Đi tìm bộ tộc săn đầu người:Những điều kỳ thú ở xứ săn đầu người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở Nagaland, nghề săn bắn vẫn tồn tại và được thừa nhận, người Konyak thường giữ lại đầu các con thú, treo đầy trên vách.

Nagaland là một trong tám tiểu bang của vùng Đông Bắc Ấn Độ, cũng là một trong những bang nhỏ nhất của quốc gia này và là tiểu bang tiếp giáp với Myanmar về phía Đông. Nagaland có trên 20 dân tộc thiểu số, trong đó lớn nhất là người Konyak.

Nagaland được bao phủ bởi những khu rừng bao la, bát ngát bọc lấy những sân bay, thành phố, làng mạc… Ngồi trong những chuyến xe đường dài len lỏi qua những khu rừng già nguyên sinh hàng trăm kilomet mới thấy thiên nhiên vốn tươi đẹp, vĩ đại đến dường nào!

Nơi đa số người dân theo đạo Tin Lành

Trong khi đạo Hindu là tôn giáo chính và lớn nhất ở Ấn Độ thì ở Nagaland, đại đa số người dân theo đạo Tin Lành. Nguyên thủy người Naga thờ các vị thần tự nhiên như mặt trăng, mặt trời, cây cối… Tuy nhiên, từ thế kỷ 19, sự xuất hiện của người Anh ở đây đã kéo theo đạo Tin Lành phát triển theo ở cả vùng Đông Bắc, trong đó có Nagaland.

Cùng với những truyền thống phong tục của mình, đạo Tin Lành có ảnh hưởng lớn đến người Naga. Hôm tôi đến làng Longwa, homestay nơi tôi ở cũng có một nhóm luật sư đến trọ. Họ cho hay có chương trình làm việc với nhà thờ vào hôm sau và có vẻ như nội dung rất quan trọng. Tò mò nên hôm sau tôi đến nhà thờ xin tham dự. Vị mục sư khá trẻ tuổi và ăn mặc lịch lãm niềm nở mời tôi vào ngồi hàng ghế đầu để dự lễ cùng rất đông dân làng.

Thì ra hôm đó các luật sư được chính quyền cử đến để cùng phổ biến tuyên truyền luật chống xâm hại, mua bán, bóc lột lao động trẻ em và phụ nữ. Nhân ngày giáo dân đi lễ, mục sư sẽ giảng dạy các nội dung này cho dân nghe với sự tư vấn hỗ trợ của các luật sư. Mọi người cũng được phát tờ bướm tuyên truyền về các quy định này. Các luật sư cho hay họ khó tập hợp dân làng và nói họ nghe nhưng mục sư làm điều đó thuận lợi hơn rất nhiều.

 
Bộ sưu tập đầu các con thú của thợ săn Konyak ở Nagaland. Ảnh: Cẩm Tú
Bộ sưu tập đầu các con thú của thợ săn Konyak ở Nagaland. Ảnh: Cẩm Tú



Người Naga nói tiếng Anh như gió

Đã tìm tòi vùng đất này nhiều nhưng nhiều tài liệu hướng dẫn du lịch cảnh báo Nagaland rất khó đi vì quá hoang vu, hẻo lánh, thậm chí nhiều chỗ còn chưa có dấu chân người. Đường sá thì xấu, tiếp giáp nhiều biên giới nên việc đi lại phải xin giấy phép khó khăn, mà ngán ngại nhất là rào cản về ngôn ngữ.

hưng trái ngược lại hoàn toàn, người Naga nói tiếng Anh tốt hơn tôi lo ngại rất nhiều. thậm chí có những người còn làm tôi choáng vì rất thông thạo ngoại ngữ. Hôm đi lạc trong rừng sâu, thấy túp lều nọ có bà cụ già người dân tộc thiểu số ngồi, tôi hỏi thăm đường ra (bằng tiếng Anh) dù lòng không chút hy vọng bà hiểu được. Thế mà ngoài sức tưởng tượng, bà cụ xổ một tràng tiếng Anh cực chuẩn làm tôi suýt ngất.

Ông thợ săn xách cây súng dài chuẩn bị vào rừng, giảng cho tôi nghe về nghề này ở Naga bằng tiếng Anh với từ vựng phong phú. Số lượng người nói được tiếng Anh và nói rất tốt ở Naga khá nhiều. Điều ấn tượng là họ nói tiếng Anh rất tự nhiên, từ ngữ phong phú như một ngôn ngữ chính thức, không phải qua suy nghĩ và tìm từ vựng hay kiểu tiếng Anh bồi, dù nơi đây không hề phát triển du lịch.

Bạn bán tiệm tạp hóa nhỏ xíu trong làng Longwa cho biết bạn nói được bốn thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Ấn Độ (Hindi), tiếng địa phương và tiếng Myanmar. Tuy nhiên, bạn chỉ biết viết tiếng Anh và tiếng địa phương (được phiên âm từ các ký tự tiếng Anh), còn lại chỉ biết giao tiếp. Mọi người giải thích: Ở Naga, tại trường học trẻ em được dạy bằng tiếng Anh nên chỉ cần có đi học là giao tiếp tốt và học cấp III xong thì nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh thông thạo.


 

 Phụ nữ và thợ săn Konyak ở Nagaland. Ảnh: Cẩm Tú
Phụ nữ và thợ săn Konyak ở Nagaland. Ảnh: Cẩm Tú



Hotel không phải là khách sạn

Mấy bữa đầu đến Nagaland, thấy nhiều quán ăn đều ghi bảng “hotel” mà không có chữ restaurant, cứ nghĩ chắc quán ăn này kiêm luôn khách sạn. Sau này mới phát hiện ra, tất cả quán ăn đều ghi hotel nhưng không có chỗ nào là kiêm luôn khách sạn, nhà trọ.

Dân Naga giỏi tiếng Anh vậy mà, lẽ nào viết sai? Sau khi kiểm tra từ điển thì mới hay, hóa ra hotel không phải chỉ có nghĩa là chỗ nghỉ trọ mà còn có nghĩa là nơi phục vụ ăn uống cho khách đi đường. Tuy nhiên, hotel theo nghĩa quán ăn rất ít sử dụng nên gần như người ta mặc định hotel nghĩa là khách sạn.

Giao tiếp nhiều với người Naga, tôi nhận ra họ nói tiếng Anh-Anh chứ không phải là Anh-Mỹ. Có lẽ hotel theo nghĩa quán ăn là cách dùng của người Anh nên người Naga ảnh hưởng theo.

Đàn ông xăm mặt, phụ nữ cắm sừng trên tai

Buổi sáng nọ khi vừa lăn bánh đến khu vực Nagaland, xe buýt chở tôi dừng lại đón khách. Hai bà cụ người bản địa lên xe. Ngộ nghĩnh là trên hai vành tai có hai cái sừng nhỏ màu đỏ. Tôi cứ nghĩ đó là trâm kẹp tóc những bà cụ giắt trên tóc. Khi đến làng Mon, tôi mới phát hiện ra đó thực sự là hai cái sừng họ cắm vào lỗ tai chứ không phải trâm cài tóc.

Thì ra đó là một truyền thống của người Naga xưa. Trong khi đàn ông xăm lên mặt, lưng, ngực, tay và đeo sừng hươu thì phụ nữ sau khi có chồng sẽ khoét hai lỗ trên vành tai và cắm hai cái sừng làm từ lông nhím. Khi sinh con, họ còn xăm những vòng tròn theo bắp chân, đầu gối như một cách đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời.

Tuy nhiên, phong tục này hiện nay chỉ còn nhìn thấy ở những người lớn tuổi. Những cô gái người Naga ngày nay không còn khoét tai, xăm chân, cũng như đàn ông không còn xăm mặt. Chỉ có những lễ hội thì các cô gái mới giắt những chiếc lông này lên tóc như một loại trâm cài. Có lẽ vì vậy mà người dân địa phương cho tôi hay lông nhím làm sừng vẫn còn được bày bán, tiếc là tôi lại quên mất không mua để ghi nhớ về một thời đã xa.

Săn bắn vẫn là nghề phổ biến

Mặc dù tục săn đầu người đã bị cấm nhưng nghề săn bắn vẫn được tồn tại ở Naga và được thừa nhận. Ở Naga, tôi gặp rất nhiều người thợ săn vai đeo chiếc túi đan bằng mây, trong đó có ít gạo, lương thực và cây súng săn chuẩn bị vào rừng. Bác thợ săn cho hay với túi lương thực nhỏ, bác và người con trai sẽ ở trong rừng khoảng một tuần lễ để săn thú rừng. Người dân được sở hữu súng săn, súng này do dân Naga tự làm lấy. “Chúng tôi tự nấu thức ăn, nguồn nước thì có những dòng suối” - bác kể.

Bác nói không sợ thú rừng tấn công vì chúng thường sợ lửa và hơi nóng. Hỏi bác thường săn được gì, bác nói đủ cả. Khi nào bắn được thú lớn thì sẽ gọi đồng đội đến cùng khiêng về và xẻ thịt chia nhau, dư nữa thì phơi khô để dành. Theo như người Naga nói, rừng ở đây có rất nhiều loại thú, kể cả báo, cọp, voi... Nhìn các bộ sưu tập đầu các con thú cũng có thể hình dung được sự phong phú các loại thú rừng ở Naga.

 


Chuyện ăn uống ở Nagaland
 
Người Nagaland rất thích ăn cay.
Người Nagaland rất thích ăn cay.


Gần như đa số khách du lịch, đặc biệt là dân Việt Nam, đều ngao ngán ẩm thực Ấn Độ vì nhiều mùi vị và đậm đặc cà ri. Tuy nhiên, ẩm thực ở Nagaland thì hoàn toàn khác, dễ ăn và ngon vô cùng. Bữa ăn nào tôi cũng được chủ nhà luộc cho ít rau hoặc bầu bí và một chén nước chấm chua cay gồm cà chua, củ hành bằm nhỏ trộn rất nhiều ớt và cho chút muối cộng với ít khoai tây cắt nhỏ xào. Khi nào dư dả thì có thêm con cá suối nấu canh với rất nhiều tiêu rừng cay xé lưỡi, hoặc ít thịt xào cùng khoai tây. Thích ăn cay nên trên gác bếp nhà nào cũng treo chùm tiêu rừng, ớt khô.

Gạo trồng trên nương, không hóa chất, phân bón nên thật lành. Những ngày ở Naga, lúc nào tôi cũng thấy ngon miệng và chờ… đến giờ ăn, hihi. Một điều thú vị nữa, người Naga rất thích uống trà đen. Lúc nào trên bếp cũng có sẵn ấm nước sôi ùng ục để pha trà. Có lẽ điều này cũng được ảnh hưởng từ văn hóa Anh chăng?


Nguyên Hà - Cẩm Tú (PLO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.