"Đặc nhiệm" blouse trắng: Chiến dịch "khóa chặt" ổ dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khống chế dịch nhanh chóng và hiệu quả được cán bộ, nhân viên y tế xác định là trách nhiệm của mình. Thời gian không cho phép họ được chậm trễ.

12 giờ ngày 28-1, lệnh phong tỏa toàn TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) có hiệu lực. Các chốt kiểm soát dịch được dựng lên. Người dân phải thực hiện khai báo y tế, Chí Linh trong cảnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Lúc này, các lực lượng chi viện của Bộ Y tế "cắm chốt" tại Chí Linh chia nhau mỗi người một việc. Thời gian không cho phép họ được chậm trễ.

Thần tốc dập dịch

Chỉ ít giờ sau khi công nhận 2 ca mắc Covid-19 đầu tiên trong đợt dịch lần 3 này, bắt đầu ở Hải Dương và Quảng Ninh, Bộ Y tế tiếp tục công bố thêm 82 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng cũng tại Hải Dương và Quảng Ninh. TP Chí Linh - ổ dịch Covid-19 lớn nhất được xác định khi Tết nguyên đán cận kề - đã thực hiện phong tỏa toàn thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng "thần tốc chống dịch", ngay tối 27-1, Bộ Y tế đã huy động tổng lực trợ giúp Hải Dương trong đó hỗ trợ ngành y tế Hải Dương thực hiện điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm và điều trị bệnh nhân Covid-19. Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Trường ĐH Y Hà Nội và Trường ĐH Y tế Công cộng là những đơn vị được Bộ Y tế hỗ trợ thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Cùng lúc đó, Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Trường CĐ Dược trung ương (Hải Dương) hỗ trợ điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm gửi các đơn vị được giao thực hiện xét nghiệm. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương có trách nhiệm tổ chức thiết lập khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

 

 Các sinh viên được cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn, tập huấn về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn Ảnh: TRUNG SƠN
Các sinh viên được cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn, tập huấn về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn - Ảnh: TRUNG SƠN


Xác định đợt bùng phát dịch lần này tại Hải Dương có thể diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo các đơn vị nói trên trợ giúp và phối hợp chặt chẽ với Hải Dương và Quảng Ninh khống chế dịch nhanh chóng và hiệu quả là trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên y tế. "Chúng ta cần phát huy những kinh nghiệm tích lũy được từ đợt hỗ trợ miền Trung chống dịch trong tháng 7 và 8-2020 để thực hiện tốt việc giám sát, điều tra dịch tễ và triển khai kịp thời các biện pháp khẩn cấp đáp ứng phòng chống dịch, xét nghiệm và điều trị tại khu vực này. Bên cạnh đó, cần chú ý đợt dịch này liên quan tới virus SARS-CoV-2 chủng mới, nên cần đề cao cảnh giác, bảo đảm an toàn cho lực lượng y tế tham gia chống dịch tại đây" - Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cử đoàn công tác của Bộ Y tế gồm lãnh đạo và chuyên gia chống dịch của 3 đơn vị, bao gồm Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý môi trường y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương tới Hải Dương hỗ trợ địa phương triển khai điều tra, giám sát dịch tễ và các biện pháp khẩn cấp đáp ứng phòng chống dịch.

Đội công tác này do PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, người đã có kinh nghiệm chống dịch tại các điểm nóng trong năm qua điều hành công tác giám sát, truy vết, khoanh vùng cùng với 2 lãnh đạo Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý môi trường y tế. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đoàn cắm chốt tại Hải Dương và phối hợp với tỉnh thực hiện ngay các biện pháp tổng thể chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về thần tốc chống dịch.

Để sàng lọc các đối tượng mắc Covid-19 là những trường hợp có nguy cơ thì yêu cầu đặt ra là tăng tốc thực hiện truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời tiến hành cách ly y tế tập trung, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát tình hình sức khỏe. Bộ Y tế cũng yêu cầu nhanh chóng thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, tiếp tục triển khai giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp có các biểu hiện mắc bệnh đường hô hấp để phát hiện sớm và kịp thời.

Tập trung chuyên gia giàu kinh nghiệm

Sáng 28-1, 39 chuyên gia, kỹ thuật viên xét nghiệm thuộc 4 đơn vị của Bộ Y tế đã tới Hải Dương. GS-TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương (NIHE), trực tiếp chỉ đạo toàn bộ công tác xét nghiệm tại Hải Dương cho biết 4 cán bộ của NIHE trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm, sau đó vận chuyển về phòng xét nghiệm của viện để thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR và giải trình tự gien với các mẫu dương tính.

 

Đội ngũ các thầy thuốc giỏi nhất cả nước trong đó có cả lãnh đạo Bộ Y tế và đội ngũ bác sĩ, giáo sư từ các bệnh viện đầu ngành luôn hỗ trợ hết mình cho điểm nóng Hải Dương. Ảnh: ANH VĂN
Đội ngũ các thầy thuốc giỏi nhất cả nước trong đó có cả lãnh đạo Bộ Y tế và đội ngũ bác sĩ, giáo sư từ các bệnh viện đầu ngành luôn hỗ trợ hết mình cho điểm nóng Hải Dương. Ảnh: ANH VĂN


Theo GS Mai, sau khi lấy mẫu trong ngày, NIHE sẽ phân bổ các mẫu cho 4 phòng xét nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hải Dương, ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai và NIHE cùng thực hiện xét nghiệm. Đến chiều 28-1, Bệnh viện Bạch Mai đã vận chuyển về 800 mẫu để thực hiện xét nghiệm. ĐH Y Hà Nội cử 29 cán bộ mang theo trang thiết bị lấy mẫu để thực hiện xét nghiệm theo điều phối của GS Lê Thị Quỳnh Mai. Chỉ 1 ngày sau khi ra quân, khoảng 2.000 mẫu sàng lọc SARS-CoV-2 đã được NIHE điều phối thực hiện xét nghiệm hết ngay trong đêm.

PGS-TS Đinh Thị Diệu Hằng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương, cho hay nhà trường đã huy động được 1.180 giảng viên và sinh viên năm cuối tham gia chống dịch, đồng thời chỉ đạo bệnh viện của trường, Labo sinh học phân tử lập kế hoạch bố trí nhân lực, chuẩn bị thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm để tham gia lấy mẫu, xét nghiệm khi có yêu cầu. Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, tỉnh Hải Dương đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng. Đến sáng 1-2, sau 4 ngày thần tốc truy vết ổ dịch Covid-19 tại TP Chí Linh, các ngành chức năng đã điều tra dịch tễ và truy vết được gần 4.300 trường hợp F1 và khoảng 14.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

 


Ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế, Tổ trưởng tổ thực hiện cách ly và xử lý môi trường y tế thuộc Đoàn công tác phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại tỉnh Hải Dương - cho biết TP Chí Linh đã huy động các lực lượng tham gia xây dựng các khu cách ly bao gồm quân đội, công an, y tế... “Những ngày đầu, các cán bộ chi viện của Bộ Y tế cùng lãnh đạo TP Chí Linh trong 1 ngày thiết lập 8 khu cách ly. Trong 1 đêm, 700-800 người bao gồm nhiều lực lượng đồng loạt ra quân. Cả TP Chí Linh khi đó vào cuộc đúng nghĩa là thần tốc, quyết thắng” - ông Dương Chí Nam nói.


(Còn tiếp)

Theo Ngọc Dung - Vân Anh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.