Đầu xuân thăm “làng biệt thự” Dơk Rơng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày đầu xuân Quý Mão chúng tôi trở lại làng Dơk Rơng (xã Glar, huyện Đak Đoa), không khí xuân đang tràn ngập khắp làng. 

Con đường bê tông vào làng những ngày đầu xuân được người dân phát dọn sạch đẹp, trang hoàng từ trước Tết Nguyên đán, xen kẽ là những đường nội làng cũng được bê tông hóa thẳng tắp nhờ sự đóng góp ngày công, hiến đất và nguồn quỹ chung của người dân trong làng. Ấn tượng nhất ở Dơk Rơng ngoài những căn nhà được xây dựng kiên cố khang trang còn có những ngôi nhà xây dựng theo kiểu mái Thái có giá trị từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng do chính những người thợ xây trong làng thực hiện. Vì vậy, Dơk Rơng được người dân trong vùng gọi là làng “biệt thự”.

Những căn nhà mái Thái ở Dơk Rơng. Ảnh: Nguyễn Diệp.

Những căn nhà mái Thái ở Dơk Rơng. Ảnh: Nguyễn Diệp.

Một trong những niềm tự hào, khích lệ của người dân Dơk Rơng là sự cần cù, chịu khó và tình đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no. Đây là một trong những làng đạt chuẩn nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của xã Glar nhờ sự chung sức của người dân trong quá trình thực hiện.

Ông Thach (làng Dơk Rơng) phấn khởi cho biết: Gần 10 năm nay, ông cùng con trai hàng ngày đi các huyện Chư Sê, Đức Cơ, Mang Yang, Ia Grai… mua bán heo thịt và heo con giống cung cấp người dân trong và ngoài xã phát triển chăn nuôi. Cùng với đó, ông đầu tư chăm sóc 2 ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh, mấy sào lúa nước. Nhờ đó, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình từ 300-400 triệu đồng. Ông chia sẻ thêm: Vùng đất Dơk Rơng từ trước đến giờ người dân không bán đất và rẫy cà phê để xây nhà ở. Thay vào đó, bà con tích lũy vốn mua thêm đất rẫy ở các xã lân cận như Adơk, Trang, Hnol… trồng cà phê, lúa nước, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no. Căn nhà mái Thái này tôi xây dựng từ năm 2019, trị giá hơn 800 triệu đồng và thuê những người thợ trong làng thực hiện.

"Năm nay, bà con trong làng đón Tết vui vẻ, đêm giao thừa mọi người tập trung tại nhà sinh hoạt cộng đồng của làng để chào đón năm mới. Nhiều người trong làng còn đưa con cháu đến các điểm vui chơi giải trí ngoài trung tâm huyện Đak Đoa và TP. Pleiku để vui chơi thỏa thích sau một năm lao động vất vả”-ông Thach bộc bạch.

Căn nhà mái Thái của ông Thach xây dựng trị giá hơn 800 triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Diệp.

Căn nhà mái Thái của ông Thach xây dựng trị giá hơn 800 triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Diệp.

Thông tin từ cán bộ xã Glar, một trong những cách làm hay và sáng tạo ở làng Dơk Rơng là xây dựng nguồn quỹ chung của làng để thực hiện những sự kiện quan trọng như làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, nhà sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, nhờ các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhiều thanh niên trong làng đã có chứng chỉ nghề đáp ứng yêu cầu công việc. Từ đó, tạo nguồn thu nhập ổn định trong phát triển kinh tế gia đình.

Là một trong những người đầu tiên tham gia lớp đào tạo nghề lao động nông thôn, ông Rêt cho hay: Ông tham gia xây dựng nhà ở cho bà con trong làng từ nhiều năm nay. Khi nghe tin huyện mở lớp đào tạo nghề xây dựng được cấp chứng chỉ ông đã đăng ký tham gia khóa học. Đến nay, ông trở thành chủ thầu xây dựng trong làng cũng như các xã lân cận.

Ông Rêt tự tay xây dựng căn nhà mái Thái của mình. Ảnh: Nguyễn Diệp.

Ông Rêt tự tay xây dựng căn nhà mái Thái của mình. Ảnh: Nguyễn Diệp.

Làng Dơk Rơng hiện có hơn 223 hộ đồng bào dân tộc Bahnar sinh sống từ bao đời nay. Thống kê sơ bộ, làng hiện có khoảng 40 căn biệt thự xây theo kiểu nhà Thái có giá trị từ 700 triệu đến hơn 1 tỷ đồng, nhiều người trong làng thu nhập khá từ vài ba trăm triệu đến cả tỷ đồng/năm, trong thôn chỉ còn khoảng 20 hộ nghèo chủ yếu là người già neo đơn hoặc bệnh tật...

Trao đổi với P.V, ông Bùi Quang Thoại-Phó Chủ tịch UBND xã Glar-cho biết: Dơk Rơng là một trong những làng tiêu biểu của xã, bà con trong làng đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế. Đặc biệt, người dân trong làng tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề nông thôn để có chứng nhận hành nghề, chịu khó làm ăn phát triển kinh tế xây dựng cuộc sống ấm no.

Sức xuân ở làng Dơk Rơng. Ảnh: Nguyễn Diệp.

Sức xuân ở làng Dơk Rơng. Ảnh: Nguyễn Diệp.

Những ngày đầu xuân dạo quanh một vòng ở làng Dơk Rơng mới thấy được sự khởi sắc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số với những căn nhà mái Thái xuất hiện ngày càng nhiều không còn là điều mới mẻ, hiếm gặp ở Dơk Rơng.

Có thể bạn quan tâm

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.