Đại gia rủ nhau ra vỉa hè, đẩy xe bán cà phê, trà sữa giành thị trường tỷ USD

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Highlands Coffee, Passio, King Coffee, Ông Bầu hay mới nhất là Kido, Phúc Long… cũng đồng loạt rủ nhau "xuống đường", mở ki ốt, xe đẩy để bán cà phê, trà sữa.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn nhảy vào kinh doanh chuỗi cà phê. Đi sau, các đại gia đều tham vọng trở thành người dẫn đầu về độ phủ và đưa ra một mô hình mới, bình dân hơn, đó là xuống đường mở ki ốt, xe đẩy bán cà phê, trà sữa.

Đại gia rủ nhau làm xe đẩy, ki ốt bán cà phê, trà sữa

Đại gia mới nhất nhảy vào "cuộc chiến" cà phê chuỗi tại Việt Nam là Kido do ông Trần Lệ Nguyên làm Chủ tịch HĐQT. Theo tiết lộ mới nhất của Kido hôm 7/6, thương hiệu mới Chuk Chuk của doanh nghiệp sẽ hoạt động chính trong mảng F&B, gồm hệ thống cửa hàng, xe đẩy và ki ốt bán cà phê, trà sữa, kem.

Ngay trong tháng 6 này và tháng 7, dù tình hình dịch Covid-19 trong nước vẫn đang rất phức tạp, nhưng Kido cho biết cửa hàng đầu tiên và hệ thống ki ốt, xe đẩy dự kiến vẫn sẽ ra mắt.


 

 Cà phê Ông Bầu đang đẩy mạnh mô hình ki ốt và xe đẩy để hướng đến mục tiêu 10.000 điểm bán. Ảnh: Hồng Phúc.
Cà phê Ông Bầu đang đẩy mạnh mô hình ki ốt và xe đẩy để hướng đến mục tiêu 10.000 điểm bán. Ảnh: Hồng Phúc.


Hệ thống điểm bán ki ốt và xe đẩy là điểm đáng chú ý trong chiến lược về độ phủ của "ông lớn" này. Theo đó, Kido sẽ kết hợp với các chuỗi phân phối lớn trên thị trường để mở ki ốt Chuk Chuk, riêng xe đẩy Chuk Chuk sẽ có mặt tại mọi cung đường và vùng miền trên khắp Việt Nam.

Ông Trần Lệ Nguyên cho hay ngay năm nay, Kido đặt mục tiêu phát triển hệ thống cửa hàng, ki ốt và xe đẩy bao phủ khắp TP.HCM. Mô hình này được Kido kỳ vọng là động lực chính, đồng thời cũng là cách đi nhanh nhất để chạm đến tham vọng đạt tổng cộng 1.000 điểm bán vào năm 2025.

Chưa thể hình dung xe đẩy của Kido ra sao, nhưng trên thị trường cà phê chuỗi hiện nay, Ông Bầu đang vận hàng khá thành công mô hình này. Nhiều góc đường và vỉa hè tại TP.HCM ngày càng xuất hiện nhiều xe đẩy mang thương hiệu cà phê Ông Bầu dưới hình thức nhượng quyền.

Trước khi TP.HCM giãn cách xã hội vì Covid-19, xe đẩy cà phê Ông Bầu trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) khá đắt khách, người mua ngồi uống tạm trên vỉa hè nhưng nhiều nhất vẫn là "take away" (mua mang đi). Một số cửa hàng lớn của Ông Bầu như trên đường Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh), xe đẩy được để hẳn trước cửa hàng cùng thương hiệu để phục vụ nhanh nhất cho khách.

Khai trương cửa hàng đầu tiên vào tháng 2/2020, Ông Bầu cũng là một "tay chơi" mới trên thị trường chuỗi cà phê. Ngay từ đầu, thương hiệu cà phê của các ông Bầu (bầu Đức, bầu Thắng và bầu Hải - Chủ tịch NutiFood) đã xác định xe đẩy là một trong các hình thức nhượng quyền quan trọng nhất để trở thành người dẫn đầu về độ phủ với 10.000 điểm kinh doanh.

"Người cũ" cũng xuống đường bán đẩy xe bán cà phê

Không chỉ các tay chơi mới, nhiều "ông lớn" tiếng tăm trong chuỗi cà phê gần đây cũng ồ ạt "xuống đường", đặt quầy hàng di động trước các tòa nhà văn phòng, vỉa hè rộng và có nhiều xe cộ chạy qua để bán cà phê.

Nhiều con đường trung tâm quận 1, quận 3 như Võ Thị Sáu, Võ Văn Tần, khá nhiều điểm bán cà phê di dộng của Highlands Coffee mọc lên trước đợt giãn cách xã hội mới nhất và bám trụ khá lâu. Điểm bán chỉ có 1-2 nhân viên, phục vụ theo menu cửa hàng, chủ yếu là cà phê.


 

 Ki ốt của Passio Coffee trước một toà nhà văn phòng ở quận 3, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc.
Ki ốt của Passio Coffee trước một toà nhà văn phòng ở quận 3, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc.



Trước một tòa nhà văn phòng trên đường Võ Thị Sáu (quận 3), có cùng lúc hai thương hiệu đối đầu nhau đặt điểm bán cà phê di động: Một góc là Highlands Coffee, một góc là Passio Coffee. Thương hiệu nào cũng được dân văn phòng ưa chuộng.

Quầy của Passio Coffee thường xuyên khuyến mãi đồng giá 19.000 đồng/ly cà phê cho khách. Số lượng điểm bán di động của Passio cũng ngày càng nhiều hơn, trong khi đó, một số mặt bằng lớn của thương hiệu này gần đây đã trả mặt bằng.

Tại các cửa hàng FPT Shops khu vực TP.HCM, nhiều khách hàng gần đây cũng nhận ra xe cà phê lưu động mang thương hiệu King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Màu sắc của xe đẩy tương đồng với màu của thương hiệu bán lẻ điện thoại và hàng công nghệ này. Guta lại khai thác triệt để và có hiệu quả mô hình ki ốt trước những tòa nhà văn phòng tại khu vực trung tâm TP.HCM.

Mới đây, Masan sau khi đầu tư 15 triệu USD vào hệ thống trà và cà phê Phúc Long, cũng quyết định đưa mô hình ki ốt vào hệ thống cửa hàng VinMart. Với mô hình tiện lợi này, hệ thống cửa hàng VinMart đang có độ phủ lớn nhất thị trường, cùng với mô hình ki ốt tiện lợi, Masan dự tính sẽ có ngay 1.000 ki ốt bán trà sữa, cà phê chỉ sau 1 năm bước chân vào thị trường.

Quy mô thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống) tại Việt Nam vẫn được đánh giá rất tiềm năng. Báo cáo của Euromonitor, BMI Research cho biết doanh thu toàn thị trường đạt khoảng 30 tỷ USD trong năm 2020. Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sức mua toàn thị trường, các ngành hàng khác tăng trưởng âm, thì ngành F&B đã có tốc độ phục hồi khả quan, tăng đến 9% trong những tháng đầu năm 2021.

Thị trường hấp dẫn nên nhiều đại gia quyết định nhảy vào, "người cũ" cũng phải linh hoạt để không mất thị phần. JLL Việt Nam nhận định: Nhiều chuỗi lớn trong ngành F&B hiện nay đang tìm đến mô hình ki ốt và xe lưu động như một cách để thử nghiệm bán các món mang đi mà không phải lo nhiều về chi phí thuê nhân viên và mặt bằng.

"Đây là phương án ngắn hạn để các đơn vị F&B thử nghiệm ở những thị trường mới cũng như tăng nhận diện thương hiệu và chạm đến nguồn khách hàng tiềm năng thích khám phá những trải nghiệm mới mẻ", đại diện JLL Việt Nam đánh giá.

 

https://danviet.vn/dai-gia-ru-nhau-ra-via-he-day-xe-ban-ca-phe-tra-sua-gianh-thi-truong-ty-usd-20210612095358391.htm

Theo Hồng Phúc  (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.