Đặc sản bánh khẩu sli ở làng Kdâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nguyên liệu là bỏng gạo nếp, đường phên, mè, lạc qua đôi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ làng Kdâu (xã Kông Lơng Khơng huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã trở thành bánh khâu sli giòn thơm, ngọt ngào, đậm đà hương vị quê hương.
Ngày Tết, bạn bè, người thân sum vầy cùng thưởng thức khẩu sli. Ảnh: Ngọc Minh

Ngày Tết, bạn bè, người thân sum vầy cùng thưởng thức khẩu sli. Ảnh: Ngọc Minh

Khẩu sli thường được người dân làng Kdâu làm vào dịp lễ, Tết để cúng gia tiên, thết đãi bạn bè và khách quý. Quá trình chế biến bánh khẩu sli phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mẩn. Chính vì thế, chị em trong làng thường tập trung một chỗ, ai vào việc nấy vừa phát huy sở trưởng đồng thời học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm làm bánh ngày càng ngon hơn.

Theo chị Triệu Thị Hoan, nguyên liệu chính làm bánh khẩu sli là loại nếp nương hạt to dài. Gạo nếp sau khi xay xát sẽ được sàng sảy loại bỏ vỏ trấu, tấm cám, chỉ lấy những hạt đồng đều, không bị gãy. “Như vậy, khi ra thành phẩm hạt bỏng căng mẩy, đều đặn, xếp lớp nhìn bắt mắt và hấp dẫn”-chị Hoan giải thích.

Đổ gạo nếp vào thùng nước để ngâm, chị Hoan nói tiếp: Gạo ngâm khoảng 2 giờ, đãi sạch, vớt ra cho ráo rồi đem đồ thành xôi. Trong lúc đồ xôi cần chú ý đun lửa đều để xôi không bị sượng, mau chín. Khi xôi chín dỡ ra nia, rắc một lớp bột bắp rồi trộn đều với nhau. Nhanh tay vừa đảo, vừa vò cho bột bắp bám chặt vào từng hạt xôi. Kế đến sàng kỹ để lấy hạt xôi bung rời ở trên và loại bỏ bột bắp dôi dư, lọt xuống phía dưới. Sau đó xôi được dàn mỏng, phơi ở nơi thoáng gió cho đến khi săn lại, đem vào cối giã hoặc dùng máy để xay.

Được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, không chất bảo quản, khẩu sli được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: Ngọc Minh

Được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, không chất bảo quản, khẩu sli được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: Ngọc Minh

“Trước đây, gia đình giã xôi bằng cối đá. Mỗi mẻ chừng 1-2 kg, kéo dài 30-40 phút/mẻ, mất rất nhiều thời gian, công sức nên lúc nào cũng phải từ 2-3 người cùng làm. Hơn 2 năm nay, tôi chuyển sang dùng máy xay, chỉ cần đổ xôi vào, máy đánh liên tục đến khi hạt xôi mềm dẻo thì thôi. Có máy móc hỗ trợ nên việc chế biến bánh nhanh, hiệu quả hơn”-chị Hoan cho biết.

Với tay múc xôi dẻo bỏ vào chảo gang nóng để rang, chị Hứa Thị Đoan cho biết: Mỗi lần rang chừng 1 nắm xôi. Vì khi hạt xôi nở phồng, lòng chảo đủ lớn để chứa, không bị văng ra ngoài gây lãng phí. Vừa chụm lửa vừa đảo đều tay, thấy xôi căng phồng thành bỏng chuyển sang màu vàng nhạt thì đổ nhanh ra nia. Cứ như vậy rang cho đến hết nguyên liệu xôi dẻo. Tuy không tốn sức nhưng mất thời gian và nóng nực.

Trong thời gian chờ nguyên liệu bỏng gạo nếp, một vài chị tất bật rang lạc, rang mè và thắng đường phên. Nói về công đoạn thắng đường, chị Hà Thị Em cho hay: Đường phên được mua ở tỉnh Lạng Sơn. Loại đường này làm từ mật mía, đóng thành phên khi dùng làm bánh sẽ cho ra khẩu sli thơm ngọt, giòn xốp, không cứng như chế biến từ đường trắng hay rời rạc như làm từ mật mía. Đường phên bỏ vào nồi nước đun sôi, hớt váng bọt, lọc qua màng vải nhằm loại bỏ sạn cát, bụi bẩn. Tiếp đến, cho lượng đường phù hợp với gạo để bánh không quá nhạt hay quá ngọt. “Khi nước đường đạt độ kết dính không non không già đem đổ vào bỏng gạo nếp. Sau đó, bỏ thêm lạc, mè đen đã rang chín vào đảo đều các nguyên liệu với nhau. Dùng thanh gỗ dàn phẳng nguyên liệu bánh trong khuôn, tạo cho bánh cứng cáp và dùng dao cắt từng miếng nhỏ khi bánh còn nóng. Bánh nguội thì đem đóng gói, bảo quản trong túi nilon kín từ 2-4 tháng, đảm bảo độ giòn”-chị Em chia sẻ.

Công đoạn giã xôi được thay thế bằng máy móc giúp việc làm bánh khẩu sli nhanh hơn. Ảnh: Ngọc Minh

Công đoạn giã xôi được thay thế bằng máy móc giúp việc làm bánh khẩu sli nhanh hơn. Ảnh: Ngọc Minh

Được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, không chất bảo quản, có vị ngọt dịu, thơm mùi mè, bùi của lạc, giá cả phải chăng nên khẩu sli được người tiêu dùng đánh giá cao. Anh Nguyễn Duy Trực (tổ 8, phường An Phú, thị xã An Khê) cho hay: “Bánh khẩu sli có vị ngọt thơm, giòn xốp nên gia đình tôi ai cũng thích. Tuy nhiên, để tiêu thụ mạnh trên thị trường cần cải tiến mẫu mã và chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm”.

Bà Cam Thị Ngọc-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kdâu cho biết: Là đặc sản của quê hương nên ngày lễ, Tết gia đình nào cũng làm loại bánh này, nhà ít thì 3 kg gạo, nhiều cả chục ký để cúng ông bà và đãi khách. Năm nay, ngoài làm bánh cho gia đình, chị em phụ nữ còn làm gần 70 kg gạo nếp, khoảng 470 gói bánh thành phẩm cung ứng thị trường trong tỉnh và bán cho khách hàng ở các tỉnh Kon Tum, Bình Dương. Bà Ngọc cho biết thêm, ngày Tết, bạn bè người thân sum vầy cùng thưởng thức khẩu sli, nhấp ngụm trà nóng thêm mấy câu thăm hỏi, động viên nên tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết, ngày xuân thêm phần ý nghĩa.

Làng Kdâu có 61 hộ, 256 khẩu với 4 dân tộc anh em: Tày, Nùng, Bahnar và Kinh sinh sống thuận hòa, trong đó người Nùng, Tày chiếm đa số. Mấy chục năm rời quê hương vào Kông Lơng Khơng lập nghiệp, người Tày, Nùng luôn bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa và cách chế biến các món ăn truyền thống độc đáo. Bà Trần Thị Bích Ngọc-cán bộ văn hóa xã Kông Lơng Khơng thông tin: “Những năm qua, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với các điệu múa, trò chơi dân gian, người Tày, Nùng trên địa bàn xã còn làm các loại bánh truyền thống của dân tộc mình góp phần làm phong phú ẩm thực của địa phương”.

NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Chợ chiều Phú Túc

Chợ chiều Phú Túc

(GLO)-

Có ai đó đã từng nói, muốn tìm hiểu về một vùng đất, hãy đến phiên chợ của nơi ấy. Và chợ chiều thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) là nơi như thế khi hội tụ những nét đặc sắc rất riêng của miền quê vùng chảo lửa mà hiếm nơi nào có được.

Cô gái Jrai và hành trình lan tỏa ẩm thực truyền thống

E-magazineCô gái Jrai và hành trình lan tỏa ẩm thực truyền thống

(GLO)- Từng hờ hững với những món ăn truyền thống của dân tộc mình nhưng giờ đây, chị Rơ Châm H’Liên (SN 1989; làng Ó, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) đã trở thành “sứ giả” của ẩm thực Jrai. Nhiều đoạn video clip ngắn của H'Liên về những món ăn dân dã đang gây sốt trên mạng xã hội với hàng triệu lượt xem.

Độc đáo món xôi nếp ngũ sắc

Độc đáo món xôi nếp ngũ sắc

(GLO)- Nếu một lần được thưởng thức món xôi nếp ngũ sắc của người Thái, bạn sẽ không thể quên hương vị đậm đà, thơm ngon của nó. Tại ngày hội ẩm thực được tổ chức trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai vừa qua, du khách còn biết thêm về cách làm ra món xôi độc đáo này.

Học ăn

Học ăn

(GLO)- Tục ngữ có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Tôi hiểu ăn trong câu nói trên là ăn cho lễ phép, gọn gàng, có quy tắc cư xử trong khi ăn.
Xáo chuối: Món ăn nhớ về lịch sử

Xáo chuối: Món ăn nhớ về lịch sử

(GLO)- Trong hầu hết mâm cỗ cúng đình miếu ở vùng An Khê và Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đều có món xáo chuối. Đây là món đạm bạc nhưng lại hàm ẩn nhiều giá trị lịch sử và nhân văn mà người dân nơi đây muốn gửi gắm, trao truyền cho các thế hệ sau.
Thương nhớ cá đồng

Thương nhớ cá đồng

(GLO)- Khác với miền Nam quanh năm ấm áp, sản vật dồi dào, miền Bắc 4 mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt nên thường là mùa nào thức ấy. Trong đó, loài cá, đặc biệt là cá đồng thì phải đúng mùa ăn mới thơm ngon.
Ẩm thực Việt Nam chinh phục người dân Nam Phi

Ẩm thực Việt Nam chinh phục người dân Nam Phi

Với mong muốn mang đến hương vị phong phú của các món ăn Việt Nam khác nhau đến với người dân Nam Phi, ngày 2/3, nhà hàng Obento tại thành phố Johannesburg đã tổ chức sự kiện Ẩm thực Việt Nam được đông đảo thực khách địa phương quan tâm.
Bún quậy... lên non

Bún quậy... lên non

(GLO)- Bún quậy còn có tên là bún nước. Có lẽ đó là cách ông bà ta gọi theo những gì nhìn thấy. Ngoài ra, nó còn có tên khác là bún rạm, cua (có nơi còn chế biến với cá, tôm, mực, bò...), tùy theo loại thực phẩm kèm với bún.

“Đại thụ” về ẩm thực ở làng Tiêng 2

“Đại thụ” về ẩm thực ở làng Tiêng 2

(GLO)- Bà H’Nut được coi là “đại thụ” về ẩm thực truyền thống ở làng Tiêng 2 (xã Tân Sơn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai)Ở tuổi 70, bà là người duy nhất ở làng đã dành trọn đời mình để giữ vẹn nguyên hương vị ẩm thực Jrai bao đời.
Những mùa kiệu... ngọt

Những mùa kiệu... ngọt

(GLO)- Ngày Tết cổ truyền của dân tộc, trong mâm cơm của gia đình người Việt, nhất là ở phía Nam, món dưa kiệu là món không bao giờ thiếu. Không gì bằng món dưa kiệu (ngâm cùng với đu đủ xanh, cà rốt, củ cải... tùy sở thích của người dùng) ăn cùng với bánh tét, bánh chưng.