Đak Pơ: Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân huyện Đak Pơ tích cực vận động hội viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả. Nhờ đó, đến nay, đời sống hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc.

Ông Nguyễn Văn Huệ (tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ) trước đây là Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thành. Năm 2003, do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, ông xin nghỉ công tác để tập trung phát triển kinh tế. Với 2,5 ha đất sẵn có, ông đầu tư trồng mía, mì. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, ông nhận thấy, nếu cứ trông chờ vào cây mía, cây mì thì kinh tế gia đình khó mà phát triển được.

 

Nhiều nông dân ở huyện Đak Pơ đã vươn lên làm giàu nhờ đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt có hiệu quả. Ảnh: N.H
Nhiều nông dân ở huyện Đak Pơ đã vươn lên làm giàu nhờ đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt có hiệu quả. Ảnh: N.H

Sau nhiều lần tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây ăn quả do Hội Nông dân các cấp tổ chức và học hỏi thêm kiến thức từ sách báo, năm 2013, ông rủ thêm vài nông dân nữa vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả. Trở về, ông quyết định phá bỏ toàn bộ diện tích mía của gia đình rồi bắt tay trồng 6 sào gấc, 1 ha khoai môn sáp. Dưới giàn gấc, ông trồng xen 3 sào đinh lăng. Ngoài ra, ông còn trồng 4 sào cỏ để nuôi 4 con bò lai sinh sản; đào 2 ao để nuôi cá; trồng 1 ha bạch đàn, 100 gốc mít hột lép, 80 gốc dừa xiêm lùn. Nhờ đa canh, lấy cây nọ nuôi cây kia, mấy năm nay, gia đình ông Huệ đã có nguồn thu nhập khá ổn định. Không chỉ làm giàu cho mình, ông Huệ còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân quanh vùng; động viên bà con tích cực lao động sản xuất, phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương.

Cũng giống như trường hợp ông Huệ, nhiều năm về trước, khi mới từ Vĩnh Phúc vào Đak Pơ lập nghiệp, gia đình anh Nguyễn Văn Huân là một trong những hộ nghèo của thôn 4, xã An Thành. Được Hội Nông dân các cấp quan tâm, tạo điều kiện về vốn vay và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, năm 2013, anh mạnh dạn đầu tư trồng 400 gốc thanh long ruột đỏ và 180 trụ hồ tiêu. Đến nay, diện tích thanh long của anh đã cho thu hoạch năm thứ 3; hồ tiêu cũng bắt đầu cho thu bói. Năm 2017, anh thu về 90 triệu đồng từ vườn thanh long. Có vốn, anh đầu tư trồng thêm 150 gốc bơ booth, 300 gốc mãng cầu gai và 150 gốc nhãn lồng.

Nhờ cần cù lao động, lại được các cấp Hội Nông dân hỗ trợ về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật, thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Đak Pơ cũng đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Ông Nguyễn Văn Quý-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đak Pơ, cho biết: Hội Nông dân huyện có gần 7.323 hội viên ở 8 xã, thị trấn. Những năm qua, Hội Nông dân huyện đã tích cực nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả; triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ hội viên xóa đói giảm nghèo; thực hiện tốt các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”... Trong 5 năm (2012-2017), Hội Nông dân huyện đã tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 7.215 lượt hội viên; hỗ trợ 2.285 hội viên vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với tổng dư nợ trên 72,8 tỷ đồng... Nhờ sự hỗ trợ kịp thời, đúng đắn đó, đến nay, đời sống của hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc. Trong 5 năm đã có 1.460 hộ hội viên nông dân thoát nghèo.

“Hội Nông dân huyện Đak Pơ luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Để thực hiện tốt phong trào này, Hội sẽ tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế hộ gia đình để vươn lên thoát nghèo và làm giàu; đồng thời phối hợp với các ban ngành, các nhà khoa học, doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế”-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đak Pơ khẳng định.

Nguyễn Hiền

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.