Đak Đoa tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số xuất khẩu lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đặc biệt quan tâm đến công tác đưa lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là giải pháp quan trọng để huyện thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tạo cơ hội việc làm

Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ring Rai (xã Hà Bầu), ông Nghênh là người đi đầu trong việc cho con em mình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

“Từ trước đến nay, người dân làng Ring Rai vẫn chưa biết nhiều về việc xuất khẩu lao động sang các nước khác. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và định hướng, gia đình tôi đã quyết định cho con trai xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.

Hiện nay, công việc của cháu đã ổn định nên mỗi tháng gửi về hỗ trợ cho gia đình trên 16 triệu đồng. Cuộc sống gia đình tôi vì thế cũng ổn định hơn. Là cán bộ của làng, mình gương mẫu đi đầu để tạo niềm tin cho bà con trong việc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”-ông Nghênh chia sẻ.

dak-doa-tao-co-hoi-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-xuat-khau-lao-dong-bg.jpg
Anh Luy-Bí thư Đoàn xã Ia Pết tuyên truyền cho thanh niên về những chính sách hỗ trợ akhi đăng ký đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng. Ảnh: M.K

Xã Hà Bầu là địa phương luôn chú trọng đến công tác tư vấn, hướng nghiệp để lao động người DTTS mạnh dạn đăng ký đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Dương Thị Kim Quy cho hay: Từ năm 2022 đến nay, xã đã tư vấn cho 7 trường hợp đi xuất khẩu lao động (trong đó có 2 trường hợp đang chờ làm thủ tục xuất cảnh).

Ngoài ra, xã thường xuyên tuyên truyền, tư vấn về việc đưa lao động người DTTS đi làm việc ở nước ngoài nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và người lao động về cơ hội tìm kiếm việc làm.

“Để giúp lao động khu vực nông thôn hiểu rõ hơn về vấn đề đi xuất khẩu lao động, chúng tôi đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với các đối tượng nông dân, phụ nữ, thanh niên nông thôn... Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở địa phương”-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Bầu cho biết thêm.

Từ năm 2021 đến nay, xã Glar có 6 lao động là người DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Anh Hlê (làng Adơk Kông) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, tháng 4-2023, tôi đăng ký đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.

Tôi đã tiết kiệm chi tiêu, gửi tiền về cho gia đình mua đất sản xuất. Cuối năm 2023, gia đình tôi đã thoát nghèo, có vốn tích lũy để phát triển kinh tế”.

Bà Giang H’Huom-Phó Chủ tịch UBND xã Glar-cho biết: “Xã đã phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các chương trình, kế hoạch, đặc biệt là tổ chức hội nghị đối thoại với người dân về các chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác xuất khẩu lao động. Chúng tôi xem đây là một trong những giải pháp tạo việc làm hiệu quả với mức thu nhập cao, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương”.

Thay đổi tư duy cho người DTTS

Xã Đak Sơ Mei có trên 86% dân số là người DTTS. Do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, đời sống khó khăn nên công tác đưa lao động người DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của xã gặp không ít khó khăn.

Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng thì nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo muốn đi xuất khẩu lao động nhưng không có chi phí ban đầu để học định hướng, khám sức khỏe; nhiều hộ gia đình và người lao động còn tâm lý không muốn đi xa làm việc, ngại tiếp cận những điều kiện mới…

2mk.jpg
Ông Nghênh (bìa phải)-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ring Rai (xã Hà Bầu) vận động người dân đăng ký đi xuất khẩu lạo động. Ảnh: M.K

Ông A Điều-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đê Gôh (xã Đak Sơ Mei) trăn trở: Đưa lao động người DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Công tác này đã được địa phương đẩy mạnh triển khai nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, bà con trong làng vẫn còn e dè trong công tác này nên đến hiện tại chưa có lao động nào đăng ký đi xuất khẩu lao động. Chúng tôi đang nỗ lực tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy của người dân.

Thông qua sự định hướng, quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, hy vọng thời gian tới, người dân sẽ thay đổi nhận thức để mạnh dạn đăng ký đi xuất khẩu lao động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xã Ia Pết có 7 làng đồng bào DTTS. Tỷ lệ người DTTS của xã chiếm 89% dân số. Theo anh Luy-Bí thư Đoàn xã Ia Pết: Lực lượng lao động của xã phần lớn trong độ tuổi thanh niên với trên 1.700 người (chiếm 45,4%). Người lao động đặc biệt là lao động người DTTS chưa quen với thời gian làm việc xa gia đình, đặc biệt là đi làm việc ở nước ngoài thời gian 3 năm nên số lao động là người DTTS đi xuất khẩu lao động còn thấp.

Để thay đổi tư duy cho lao động người DTTS, những năm qua, cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, làng đã vào cuộc trong công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho người DTTS, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động.

Từ năm 2021 đến tháng 7-2024, huyện Đak Đoa có 139 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 6 lao lao động là người DTTS. Cũng trong thời gian này, huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 92 buổi tư vấn, phiên giao dịch việc làm, 2 hội chợ việc làm thu hút hơn 11.000 lượt người lao động tham gia. Qua đó, gần 1.000 lao động được phỏng vấn và có việc làm trong nước hoặc xuất khẩu lao động.

Để đẩy mạnh công tác này, hàng năm, huyện giao chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để các xã, thị trấn triển khai thực hiện; xem đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Cùng với đó, ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, phối hợp tổ chức tư vấn, tuyển chọn lao động phù hợp với trình độ, năng lực của người lao động…

Phó Chủ tịch UBND huyện Đinh Ơng thông tin: Hàng năm, UBND huyện đưa tiêu chí đào tạo nghề, giải quyết việc làm và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gắn với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để các xã, thị trấn phấn đấu thực hiện. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa, tỷ lệ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng so với số lao động hiện có trên địa bàn còn thấp. Lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phần lớn là người Kinh.

Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của người DTTS còn nhiều hạn chế, chưa thay đổi tư duy lao động sản xuất; lao động người DTTS khó tiếp cận các nguồn vốn vay…

Để tiếp tục thực hiện chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt hiệu quả, huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có nhu cầu vay vốn về thủ tục, thời gian; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách, quyền lợi của người lao động khi đi xuất khẩu lao động.

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.