Đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 6 quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH). Thời gian tới, Chính phủ sẽ dành một gói tín dụng ưu đãi để phát triển CNVH.

Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ xác định ngành CNVH ở nước ta bao gồm các lĩnh vực: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa. Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng đất nước.

Các ngành nghề thủ công truyền thống là thế mạnh để Gia Lai phát triển thành sản phẩm dịch vụ trong ngành công nghiệp văn hóa. Ảnh: M.C
Các ngành nghề thủ công truyền thống là thế mạnh để Gia Lai phát triển thành sản phẩm dịch vụ trong ngành công nghiệp văn hóa. Ảnh: M.C

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành CNVH mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Đây là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành CNVH Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh 6 quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về phát triển CNVH trong thời gian tới.

Trong đó, phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Công nghiệp văn hóa phải được tiếp cận bình đẳng về chính sách đất đai, thuế, tín dụng và các ưu đãi khác, phát triển có trọng tâm, trọng điểm gắn liền với phát triển du lịch. Đặc biệt, các sản phẩm dịch vụ phải đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh bền vững trên nền tảng dân tộc, khoa học, đại chúng; từng bước tạo dựng thương hiệu mang tầm quốc gia, quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian tới, Chính phủ sẽ dành một gói tín dựng ưu đãi để phát triển CNVH.

Với Gia Lai, thực tế cho thấy, CNVH vẫn là nhóm ngành mới và còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện. Nhiều năm qua, thế mạnh của tỉnh chính là du lịch văn hóa, minh chứng bằng những con số tăng trưởng. Doanh thu từ du lịch tăng từ 417,38 tỷ đồng năm 2018 lên 790 tỷ đồng năm 2023. Ngành du lịch với thế mạnh khám phá thiên nhiên kết hợp tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa các dân tộc bản địa là thế mạnh, thu hút khoảng 1,2 triệu lượt khách trong năm 2023 và đặt mục tiêu đón 1,3 triệu lượt trong năm 2024, doanh thu đạt 860 tỷ đồng.

Là “vùng đất cổ xưa của loài người”, Gia Lai đã định vị thế mạnh với các sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, đồng thời tập trung nguồn lực trên tinh thần “dựa vào di sản để biến thành tài sản”. Trong bối cảnh hiện nay, ngành “công nghiệp không khói” còn hướng đến khai thác loại hình du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình OCOP.

Là đơn vị tiên phong trong khai thác du lịch kết hợp nông nghiệp của tỉnh, ông Nguyễn Chất Sâm-Chủ Farmstay Sâm Phát Ialy (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) cho biết: “Chúng tôi kinh doanh du lịch dựa trên 3 lợi thế lớn, đó là di sản văn hóa cồng chiêng, thế mạnh về nông nghiệp và cảnh quan thiên nhiên. Các dịch vụ của chúng tôi hầu như không tách rời với các di sản hiện hữu. Cùng với cồng chiêng phục vụ khách trên bờ, sắp tới, tôi còn muốn “đưa cồng chiêng lên mặt nước” thông qua kết nối với Kon Tum qua đường thủy là sông Sê San. Song để mở rộng được các loại hình dịch vụ này, chúng tôi rất cần tỉnh tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, rót vốn thực hiện”.

Nói về hướng phát triển này, Chủ Farmstay Sâm Phát Ialy cho biết, trình diễn cồng chiêng, xoang đang tạo ra những trải nghiệm mới lạ, góp phần “làm giàu” cảm xúc cho du khách.

Du lịch văn hóa là thế mạnh của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc

Du lịch văn hóa là thế mạnh của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc

Phát triển du lịch văn hóa còn rộng đường để kéo theo các lĩnh vực khác phát triển như nghệ thuật biểu diễn, ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Hai năm qua, thành công từ chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” diễn ra tối thứ bảy hàng tuần tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) đã minh chứng cho sức hút của loại hình nghệ thuật biểu diễn gắn với phát triển du lịch. Hay chương trình “Sắc màu văn hóa Gia Lai-Bảo tồn và phát triển” triển khai từ đầu tháng 10-2023 cũng tạo hiệu ứng tương tự khi mang đến không gian nghệ thuật đặc sắc gắn với cồng chiêng.

Từ thế mạnh về văn hóa, Gia Lai hoàn toàn có thể nghĩ đến câu chuyện xuất khẩu văn hóa. Vài năm trở lại đây, một số cá nhân, nhóm nghệ nhân mang văn hóa đi giới thiệu và quảng bá rất thành công thông qua các sự kiện. Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih là người tham gia “xuất khẩu văn hóa” hàng đầu của tỉnh. Anh đã nhiều lần được mời sang các nước như Úc (3 lần), Phần Lan, Anh, Campuchia, Ireland và Nhật Bản biểu diễn, giới thiệu âm nhạc dân tộc, bản sắc văn hóa Jrai ra thế giới. Các nhạc cụ truyền thống từ tre nứa do anh chế tác cũng “từ làng ra thế giới” thông qua nhiều kênh khác nhau. Trong năm 2023, 14 nghệ nhân Jrai đã có chuyến biểu diễn vô cùng thành công tại lễ hội Âm thanh thế giới Jeonju Hàn Quốc.

Từ những sự kiện đó cho thấy, xác định đúng thế mạnh, Gia Lai có thể tập trung nguồn lực đầu tư để biến thành những sản phẩm dịch vụ mang bản sắc, độc đáo để cạnh tranh lành mạnh trong ngành CNVH. Nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm (tỉnh Lâm Đồng) kể: “Tôi có cơ may được làm cầu nối văn hóa Tây Nguyên đến với bạn bè thế giới. Trong một lần tiếp đoàn khách mời quốc tế tại TP. Đà Lạt, tôi đã mời 2 nghệ nhân Jrai của tỉnh Gia Lai trình diễn các tiết mục dân gian. Họ đã khiến khách mời là giới tinh hoa về văn hóa thế giới phải trầm trồ. Gia Lai có một nền nghệ thuật độc đáo, những “báu vật nhân văn sống” đầy đam mê và tâm huyết với văn hóa dân tộc, đó là tài sản rất quý mà các bạn cần gìn giữ và phát huy”.

Theo xu thế chung, tỉnh Gia Lai đã đề ra những giải pháp xây dựng ngành CNVH, bổ sung, hoàn thiện chính sách, cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa; nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Kỳ họp thứ 21 (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Nhà hát, Trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và Thư viện tổng hợp tỉnh. Dự án có tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, thời gian triển khai từ năm 2022 đến 2024. Quy mô nhà hát dự kiến 1.000 chỗ ngồi. Các phòng chức năng, phòng phụ trợ… được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9369:2012. Công trình còn tích hợp các hạng mục thư viện tỉnh, không gian trưng bày triển lãm... kỳ vọng là địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa-nghệ thuật của tỉnh, tạo điều kiện để người dân trên địa bàn được tiếp cận các sản phẩm văn hóa chất lượng cao.

Một số chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa của Gia Lai bước đầu thực hiện như dự án phát triển kinh tế đêm, mô hình phố ẩm thực, phố đi bộ… Tuy nhiên, tốc độ triển khai thực hiện các dự án còn chậm, mặt khác vẫn gặp vướng mắc giải tỏa mặt bằng, thu hút đầu tư... dẫn đến hiệu quả mang lại chưa được như mong đợi.

Xây dựng nền CNVH phát triển là mục tiêu Gia Lai đang hướng tới. Nhưng để làm được điều đó cần những giải pháp mang tính bứt phá, vững chắc cho sự nghiệp văn hóa của địa phương nói riêng và cho nền kinh tế của tỉnh nói chung.

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.