375 xe cơ giới (có 229 xe còn nguyên vẹn), 1 xe tăng, 18 đại bác 105 ly và nhiều vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng. Toàn bộ phương tiện chiến tranh này được đưa ra miền Bắc bổ sung vào phương tiện vũ trang sử dụng trong công tác duyệt binh vào các ngày lễ trọng đại của đất nước.

Ngày 24-6-1946, Pháp đánh chiếm Pleiku-An Khê. 8 năm sau, đúng ngày ấy, quân Pháp phơi xác tại Đak Pơ. Với ông Nguyễn Tự, ông Nguyễn Minh Châu (Trung đoàn trưởng, đã qua đời ở TP. Hồ Chí Minh) và những đồng đội khác còn đang sống với cháu con, họ mãi mãi xem đây là một dấu ấn chiến tranh hùng tráng, oanh liệt đi trọn cuộc đời người lính.

“Cứ đến ngày lễ, ngày kỷ niệm Chiến thắng Đak Pơ là chúng tôi lên An Khê. Nhớ lắm đồng chí ạ! Bởi vì đã có một thời gian dài, nhiều người quên mất trận đánh đáng nhớ này. Nó đã tác động tích cực đến Hiệp định Genève”-ông Tự giãi bày tâm trạng. Ngày 22-12-2001, Bộ Văn hóa-Thông tin đã cấp bằng công nhận địa điểm chiến thắng Đak Pơ là Di tích Lịch sử-Văn hóa.

Trung tướng Khiếu Anh Lân-nguyên quyền Tham mưu trưởng Trung đoàn 96: “Tôi nhớ hai bên đường 19 rất hẹp. Tôi điều 10 chiếc xe địch do bọn lính ngụy lái chạy xuống An Khê và cắm lá cờ cách mạng giữa trung tâm huyện. Bác Hồ và Trung ương Đảng rất phấn khởi nhận được tin chiến thắng lớn ở Tây Nguyên. Trung đoàn 96 được khen thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị ai cũng vui mừng và hạnh phúc. Chỉ tiếc rằng nhiều đồng chí, đồng đội của ta nằm lại mãi mãi với mảnh đất này. Tôi biết hàng năm, các cựu chiến binh Trung đoàn 96 ở TP. Quy Nhơn vẫn thường xuyên lên thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ. Việc làm này vô cùng ý nghĩa và đáng trân trọng biết dường nào. Các anh sẽ không bao giờ lạnh lẽo nữa, nơi đây sẽ khang trang và ấm cúng vì đã có đồng bào và tất cả chúng ta luôn ở bên đồng đội”.

Lê Bá Tuế

Có thể bạn quan tâm

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.

Nghề giặt ủi thời hiện đại

Nghề giặt ủi thời hiện đại

(GLO)- Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, hiện nay, nghề giặt ủi truyền thống không chỉ gói gọn trong việc giặt hấp đồ dùng, quần áo mà còn mở rộng dịch vụ làm sạch vật dụng, phụ kiện theo nhu cầu của khách hàng.