Để người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã nỗ lực củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh (KCB) ở các tuyến nhằm giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế một cách thuận lợi.

Kiện toàn mạng lưới y tế

Hiện nay, mạng lưới y tế của tỉnh được củng cố vững chắc. Tuyến tỉnh có 6 bệnh viện, 2 chi cục, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Pháp y. Tuyến huyện có 17 trung tâm y tế và 218 trạm y tế. Tổng số giường bệnh kế hoạch toàn tỉnh là 4.190; tổng số cán bộ y tế là 4.596 người, trong đó có 950 bác sĩ.

Đến cuối năm 2024, số bác sĩ/vạn dân là 8,7; giường bệnh/vạn dân đạt 27,8; 94% xã/phường có bác sĩ làm việc; 95% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Bên cạnh hệ thống y tế công lập, toàn tỉnh có 4 bệnh viện tư nhân với tổng cộng 560 giường bệnh, 598 cán bộ, nhân viên, trong đó có 138 bác sĩ.

de-nguoi-dan-tiep-can-dich-vu-y-te-chat-luong.jpg
Người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Ảnh: N.N

Mạng lưới y tế được củng cố từ tỉnh đến huyện, xã đã giúp người dân trên địa bàn tiếp cận các dịch vụ y tế ngay từ cơ sở. Chất lượng KCB cũng ngày càng được nâng lên, nguồn thuốc bảo hiểm y tế, vật tư y tế đảm bảo ngay từ tuyến xã, góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Năm 2024, các đơn vị đã thực hiện tốt công tác KCB; đặc biệt quan tâm đến công tác KCB bảo hiểm y tế, KCB cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Tính đến cuối tháng 12-2024, toàn tỉnh có trên 2 triệu lượt bệnh nhân đến KCB tại các tuyến trên địa bàn tỉnh; trong đó, hơn 242 ngàn lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Các cơ sở KCB cơ bản đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ và kịp thời cho nhu cầu điều trị.

Trò chuyện cùng P.V, chị A Ngúi (làng Mrông Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) chia sẻ: Những năm gần đây, người dân có nhiều thuận lợi trong thăm khám sức khỏe. Trạm Y tế xã có bác sĩ, bà con mắc những chứng bệnh thông thường đều được bác sĩ tận tình thăm khám, thuốc men đầy đủ.

Trạm cũng vừa được đầu tư sửa chữa khang trang, sạch đẹp. Đối với bà con có thẻ bảo hiểm y tế khi thăm khám, cấp thuốc không tốn tiền. Không những thế, cán bộ y tế xã còn hướng dẫn cách phòng ngừa dịch bệnh.

Việc triển khai nhiều kỹ thuật y tế cao tại các bệnh viện tuyến tỉnh cũng giúp người dân thuận lợi trong thăm khám, điều trị bệnh. Bà Nguyễn Thị Loan (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) cho biết: “Tôi bị bệnh tim mạch và nhiều bệnh lý mãn tính khác.

Trước đây, tôi phải vào TP. Hồ Chí Minh khám và điều trị bệnh của mình. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai Khoa Tim mạch và can thiệp tim mạch giúp tôi nói riêng, người dân nói chung có thể KCB ngay tại chỗ, giảm thời gian đi lại và chi phí điều trị”.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân

Với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, những năm qua, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Thiếu tá-bác sĩ Nguyễn Viết Phương-Chủ nhiệm Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Quân y 15) thông tin: Trung bình 1 ngày, Khoa tiếp nhận khoảng 400-500 bệnh nhân. Khoa bố trí 10 phòng khám, mỗi phòng gồm 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng. Ngoài ra, Khoa bố trí nhân viên y tế tận tình hướng dẫn người dân khi đến KCB đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi.

22.jpg
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Như Nguyện

Chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật tuyến trung ương như: can thiệp động mạch vành, siêu âm tim, siêu âm tim gắng sức, đặt máy tạo nhịp, đo xơ vữa mạch máu, dùng tiêu sợi huyết trong nhồi máu não, hóa trị trong ung thư, nội soi can thiệp, phẫu thuật nội soi cắt tử cung, phẫu thuật nội soi tuyến giáp, phẫu thuật nội soi cắt dây thần kinh giao cảm ngực… đã được triển khai ngay tại tuyến tỉnh, không chỉ giúp người dân thuận lợi tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng mà còn giảm tình trạng chuyển tuyến.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Kế Toán-Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khẳng định: Với việc triển khai các kỹ thuật cao và can thiệp tim mạch ngay tại tuyến tỉnh và hầu hết các dịch vụ kỹ thuật đã được bảo hiểm y tế đồng chi trả đã giúp người dân, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được thăm khám, điều trị tại chỗ, giảm tình trạng chuyển tuyến và giảm tỷ lệ tử vong.

Đánh giá kết quả hoạt động năm 2024, các đơn vị của ngành Y tế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng KCB, hướng tới sự hài lòng của người dân; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; đảm bảo việc KCB cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế. Việc triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trong toàn hệ thống về công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Ngành Y tế đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến và nhận chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên, qua đó đảm bảo cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, có chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có gần 94% người dân tham gia bảo hiểm y tế, góp phần đảm bảo mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế, bao phủ sức khỏe toàn dân. Người dân thuận lợi khi tiếp cận các dịch vụ y tế; đặc biệt, gần 94% người dân tham gia bảo hiểm y tế được bảo vệ rủi ro tài chính khi ốm đau bệnh tật, được điều trị, chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn.

Có thể bạn quan tâm

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Việc kiêng cữ trong ăn uống với người mỡ máu cao không chỉ là giảm chất béo, thịt động vật mà cần xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, giảm lượng đường, tinh bột nhanh từ trái cây, các loại bánh ngọt, hạn chế bia rượu...

Gia Lai: Hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm

Gia Lai: Hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm

(GLO)- Ngày 18-12, tại TP. Pleiku, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Gia Lai tổ chức hội nghị hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm và triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh.

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cực hiếm, toàn cầu mới có 4 trường hợp

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cực hiếm, toàn cầu mới có 4 trường hợp

Ngày 14/12, tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật với chuyên đề “Nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị tai mũi họng” được Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM tổ chức, các bác sĩ đã chính thức công bố về 2 ca mắc bệnh cực hiếm vừa được ghi nhận tại Việt Nam, y văn thế giới mới chỉ có 4 trường hợp được báo cáo.