Đi tìm hình bóng bầy thú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sáu năm miệt mài đặt bẫy ảnh để tìm kiếm sự sinh tồn của những con thú quý hiếm. Một ngày cuối tháng 5, họ nhận được kết quả bất ngờ, vượt ngoài dự tính.
Nhân viên Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền đặt bẫy ảnh.
Nhân viên Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền đặt bẫy ảnh.
Về một loài gà đã mất
Ngày 13/11/2002, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phong Điền, nằm giáp ranh với huyện A Lưới, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế được thành lập với 41 nghìn ha. Ở khu vực này, các nhà khoa học trong và ngoài nước khẳng định là nơi sinh sống quan trọng đối với các loài chim vùng núi thấp và loài chim đặc hữu là gà lôi lam mào trắng. Tên khoa học: Lophura edwarsi.
Năm 1924, một cặp gà lôi lam mào trắng (một trống - một mái), được một nhà tự nhiên học người Pháp phát hiện lần đầu tiên tại vùng rừng núi mà bây giờ thuộc phía tây huyện Phong Điền. Sau phát hiện đó, các nhà điểu học Việt Nam và trên thế giới đến vùng đất này khảo sát để tìm kiếm sự sống, sinh tồn của loài gà này, nhưng không bắt gặp. 
Vào năm 1986, kiểm lâm Thừa Thiên Huế phát hiện sự sinh tồn của một cặp gà này tại Khu BTTN Phong Điền. Sau đó, chúng được chuyển giao cho vườn thú Hà Nội. Trong hai năm 1989 và 1993, hai nhà điểu học: Eames, Robson cùng cộng sự đã có các đợt điều tra tại khu bảo tồn, họ vẫn chưa tìm thấy dấu vết nào về sự sống của loài vật này.
Đến năm 1996, thông tin một người dân ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền phát hiện được gà lôi lam mào trắng được lan truyền trong cộng đồng dân cư. Địa điểm phát hiện được ghi nhận tại khu vực khe Lấu, xã Phong Mỹ, đó là ngày 26/8/1996. Một con mái gà lôi lam mào trắng được người dân bẫy dính. Hai ngày sau, con đực tiếp tục dính. Cả hai con chết sau một thời gian ngắn nuôi nhốt.
Ngoài khu vực rừng núi Khu BTTN Phong Điền, Thừa Thiên Huế, loài vật này đôi khi còn được phát hiện ở huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, Quảng Trị. Thông tin được lưu lại nói rằng: Vào ngày 31/12/1996, một người dân địa phương đặt bẫy và bắt được cặp gà trống mái. Con trống được nhà chức trách thu giữ đưa về vườn thú Hà Nội; con mái chết sau khi dính bẫy.
Một đàn có từ 8 - 10 cá thể được người dân phát hiện vào đầu năm 1998, tại huyện miền núi Đakrông. Cũng trong năm đó, tại Phong Mỹ, một người dân trong lần giăng bẫy đã phát hiện hai con. Đến 2009, trong một lần tuần tra, lực lượng kiểm lâm Thừa Thiên Huế thu giữ từ người dân một con trong tình trạng chân trái bị thương do dính bẫy tại rừng đặc dụng bắc Hải Vân.
22 năm tính từ ngày nhìn thấy con gà lần cuối ở Khu BTTN Phong Điền; 12 năm từ khi con gà lôi lam mào trắng được giải cứu ở rừng bắc Hải Vân, đến nay người ta vẫn chưa một lần thấy lại hình hài của con vật này.
Trụ sở Ban quản lý Khu BTTN Phong Điền nằm ở xã Phong An, Phong Điền ngay từ cửa đi vào, những người trong tòa nhà treo một bức hình con gà lôi lam mào trắng. Bức hình như một lời nhắc nhớ “phải tìm được kết quả của loài vật này dù còn hay mất”.
 
Mang Trường Sơn được ghi nhận rõ nét hơn, dễ nhận dạng hơn. Ảnh: Khu BTTN Phong Điền
Mang Trường Sơn được ghi nhận rõ nét hơn, dễ nhận dạng hơn. Ảnh: Khu BTTN Phong Điền
Sự trở lại của bầy thú
Để đánh giá rõ hơn những tác động chủ yếu của người dân tới khu BTTN và tìm kiếm các loài động vật hoạt động trên mặt đất; các loài thú lớn, thú ăn thịt nhỏ và một số loài chim, việc sử dụng bẫy ảnh đã được dùng đến.
Ngày 5/6/2016, lần đầu tiên bẫy ảnh được đưa vào đặt ở các khoảnh rừng khu bảo tồn. 70 ngày dưới sự theo sát của 43 máy bẫy ảnh trải dài trên 4 km, cho ra được 2.306 bức ảnh. 18 loài thú, 9 loài chim được ghi nhận. 
Ở đợt đặt bẫy ảnh này, cầy giông sọc - một trong những loài thú ăn thịt nhỏ quý hiếm nhất thế giới được ghi. Con vật này được các chuyên gia Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) nâng thứ hạng bảo tồn từ cấp sẽ nguy cấp, lên nguy cấp vào tháng 6/2016. Sách đỏ Việt Nam năm 2007 xếp hạng đe dọa loài này ở cấp nguy cấp. Chúng được cho là đã tuyệt chủng tại Trung Quốc và Việt Nam.
Việc ghi nhận loài cầy giông sọc có ý nghĩa to lớn trong nghiên cứu khoa học không chỉ riêng cho Khu BTTN Phong Điền mà còn có giá trị trong công tác bảo tồn quốc tế. Sự xuất hiện của loài này trong duy nhất một bẫy ảnh với ba bức chụp trong một cảnh ảnh ở đợt nghiên cứu bẫy ảnh tại khu vực nghiên cứu càng khẳng định thêm về mức độ hiếm của loài trong tự nhiên.
Niềm vui về việc phát hiện sự trở lại của một con thú chưa dừng lại ở đó. Ngày 12/3/2021, 56 máy bẫy ảnh được đưa lên đặt ở các tiểu khu 33, 37, 38 ,48 xã Phong Mỹ, thuộc Khu BTTN Phong Điền. Hai tháng sau, đội đặt bẫy ảnh đi gom “đồ chơi” về. Ảnh được xổ ra. Hàng nghìn bức ảnh chụp lại các cảnh ở vị trí đặt. Người đảm nhận việc kiểm tra ảnh lúc đó là anh Hoàng Tấn Phát, kỹ thuật viên khu bảo tồn. Những bức ảnh ghi nhận có sự xuất hiện của các con thú, chim được lưu sang một file khác. Mấy trăm bức ảnh được kiểm tra cẩn thận, không có gì đáng chú ý. Khi ánh mắt anh Phát dừng lại ở bức hình với thông số: 12/3/2021 - chỉ số ghi ngày tháng. 6:27:44 - thời gian bức ảnh được chụp lại. Anh Phát nhìn bức hình một lúc lâu, anh nghi ngờ điều gì đó về bức hình ghi lại cảnh một con thú. Anh kêu mọi người lại cùng xem xét. Ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Phong Điền nghĩ có thể là mang Trường Sơn. Những bức hình sau đó được lưu riêng. Ông lập tức gọi điện cho lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo tin và nhờ bên chuyên môn xem xét. 
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở nhận tin, lập tức soạn mail, gửi kèm hình ảnh cho TS Rob Timmins, Giám đốc kỹ thuật Saola Foundation. Một lúc sau, ông nhận được câu trả lời: Những bức ảnh con mang mà bạn gửi là thuộc nhóm Munjac Roosevelt (mang họ Roosevelt) và chắc chắn không phải Munjac Vũ Quang (mang Vũ Quang).
“Con vật như trong ảnh khó có thể xếp giữa hai loài mang Roosevelt hay mang Trường Sơn, rất khó phân định. Nhưng chắc chắn đây là một loài động vật quý hiếm vừa mới tái xuất hiện”, TS Rob Timmins trả lời lại mail cho Phó Giám đốc sở. Cùng lúc đó, ông Lê Ngọc Tuấn gửi hình ảnh cho Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt. 10 ngày sau, đơn vị này phản hồi và khẳng định chắc chắn đây là mang Trường Sơn khiến mọi người ngập tràn cảm xúc.
Năm 2016, trong một lần bẫy ảnh, khu bảo tồn cũng đã ghi nhận được một bức hình nghi ngờ sự xuất hiện của loài thú này, nhưng dữ liệu hình ảnh lúc đó chưa đủ để phân tích, khẳng định. Nhưng niềm vui cũng kèm theo nỗi lo. Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn chia sẻ, lúc nhận được thông tin ghi nhận loài mang Trường Sơn rất vui, nhưng rồi lại lo sợ. “Nghe tin tức thì tôi rất vui, vừa muốn công bố thông tin nhưng cũng lo lắng chuyện này sẽ lọt đến tai các thợ săn. Nói chung mừng nhưng trách nhiệm phải tăng cường cao hơn nữa”, ông Tuấn nói.
Sau khi ghi nhận được sự xuất hiện của các loài thú quý hiếm, ngày 16/7, lực lượng của Khu BTTN Phong Điền tiếp tục vượt núi đem theo 53 chiếc bẫy ảnh đặt tại các vị trí trong rừng để ghi nhận, thăm dò các loài vật. Hai tháng sau sẽ tiến hành gom bẫy ảnh trước khi mùa mưa lũ bắt đầu.
Việc tuần tra, kiểm soát cũng sẽ được tăng cường hơn sau khi có sự xuất hiện của mang Trường Sơn. Các lực lượng sẽ đẩy mạnh truy quét, tháo bẫy nhằm mang lại môi trường sinh sống an toàn cho các loài thú.
Để đặt được bẫy ảnh, các thành viên trong đoàn phải vượt hàng chục km đường rừng, vào các điểm đã lên kế hoạch trước, “nằm gai nếm mật” cả đi lẫn về gần một tuần. Trong đợt bẫy ảnh này, đoàn còn ghi nhận sự xuất hiện của 30 loài thú, chim quý hiếm khác. Có loài trước chỉ ghi nhận từng con một, nhưng lần này xuất hiện trong ảnh 3 - 4 con một lúc. 
Theo Nguyễn Đắc Thành (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

null