Đak Đoa tạo điều kiện cho người lao động làm việc ở nước ngoài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở địa phương.

Thu nhập cao nhờ xuất khẩu lao động

Những năm qua, xã Glar thực hiện tốt công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Toàn xã hiện có hơn 3.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó, tỷ lệ lao động có việc làm chiếm hơn 90%.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Giang H’ Huom, chính quyền địa phương xác định công tác xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp tạo việc làm hiệu quả với mức thu nhập cao góp phần giảm nghèo bền vững, thay đổi tư duy, trình độ sản xuất của người lao động. Do đó, xã phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các chương trình, kế hoạch, đặc biệt là tổ chức hội nghị đối thoại với người dân về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xuất khẩu lao động.

Từ năm 2021 đến tháng 8-2024, xã Glar có 6 lao động là người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Khi kết thúc hợp đồng, phần lớn các lao động đều tích lũy từ 400 triệu đồng đến hàng tỷ đồng để làm vốn phát triển kinh tế gia đình.

Trước đây, gia đình anh Hlê (làng A Dơk Kông) thuộc diện hộ khó khăn. Tháng 4-2023, anh Hlê đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Trong quá trình làm việc, anh đã tiết kiệm chi tiêu, gửi tiền về cho vợ để trang trải nợ nần, mua đất sản xuất. Đến cuối năm 2023, gia đình anh đã thoát nghèo.

Cán bộ huyện Đak Đoa trao đổi về phương pháp tuyên truyền, vận động người dân đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: Đ.Y

Cán bộ huyện Đak Đoa trao đổi về phương pháp tuyên truyền, vận động người dân đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: Đ.Y

Còn tại xã Đak Krong, từ năm 2021 đến tháng 7-2024, địa phương có 8 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đa số lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản và đều có thu nhập ổn định.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho hay: Từ năm 2021 đến tháng 7-2024, toàn huyện có 139 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 6 lao lao động là người dân tộc thiểu số.

Để có được kết quả này, huyện đã đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu cơ hội làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người lao động và thân nhân người lao động. Từ năm 2021 đến nay, huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 92 buổi tư vấn, phiên giao dịch việc làm, 2 hội chợ việc làm thu hút hơn 11.000 lượt người lao động tham gia, trong đó có gần 1.000 lao động được phỏng vấn và có việc làm trong nước hoặc xuất khẩu lao động.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động

Huyện Đak Đoa có 72.342 người trong độ tuổi lao động. Ông Đinh Ơng-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Hàng năm, UBND huyện đưa tiêu chí đào tạo nghề, giải quyết việc làm và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gắn với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để các xã, thị trấn phấn đấu thực hiện. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa, tỷ lệ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng so với số lao động hiện có trên địa bàn còn ít. Nguyên nhân do công tác tuyên truyền, vận động chưa đạt hiệu quả cao. Lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phần lớn là người Kinh.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ chi phí cho lao động thuộc diện chính sách như người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo… nhưng đến nay chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ đối với các khoản phí học tiếng, giáo dục định hướng, chi phí xuất cảnh để nộp về cho Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện làm chứng từ thanh toán.

Để tiếp tục thực hiện chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Thời gian tới, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện tốt hơn để người dân được vay vốn đi xuất khẩu lao động mà không phải thế chấp tài sản. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có nhu cầu vay vốn về thủ tục, thời gian.

Người dân có đủ điều kiện xuất khẩu lao động sẽ được giải ngân vốn, hỗ trợ chi phí trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo Thông tư số 55/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15-8-2023 quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Có thể bạn quan tâm