Nhiều người dân Đức Cơ đổi đời nhờ xuất khẩu lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, công tác xuất khẩu lao động ở huyện Đức Cơ (tỉnh GIa Lai) có nhiều khởi sắc. Nhiều hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đổi đời nhờ làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Làng Bua là một trong những làng khó khăn nhất của xã Ia Pnôn. Đất sản xuất ít nên hầu hết bà con nông dân trong làng quanh năm đi làm thuê làm mướn, thu nhập thấp và không ổn định. Gia đình anh Siu Thương cũng không ngoại lệ. Năm 2000, được chính quyền tuyên truyền, vận động, anh là người đầu tiên trong làng mạnh dạn đăng ký đi xuất khẩu lao động.

1-bg-me-con-chi-ro-lan-hyel-co-chong-la-siu-thuong-lang-bua-xa-ia-pnon-di-xkld-o-dai-loan-ve-lam-nha-o-khang-trang-anh-dinh-yen.jpg
Nhờ chồng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, gia đình chị Rơ Lan Hyel (làng Bua, xã Ia Pnôn) đã có tiền để xây dựng căn nhà khang trang. Ảnh: Đ.Y

Chị Rơ Lan Hyel-vợ anh Siu Thương-phấn khởi cho hay: Chồng chị đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, làm trong lĩnh vực xây dựng, mức thu nhập khoảng 25-27 triệu đồng/tháng. Sau 3 năm, chồng chị đã tích lũy được hơn 500 triệu đồng. Sau khi hoàn trả ngân hàng số tiền vay để làm chi phí đi xuất khẩu lao động, gia đình còn xây dựng được căn nhà trị giá 375 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ việc đi xuất khẩu lao động, năm 2024, chồng chị tiếp tục quay trở lại làm việc tại Đài Loan.

“Hiện tại, chồng mình vẫn làm trong lĩnh vực xây dựng, nhưng mức lương cao hơn, được 30 triệu đồng/tháng. Chồng mình bảo mỗi tháng gửi về 5 triệu đồng dùng cho sinh hoạt hàng ngày của mấy mẹ con, số tiền còn lại thì để dành mua đất sản xuất”-chị Hyel bộc bạch.

Tương tự, anh Ksor Đạt (cùng làng) và con trai là Siu Đan cũng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Chị Siu Phới-vợ anh Đạt-cho hay: “Đầu năm 2024, chồng và con trai đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng tại Đài Loan. Chi phí đi làm ở Đài Loan của 2 cha con hết gần 300 triệu đồng được ngân hàng cho vay. Mỗi tháng, 2 cha con gửi về cho mình gần 60 triệu đồng để trả tiền vay ngân hàng. Với thời hạn làm việc 3 năm ở Đài Loan, 2 cha con quyết tâm để có tiền mua đất sản xuất và làm lại nhà ở”.

Ông Phan Ngọc Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn-cho biết: Toàn xã hiện có 34 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu là nam giới trong độ tuổi thanh niên. Các thị trường được lựa chọn là Đài Loan, Nhật Bản… với mức thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng/lao động. Riêng năm 2024, xã có 10 người đi xuất khẩu lao động. Nhiều người sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động đã về nước và đăng ký đi tiếp lần thứ hai.

2-phong-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-huyen-duc-co-tich-cuc-tuyen-truyen-thanh-nien-di-xkld-qua-phien-giao-dich-viec-lam-anh-dinh-yen.jpg
Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ tích cực tuyên truyền thanh niên đi xuất khẩu lao động qua phiên giao dịch việc làm. Ảnh: Đinh Yến

“Xã xác định xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Vì thế, xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xuất khẩu lao động. Đồng thời, xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu đi xuất khẩu lao động; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng pháp luật. Nhờ đó, Ia Pnôn là xã có nhiều người đi xuất khẩu lao động nhất huyện”-ông Tuấn nói.

Đồng hành với lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian qua phải kể đến Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế ONEKEY VINA (trụ sở chính ở Hà Nội). Ông Bùi Văn Vượng-Phó Tổng Giám đốc Công ty-thông tin: Công ty chủ yếu đưa lao động đi làm việc theo hợp đồng tại Đài Loan, Nhật Bản… Tại huyện Đức Cơ, các xã có số thanh niên đi xuất khẩu lao động nhiều nhất là Ia Pnôn, Ia Kriêng và Ia Kla. “Công ty luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động làm thủ tục, hồ sơ, visa, học giáo dục định hướng và hỗ trợ vay vốn để chi phí trước khi đi. Với điều kiện thuận lợi nên thanh niên dân tộc thiểu số ở huyện Đức Cơ rất tự tin, mạnh dạn đăng ký đi làm việc ở nước ngoài”-ông Vượng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Đình Tiến-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, xuất khẩu lao động là hướng đi triển vọng, hiệu quả đối với người trong độ tuổi lao động. Sau thời gian lao động ở nước ngoài, người lao động có tiền tích lũy để từ đó thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

“Từ đầu năm đến nay, huyện đã giới thiệu 6 doanh nghiệp tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tuyên truyền cho người lao động tại địa phương đi làm việc ở nước ngoài. Kết quả, có 23 người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc”-ông Tiến cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

(GLO)- Mất đi ánh sáng, người khiếm thị gặp vô vàn khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều người khiếm thị ở Gia Lai đã vượt qua nghịch cảnh, học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp, chăm lo cho bản thân và vui sống mỗi ngày.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm tặng quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.T

Để tất cả người lao động đều có Tết

(GLO)- Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Với mục tiêu tất cả đoàn viên, người lao động (NLĐ) đều có điều kiện đón Tết, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang tích cực triển khai kế hoạch chi trả lương, thưởng và tặng quà Tết.

Thước đo sự hài lòng

Thước đo sự hài lòng

UBND tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức công bố chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, qua đó cho thấy nhiều cơ quan trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực cải cách chỉ số năng lực cạnh tranh để phục vụ người dân.