Dân làng Tul Đoa mừng lúa mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi lúa về đầy kho, người Bahnar ở làng Tul Đoa (xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tổ chức lễ tạ ơn các vị thần đã ban cho dân làng vụ mùa bội thu. Đây là một trong những nghi lễ nông nghiệp quan trọng nhất đã song hành cùng đời sống văn hóa tinh thần của cư dân bản địa Tây Nguyên bao đời nay.

Mừng lúa mới

Sau một thời gian dài gián đoạn, mới đây, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa phối hợp với UBND xã Đak Sơ Mei phục dựng lễ mừng lúa mới của người Bahnar tại làng Tul Đoa. Từ sáng sớm, người dân đã tập trung tại nhà rông cùng nhau làm thịt heo, gà, đem những ghè rượu ngon nhất chuẩn bị cho lễ trọng. Những bông lúa mới được tuốt bằng tay, rang sơ trên bếp củi rồi được cho vào cối giã làm cốm để dâng lên các vị thần, sau đó mời khách quý.

 Các già làng tạ làm lễ cúng tạ on thần linh đã cho dân làng một vụ mùa bội thu, thóc lúa về đầy kho. Ảnh: Minh Châu
Các già làng làm lễ cúng tạ ơn thần linh đã cho dân làng một vụ mùa bội thu, thóc lúa về đầy kho. Ảnh: Minh Châu


Trong tiếng chiêng, tiếng trống vang rền, hội đồng già làng và những người có uy tín quây quần bên những lễ vật bày biện dưới cây nêu trước sân nhà rông, trang trọng hành lễ. Sau nghi lễ cổ xưa, già làng Nghir thay mặt cho cộng đồng hướng về phía mặt trời cất giọng: “Ơi Yàng ơi! Hôm nay, dân làng chúng tôi tổ chức lễ cúng lúa mới tạ ơn Yàng, hãy về cùng chung vui, ăn uống cùng bà con. Cầu mong các vị thần đang trông coi nước giọt, thần núi, thần sông phù hộ cho dân làng chúng tôi đuổi đi Yàng xấu; mang mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu về cho mọi nhà; cầu xin một năm mới mạnh khỏe, ấm no, hạnh phúc cho dân làng và con cháu chúng tôi”.

Ông Đinh Nhiếp-người có uy tín ở làng Tul Đoa-cho biết: Lễ ăn lúa mới là truyền thống lâu đời, được trao truyền qua các thế hệ người Bahnar. Trước đây, vì chiến tranh và nhiều lý do khác nên nghi lễ này không được duy trì. “Nay được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để bà con tổ chức lại lễ mừng lúa mới, dân làng rất phấn khởi. Năm nay, lúa, cà phê đều trúng mùa, kho lúa nào cũng đầy, nhà nào cũng ấm no nên dân làng vui mừng ăn lúa mới và để tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng một vụ mùa no ấm. Ngày trước, lễ thường tổ chức trong phạm vi gia đình, nhà nào thu hoạch lúa xong thì cúng ở nhà nấy. Nhưng nay, người làng chung vui, tập trung cúng 1 ngày, quây quần đánh chiêng, múa, hát, uống rượu cần, đông vui lắm. Sáng sớm, khi nghe chiêng trống thúc giục, mình thấy xúc động, như được tiếp thêm sức mạnh”-ông Nhiếp chia sẻ.

Mừng lúa mới là dịp để dân làng thể hiện lòng thành kính đối với thần linh, đồng thời, thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa các thành viên, tạo nên sức mạnh của cộng đồng. Truyền thống văn hóa này đã ăn sâu vào lối sống, định hình nên cá tính của mỗi cá nhân, dân tộc. Dù bị gián đoạn nhưng nguồn mạch ấy vẫn như dòng nước trong lành nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người. Ông Y Ghê-thành viên đội chiêng làng Tul Đoa-cho biết: “Mỗi mùa trong năm, người Bahnar đều có lễ hội đặc trưng. Mừng lúa mới là nghi lễ quan trọng nhất vì gắn bó ngàn đời nay với cư dân nông nghiệp. Khi Nhà nước có chủ trương phục dựng nghi lễ này, bà con rất vui mừng. Bây giờ, đang vào mùa màng thu hái, ai ai cũng bận rộn nhưng vẫn dành thời gian tập luyện đánh chiêng, chuẩn bị cơm lam, rượu cần từ nhiều ngày nay. Nhờ hội đồng già làng, dân làng mới biết đầy đủ các nghi lễ truyền thống này. Chúng tôi sẽ duy trì lễ hội này để con cháu biết về văn hóa truyền thống của ông bà mình”.

Dựa vào văn hóa

Việc phục dựng các nghi thức, nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số được huyện Đak Đoa tổ chức hàng năm. Trước đó, huyện tổ chức phục dựng lễ cúng giọt nước của người Jrai ở làng Bông, xã Hà Bầu. Theo bà Đặng Thị Hoài-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện, hàng năm, huyện Đak Đoa luôn dành kinh phí để phục dựng các lễ hội của người Jrai, Bahnar. Huyện còn thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, khôi phục nghề truyền thống để thực hiện mục tiêu vừa khôi phục, bảo vệ các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Người dân làng Tul Đoa biểu diễn cồng chiêng trong lễ mừng lúa mới. Ảnh: Minh Châu
Người dân làng Tul Đoa biểu diễn cồng chiêng trong lễ mừng lúa mới. Ảnh: Minh Châu


Huyện Đak Đoa có trên 130 ngàn dân, trong đó có 57% là đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện có tới 34 dân tộc anh em nhưng người Bahnar, Jrai chiếm số đông. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Thọ khẳng định: “Văn hóa người Bahnar, Jrai đã hun đúc lâu đời, tạo nên di sản độc đáo. Bản sắc văn hóa là niềm tin cổ vũ con người vượt qua khó khăn, đạt được thành tựu trong chiến đấu, lao động sản xuất. Mừng lúa mới là một trong những lễ hội lớn của người Bahnar nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung để tổng kết thành quả lao động trong năm, đồng thời tạ ơn thần linh, trời đất hỗ trợ con người. Truyền thống này củng cố thêm niềm tin của con người trong cuộc sống, đó là có lao động thì sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Phát triển văn hóa tạo tiền đề phát triển du lịch cũng chính là quan điểm của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: Tây Nguyên sẽ phát triển vùng nông nghiệp tuần hoàn, kết hợp dịch vụ du lịch. Mà muốn khai thác du lịch thì phải khai thác, dựa vào các giá trị văn hóa”.
 

MINH CHÂU
 

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.