Đi tìm bộ tộc săn đầu người : Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước khi gặp được những chiến binh săn đầu người, tôi đã chạm mặt nhà vua của bộ tộc Konyak trong “cung điện hoàng gia” nằm giữa hai nước Ấn Độ-Myanmar kỳ lạ, ngỡ ngàng…

Sau những ngày lê thê lết thết trên những chuyến xe buýt ngày lẫn đêm xuyên qua những khu rừng bạt ngàn cùng những cơn mưa tối tăm mặt mũi, tôi cũng tới được Mon, một thị trấn thuộc bang Nagaland (Ấn Độ), cửa ngõ vào những ngôi làng xa tít tắp trên núi của người Konyak. Vậy là tôi sắp chạm mặt bộ tộc Konyak với những chiến binh huyền thoại xăm trổ săn đầu người đầy đẫm máu. Longwa là ngôi làng lớn nhất của người Konyak nên tôi sẽ đến đây.


 

Đường vào thị trấn Mon. Ảnh: CẨM TÚ
Đường vào thị trấn Mon. Ảnh: Cẩm Tú



Bữa tiệc bất ngờ giữa đường

Lúc tới Mon, do đã quá đuối sức vì đói bụng sau những chặng đường dài nên tôi vác ba lô đi tìm quán ăn rồi tính tiếp. Tại vòng xoay, cô cảnh sát trẻ tuổi - hình ảnh thật lạ lẫm tại nhiều vùng của Ấn Độ mà tôi đã từng đi, phụ nữ chỉ làm những việc bếp núc và ruộng đồng - đang điều khiển giao thông. Cô cảnh sát nhiệt tình dẫn tôi đến một nhà hàng nhỏ gần đó.

Sau bữa ăn ngon lành, tôi định đi taxi vào Longwa vì quá mệt mỏi. Giá taxi cho chặng đường hơn 40 km là 3.000 rupees Ấn (hơn 1 triệu đồng Việt Nam). Mọi nguời bảo do đường rất xấu và khó đi nên giá taxi cao và cho hay tôi có thể đi sumo (một loại xe lam của dân địa phương) cho rẻ. Tôi xin lỗi anh tài xế taxi rồi ngồi chờ sumo. Phương tiện công cộng bên Ấn Độ thường cũ kỹ và nhồi nhét khách nhưng đổi lại vé rất rẻ, có khi chỉ bằng 1/10 taxi nên tôi luôn ưu tiên chọn. Vậy mà khi anh tài xế taxi buồn thiu quay đi, tôi lại chùng lòng nên kêu anh quay lại. Thôi thì tôi sẽ tiết kiệm tiền ăn ở vậy.


 

Bữa tiệc ven đường của cư dân địa phương với món xôi trắng, măng rừng ngâm ớt và thịt nướng trứ danh. Ảnh: Cẩm Tú
Bữa tiệc ven đường của cư dân địa phương với món xôi trắng, măng rừng ngâm ớt và thịt nướng trứ danh. Ảnh: Cẩm Tú


Có lẽ ông trời không bao giờ phụ lòng người. Chuyến taxi thật vô cùng đáng giá. Nhờ đi xe riêng nên tôi mới biết đường đến Longwa đẹp ngỡ ngàng. Tôi tha hồ dừng lại ngắm cảnh, chụp ảnh. Đường đi đến làng Longwa rất nhỏ, quanh co uốn khúc qua những khu rừng nguyên sinh xanh thẳm. Xa xa là núi đồi hùng vĩ. Cảnh tượng đẹp như tranh.

Xe đang chạy, bỗng đâu xuất hiện bên vệ đường một đám đông đang xúm xít bên những mâm cỗ. Dường như đang có một lễ hội của người địa phương. Không thể bỏ lỡ, tôi lập tức nhờ dừng xe. Mọi người, toàn là cánh đàn ông, hết sức nhiệt tình mời tôi dự tiệc. Trẻ con và phụ nữ không được ngồi cùng mà ngồi một góc nấu nướng và chia nhau thức ăn. Thức ăn được túm trong lá chuối, mở ra là xôi trắng, măng rừng ngâm ớt và thịt thú rừng (giống một loại chuột) thui thật hấp dẫn. Luôn thưởng thức ẩm thực địa phương và tham gia những lễ hội văn hóa với người dân, tôi hào hứng tham dự trong hứng khởi.


 

Cung điện của nhà vua bộ tộc Konyak nằm giữa hai nước Ấn Độ và Myanmar. Ảnh: CẨM TÚ
Cung điện của nhà vua bộ tộc Konyak nằm giữa hai nước Ấn Độ và Myanmar. Ảnh: Cẩm Tú
Những nếp nhà ở làng Longwa, nơi có những chiến binh săn đầu người cuối cùng... Ảnh: CẨM TÚ
Những nếp nhà ở làng Longwa, nơi có những chiến binh săn đầu người cuối cùng... Ảnh: Cẩm Tú



Một lần bất kính với nhà vua

Chia tay mọi người ở bữa tiệc ven đường, tôi tiếp tục tới làng Longwa. Đến làng, anh tài xế taxi chạy xe lên đỉnh đồi cao nhất làng và dừng trước ngôi nhà hình bầu dục to đùng hoành tráng. Vách nhà bằng gỗ nhưng mái lợp tôn, khác hẳn những ngôi nhà lợp lớp lá cọ dày cộp ở làng.

Một anh chàng nhỏ người đi ra, làm phiên dịch cho ông chủ nhà ốm nhom đen thủi đen thui đứng sau lưng. Họ bảo tôi có thể ngủ lại đây. Chỉ thích ở những ngôi nhà lợp lá, tôi lập tức từ chối với lý do không thích ngôi nhà lớn này. Anh chàng thông dịch và ông chủ nhà cùng anh taxi xì xào gì đó bằng tiếng địa phương rồi thống nhất đưa tôi về ngôi nhà nhỏ đầu làng.

Ngôi nhà nhỏ xinh có vài phòng ngủ thật sạch sẽ với ô cửa sổ nhìn ra núi rừng bao la làm tôi vô cùng hài lòng. Ở homestay nên tôi sẽ cùng ăn cơm với chủ nhà. Quá kinh nghiệm vụ “bao ăn ở ba bữa trọn gói” ở các vùng xa ở Ấn Độ nên tôi vui vẻ với thực đơn vô cùng đơn giản, thường xuyên chỉ có khoai tây và canh dal (nấu bằng đậu xanh) rất hiếm hoi thịt ở đây.

Buổi tối, sau khi ăn cơm xong, bên tách trà đen nóng hổi bên bếp lửa truyền thống vùng Nagaland và mù mịt khói, mọi người hỏi tôi đã đến nhà của vua chưa, gặp vị vua họ rất tôn kính chưa. Họ nói đó là ngôi nhà to nhất làng nằm ở trên đồi. Giật mình, tôi hỏi tiếp hình dáng của nhà vua. Thì ra đó chính là ngôi nhà tôi chê lên chê xuống không chịu ở, còn nhà vua là ông chủ nhà ốm o đen nhẻm đứng phía sau!

Thấy tôi cứ thắc mắc việc ăn mặc tuềnh toàng, giản dị của vua, mọi người cho biết vua chỉ mặc trang phục của mình vào dịp lễ hội, bình thường thì vua và hoàng gia ăn mặc như mọi người. Còn anh chàng thông dịch không phải là “cò nhà”, cũng chẳng phải là hướng dẫn viên mà đường đường là… nhân viên quản lý xuất nhập cảnh của chính quyền! “Nếu là mấy chục năm trước, chắc là mình có thể bị chặt đầu rồi vì dám bất kính với vua” - tôi nghĩ thầm trước những điều thú vị chào đón mình.


 

Tôi đã gặp ông chủ nhà ốm nhom đen thủi đen thui...
Tôi đã gặp ông chủ nhà ốm nhom đen thủi đen thui...
Nào hay ông chính là vua của bộ tộc bộ tộc Konyak.
Nào hay ông chính là vua của bộ tộc bộ tộc Konyak.
 Lần đầu tác giả (đứng) chạm mặt nhà vua của bộ tộc Konyak mà không biết…Ảnh: TN
Lần đầu tác giả (đứng) chạm mặt nhà vua của bộ tộc Konyak mà không biết…Ảnh: TN



Cung điện kỳ dị nằm giữa hai quốc gia

Hôm sau, tôi quay lại nhà của vua làng Mon. Biết thân biết phận, lần này gặp vua tôi cười toe, hết sức nhũn nhặn. Vị vua hết sức tốt bụng và hiền hòa, mời vào bếp uống trà rồi cho phép tôi tham quan khắp “cung điện”.

Nhà của vua cũng như bao nhiêu nhà khác ở Mon, rất rộng và trống. Trong nhà chia nhiều phòng, không có đồ đạc gì quý giá trừ bộ sưu tầm đầu các loài thú rừng được treo đầy trên nóc. Riêng “cung điện” của vua thì có thêm bộ ngà voi cực lớn vô cùng quý báu và nhiều chiêng trống. Nơi sinh hoạt chính yếu trong nhà của người Naga là gian bếp treo nhiều tầng ám khói luôn luôn sẵn trà đen nóng hổi.

“Cung điện” của nhà vua làng Longwa vô cùng đặc biệt và độc đáo ở chuyện khác. Một nửa căn nhà nằm trên đất của Ấn Độ, nửa còn lại thuộc… Myanmar. Cung điện nằm trên hai vùng biên giới và trở thành điểm tập kết cho quân đội hai nước. Có lẽ vì thế mà cung điện được lợp mái tôn hiện đại hơn.

Nhà của vua lúc nào cũng có những tốp quân đội của hai nước túc trực. Cửa nhà chia hai ranh giới, lính hai nước ngồi hai bên canh chừng lãnh thổ. Tuy nhiên, không giống biên giới Ấn Độ-Pakistan đằng đằng sát khí, “tình hình bang giao” tại cung điện rất êm đềm, hòa thuận. Quân đội Ấn Độ rất hoành tráng với quân phục, súng ống, xe nhà binh và những trạm quân sự dọc theo đường biên giới; còn mấy anh lính Myanmar ốm yếu, mặc xà rông truyền thống, mang dép Lào, chạy xe máy giắt theo bình xăng đổ dọc đường, tối tối xin ngủ nhờ nhà của vua. Mấy anh lính cho hay họ mua xăng từ Myanmar vì giá xăng bên đó rẻ hơn bên này thuộc Ấn.

Những ngày ở Longwa, sáng sáng chiều chiều tôi lại đến cung vua hóng mát và nhìn xuống vùng biên giới núi rừng trùng điệp của hai nước. Ngoài sân, lũ trẻ con trong làng rủ nhau đá bóng, chạy nhảy hét hò. Bên cánh cửa, mấy anh lính Ấn mời mấy chàng lính Myanmar uống trà. Trong nhà, bên gian bếp, vị vua ngồi chụm củi nấu nước sẵn sàng tiếp tế. Ai cũng như ai, bình đẳng, thân tình, chan hòa, thân thiết.

Thảo nào khi tôi hỏi về giai cấp trong xã hội người Konyak, mọi người đều không hiểu, dù tiếng Anh của họ tốt đến mức kinh ngạc. Sau khi giải thích và dẫn chứng mỏi miệng, họ mới bắt đầu hiểu ý và cho hay với bộ tộc, vua và hoàng gia là người được tôn kính nhất. Tiếp đến là những chiến binh, sau cùng là thợ săn và nông dân. Tuy nhiên, ắt hẳn từ xưa đến nay trong xã hội người Konyak, ranh giới giai cấp rất đỗi nhạt nhòa nên mới có những nhà vua bình dị và cung điện của chung như ở Longwa…

 


Tiếng gọi nơi hoang dã…

Ở đâu đó giữa vùng Northest Tribe, miền xa xôi hoang dã nhất của Ấn Độ, là nơi sinh sống của những bộ tộc thiểu số. Nơi ấy có một vùng đất tên là Nagaland với một tộc người sống giữa đại ngàn cùng một truyền thống làm người ta khiếp đảm: Săn đầu người và xăm trổ những hình thù kỳ dị trên mặt.


Tác giả Cẩm Tú “dự tiệc” cùng người dân trên đường đến làng Longwa của bộ tộc Konyak. Ảnh: TN
Tác giả Cẩm Tú “dự tiệc” cùng người dân trên đường đến làng Longwa của bộ tộc Konyak. Ảnh: TN



Đoạn thông tin ngắn về vùng đất ấy đã thôi thúc tôi vác ba lô lên đường đi tìm bộ tộc Konyak. Và rồi tôi thật sự bất ngờ với bao điều kỳ thú ở Nagaland...

Và rồi khi đến tận nơi, mỗi lần ngắm cung điện của vua Longwa nằm trên biên giới Ấn Độ và Myanmar, tôi lại trỗi lên nỗi băn khoăn, thắc mắc của một phóng viên-biên tập viên nhà đất: “Không biết việc cấp giấy đỏ cho mảnh đất này sao ta? Chẳng lẽ chia hai giấy, một nửa do Ấn Độ cấp, một nửa do Myanmar cấp? Rồi có hợp khối được không? Xin phép xây dựng ra sao?...”. Làm phóng viên mảng đất đai bao năm nên bệnh nghề nghiệp nó khổ vậy đó…

Cẩm Tú
 


Nguyễn Hà-Cẩm Tú (PLO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.