(GLO)- Sau 5 tháng triển khai, Dự án "Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng" (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã hoàn thành. Đây là 1 trong 4 dự án tại tỉnh Gia Lai được Hội đồng Anh Việt Nam tài trợ.
Quang cảnh lễ tổng kết Dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng”. Ảnh: Bích Ngọc |
Từ tháng 1-2022 đến nay, Dự án đã hoàn thành các hoạt động gồm: Tư liệu hóa quy trình sản xuất dệt thổ cẩm bằng hình thức ghi chép, chụp ảnh, quay phim để xây dựng giáo trình truyền dạy; tổ chức lớp truyền dạy tập trung duy trì và phát triển dệt các hoạ tiết và hoa văn thổ cẩm đặc trưng của người Bahnar (lớp truyền dạy tại làng Kgiang xã Kông Lơng Khơng được chia thành 3 đợt, mỗi đợt 8 ngày với 15 học viên…); phát triển sản phẩm mới từ thổ cẩm truyền thống của người Bahnar phục vụ cho đời sống hàng ngày và hướng tới phát triển các sản phẩm du lịch.
Bước đầu, Dự án đã cho ra mắt 17 sản phẩm mẫu cách tân dựa trên thổ cẩm truyền thống (15 mẫu váy, 2 mẫu áo dài) cùng một số phụ kiện thời trang bằng thổ cẩm. Sau khi tham gia dự án, 100% học viên thống nhất sử dụng trang phục thiết kế mới trong cuộc sống hàng ngày. Được biết, hoạt động tiếp theo của nhóm là tiếp tục phát triển các sản phẩm mới phục vụ du lịch và kết nối đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Gia Lai có 4/11 dự án tham gia đã được xét duyệt để ký kết hợp đồng tài trợ, gồm: “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang)”; “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng của người Jrai ở xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai”; “Phát huy giá trị tượng gỗ dân gian của người Bahnar, Jrai tại Gia Lai”; “Giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa dân tộc Jrai tại xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa”. Thời gian triển khai các dự án từ tháng 12-2021 đến tháng 5-2022; mức tài trợ cao nhất là 150 triệu đồng/dự án. Đây là cơ hội dành riêng cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại Gia Lai nhằm phát huy giá trị các di sản, góp phần tạo động lực bảo tồn.
TRẦN DUNG