Để cơn mưa nằm yên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tôi thích cái tựa của tập sách “Và để cơn mưa nằm yên” quá đỗi. Độ này, cao nguyên đang vào hội. Ai nấy đều mong đợi những ngày hửng nắng để đưa nhau đi muôn nơi. Thế mà tôi lại ngồi giữa khoảng trống nho nhỏ của một buổi chiều, tạm lãng quên công việc còn dang dở chỉ để nhớ vu vơ về những cơn mưa.

Nếu là trước đây, tôi sẽ băn khoăn không ngừng chuyện tháng ngày. Ví như chưa qua hết tháng 10 đã nghĩ xem tháng 11 sắp đến sẽ bắt đầu như thế nào, có còn hanh hao đất trời và gợi buồn cho lòng người như năm cũ. Nhưng bây giờ, tôi không màng cân đo, đong đếm nữa. Khép lại một tờ lịch, biết ngày đã trôi. Biết là biết vậy thôi! Có điều, đã định viết chút gì đó về khúc giao mùa nhưng sao tôi cứ ngập ngừng mãi.

Trong nếp ngày vuông vức, tôi biết mình đánh rơi nhiều thứ. Người ta vẫn bảo “Có những thứ không trân trọng thì sẽ mất đi nhưng cũng có những thứ rất trân trọng mà không thể nào giữ được”. Như hàng cây luống tuổi bỗng ngày kia làm rơi chiếc lá. Và như tôi lúc này, cứ nghĩ mình vừa mất một cơn mưa.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Khi nền trời bảng lảng những áng mây trắng ngời, khi nắng ruộm lên đón cánh hoa dã quỳ chấp chới vàng bay trên đỉnh gió xa mờ thì mưa đã dần thưa vắng. Cũng có vài cơn kiên nhẫn ở lại, vương trên hoa cỏ lá cành, dẫu bao người đang tìm đường đến với mùa đông cao nguyên. Ở đó có tiết trời khô hanh, se mùi đất đỏ. Kỷ niệm về mưa cứ lạc lõng dần. Lễ lạt chộn rộn, mưa nắng ở xứ mình lại “rạch ròi” quá.

Trải qua cuộc mưa dầm đến nửa năm trời, khó trách được tâm trí con người hướng về phía nắng. Cuộc sống gấp gáp, những người biết sống cho hiện tại cũng ngày một nhiều thêm. Ít ai còn đủ thời giờ để tư lự điều quá vãng.

Mưa đã rơi miệt mài qua đồi dốc nhỏ, qua phố thị chênh chao và trong cả những đêm tôi loay hoay cất giấu điều mình muốn nói. Chỉ ít ngày nữa thôi, có đi khắp các con phố để ngóng tìm thì cũng không nhìn thấy mưa về qua. Như một ngày kia, chúng ta không thể tìm lại người thân đã mất trong hình hài chính họ.

Tôi vẫn sợ nhìn đời sống này hóa hư vô. Phải chăng chỉ có sự sống-cái ta nhìn thấy, nghe thấy mới là sự thật? Nhiều khi con người hay khổ lụy vì ý niệm đến-đi. Dù biết bản chất của cuộc đời là “không sinh, không diệt”. Chính tôi cũng có lúc mệt nhoài, cớ gì không để cơn mưa nằm yên. Cứ để chúng “ẩn tàng” và im lắng trong mây. Không hiện diện. Không hình hài. Không bất chợt. Rồi mùa tới, khi nhân duyên đủ đầy, trọn vẹn thì chúng ắt trở lại như thuở ban đầu.

Mưa sẽ còn rơi trong tâm tưởng của người ưa hoài niệm. Cuộc sống nhiệm mầu và đôi lúc con người phải nhìn rất sâu vào vạn vật để hiểu và bình thản hơn trước mọi đổi dời. Để bớt sợ hãi và lắng lo hơn. Nắng mới, mùi cà phê rang sẽ dậy nồng hương phố. Tôi lại lẫn vào đâu đó trong dòng người hối hả, đi tìm một chỗ ngồi vừa vặn với ngày lòng mình an tĩnh nhất. Hy vọng mặt trời hôm ấy không chói chang. Nghe quán cà phê mở bản nhạc Lofi nhẹ nhàng, biết đâu chừng tôi sẽ nhâm nhi 1 ly espresso rồi cắm cúi ghi vài điều gì đó chưa hoàn chỉnh vào cuốn tập, đánh dấu ngày tôi và cơn mưa đi vắng trong nhau. Chờ đợi một cơn mưa chắc không đáng sợ như chờ những điều vô vọng.

Luôn có niềm vui, nỗi buồn lấp ló sau cơn nắng đổ hay trận mưa rào. Dù kín đáo và lặng lẽ đến đâu thì mùa đông nơi tôi đang sống đã chạm ngõ trên những nhành hoa dại. Tiếng chiêng dậy từ bên kia núi, ấm dần những vòng xoang. Dấu chân người từ khắp chốn tựu về đây vừa lạ vừa quen. Tôi cố lắng nghe biết bao thanh âm của những ngày đang sống nhưng sâu thẳm vẫn đợi một tiếng mưa giọt xuống bờ vai nhỏ. Dạo này, tôi không dám nhìn thẳng vào mắt một ai, nhất là những đôi mắt hiền từ. Vì trong ấy, biết đâu còn vương lại một cơn mưa.

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn phố

Nồng nàn phố

(GLO)- Tiết trời đã bắt đầu chuyển sâu vào hạ. Những đợt nắng nóng nối nhau làm cho cả con người lẫn cỏ cây “khó ở”.
Phố khuya

Phố khuya

(GLO)- Thỉnh thoảng có việc ra ngoài, trở về nhà khi trời đã ngả dần về khuya, tôi thường chạy xe thật chậm. Dường như những lúc đó, luôn có một lý do níu tôi chậm lại để quan sát một đời sống khác, khi phố đã vào đêm.
Phố hoa

Phố hoa

(GLO)- Pleiku những ngày chớm hạ đủ sắc hoa rực rỡ, từ hoa dầu, hoa giấy đến bằng lăng, muồng hoàng yến, điệp vàng, phượng tím...
Hoàng hôn đâu phải để lụi tàn

Hoàng hôn đâu phải để lụi tàn

(GLO)- Đôi khi, lòng hay tự hỏi: hoàng hôn dành cho ai, cho người trẻ hay tuổi già? Có phải, hoàng hôn ẩn dụ cho những gì đang gói ghém đi về miền xa cuối? Nó bầu bạn với cô đơn và gợi nhắc cái lụi tàn.
Rau dớn

Rau dớn

(GLO)- Khi đi ngang qua hàng rau trong chợ, tôi đã dừng chân thật lâu trước những bó rau dớn xanh mướt, non mởn của bà con Jrai đem bán. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy món rau dân dã này. Bao kỷ niệm chợt ùa về trong tôi. Không trả giá, tôi nhanh chóng mua ngay vài bó mang về.

Mùa trâm chín

Mùa trâm chín

(GLO)- Thấy cô bạn chia sẻ hình ảnh những quả trâm chín đựng trong chiếc nón lá với dòng status “Tuổi thơ dữ dội”, lòng tôi trào dâng bao hoài niệm. Những quả trâm chín tím mọng kia chính là một phần của tuổi thơ tôi.
Những cái nắm tay

Những cái nắm tay

(GLO)- “Gặp nhau tay bắt mặt mừng” từ lâu đã thành câu cửa miệng khi nói về giao tiếp và ứng xử trong giao tiếp. Điều này thể hiện sự bặt thiệp của đôi bên.
Bát nước chè xanh

Bát nước chè xanh

(GLO)- Hồi trước, cư dân ở đồng bằng Bắc Bộ thường uống nước lá vối. Đây là thứ lá rất dễ trồng ở vườn nhà, nước vàng xanh có mùi tinh dầu thơm thoang thoảng.
Khúc giao mùa

Khúc giao mùa

(GLO)- Mấy hôm nay, phố núi Pleiku có dấu hiệu chuyển mùa đổi tiết. Bầu trời không xanh trong miên man như những tháng đầu mùa khô, dù mỗi buổi mai, nắng vẫn ửng vàng trên những vòm cây xanh sẫm.
Cô bán rau

Cô bán rau

Huệ bán rau ở phố này cũng đã hơn hai năm. Ấy vậy mà chẳng ai hỏi tên Huệ là gì. Nếu cần mua rau, người ta chỉ ới một câu trống không: "Này, rau"... là cô đã quay ngay lại rồi.
Trà my quyến rũ

Trà my quyến rũ

(GLO)- Năm ấy, người bạn là kỹ sư nông nghiệp đem đến nhà tặng tôi một cây trà my nhỏ xinh, được trồng trong chậu đất. Trân quý tình bạn, tôi đem cây trồng ở mảnh đất nhỏ trước hiên nhà.