Đà Lạt phim trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi cùng Đinh Anh Dũng, Trần Mỹ Hà thường lên đỉnh núi Langbian ngồi chơi mỗi khi 2 đạo diễn điện ảnh này về quê-Đà Lạt. Chúng tôi tìm nơi thinh không thế này coi như để “thoát tục”, vì kẻ nào cũng đã “bội thực” với đám đông, nhất là Sài Gòn đô hội. Chúng tôi muốn giữa nắng non trong vắt của trời cao và gió núi hoang dại những gì ở thế cuộc sẽ được đẩy lùi xa, chỉ còn tâm hồn mình trơ trọi…      

Quanh năm phim ảnh

Rồi thiên nhiên xứ này trong những bộ phim cứ chiếu chậm lại trong đầu tôi. Ngay như bộ phim thuộc hàng kinh điển của điện ảnh Việt Nam “Ván bài lật ngửa” của đạo diễn tài danh nhất nước Khôi Nguyên (Lê Hoàng Hoa), rất nhiều lần Đà Lạt hiện ra như thế. Ở đó, hễ cứ chuyển cảnh Đà Lạt là thú vị, là biết chắc gợi cái đẹp, hay đưa câu chuyện “phiêu” hơn. Khó phai trong trí nhớ người xem cảnh những chiếc xe U-oát rượt nhau ngoạn mục trong không gian tự nhiên thơ mộng của rừng thông ở đèo Prenn, cũng như cuộc vây ráp nhau bắn nhau chí chóe ở một biệt thự trên đồi lưa thưa cây, hay cuộc hội họp quan trọng mà tầm nhìn ra bên ngoài là không gian phóng đãng của núi hồ, rừng thông… Kể làm sao cho hết những bộ phim lấy Đà Lạt làm không gian, phim trường. Ngay trước 1975, ở miền Nam này, gần như phim nào cũng có “Đà Lạt” trong đó. Đà Lạt là nơi người ta làm phim, sáng tạo, sản xuất điện ảnh.


 

 Nhà quay phim Khôi Nguyên đang quay một bộ phim ở Đà Lạt. Ảnh: N.H.T
Nhà quay phim Khôi Nguyên đang quay một bộ phim ở Đà Lạt. Ảnh: N.H.T

Từ sau 1975 lại càng vậy. Cứ như đô thị này sinh ra cho điện ảnh, phim ca nhạc, truyền hình. Ngày nay, cả nước có cả chục hãng phim, từ phim điện ảnh đến phim truyền hình. Hệ thống nhà đài và kênh sóng truyền hình thì đông đến số trăm, phát ra rả luôn ngày luôn đêm, ngốn chương trình như uống nước lã. Xuất hiện nhiều nhà làm phim để bán cho nhà đài, rồi nhiều nhà đài tự lập hãng phim. Suốt ngày phải sản xuất phim, suốt ngày quay phim, suốt ngày diễn, suốt ngày bày binh bố trận. Người ta “đổ bộ” đi làm phim. Đất nước hội nhập, phim ảnh cũng hội nhập, nhưng nơi đồng bằng, to như đô thị Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng cũng chả có phim trường để làm phim, hình thành nên nền công nghiệp phim ảnh. Như ruộng bậc thang, nền phim ảnh quốc gia vẫn dựa vào “nước… trời”, thiên nhiên. Thế là Đà Lạt càng trở thành không gian cứu cánh cho phim ảnh.

Nên không ngày nào không có đoàn làm phim. Chỗ nào cũng thấy quay phim. Từ sáng tới tối, ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày có sương cũng như ngày không sương. Lúc thì ven hồ Xuân Hương, lúc thì những đồi núi khuất lấp, lúc thì dưới thung lũng, lúc ven những rừng thông, những nhà thờ, chùa, biệt thự hoang, biệt thự mới, trên những con đường mượt mà ở nội thị hay những con hẻm sỏi dốc tàn tạ ở ngoại ô. Như việc trồng lơ-ghim ở Đà Lạt, phim ảnh người ta cũng sản xuất được quanh năm ở đây, cho dù với các hãng phim đều từ nơi khác đến. Chẳng có ai thống kê nổi đâu rằng bao nhiêu bộ phim quay ở Đà Lạt hay phải có cảnh Đà Lạt. Đến quay video clip ca nhạc, người ta cũng mượn Đà Lạt, từ nhạc sến cho đến nhạc xưa, nhạc trẻ cho đến nhạc đỏ, nhạc tím, nhạc nâu, nhạc không màu, nhạc có màu. Người ta lên đây làm phim cũng bình thường như nông dân Đà Lạt trồng sú lơ, khoai tây, nên chả mấy khi người Đà Lạt để ý đến các đoàn phim, hay đi xem ai đóng. Chỉ biết rằng, khi đi qua chỗ nào thấy túm tụm người đông đông, thêm chút xe cộ và máy nổ, đấy chắc chắn là một đoàn phim.

Cứ vậy, Đà Lạt trở thành một phim trường tự nhiên khổng lồ. Đời sống phim ảnh, mọi thứ tự nhiên, giản dị, hoặc bình dân, hoặc sang trọng như thảo mộc ở Đà Lạt vậy. Đà Lạt  là “môi trường sống”, là nguồn dinh dưỡng cho các hãng phim, nhà đài. Vì thế mà Đà Lạt thân thương với cánh đạo diễn, diễn viên…                                        

Trời biệt đãi

Nhờ xấu đến độ… không thể đóng phim nên tôi chơi, giao du tự nhiên được với mọi đạo diễn, diễn viên khi đến Đà Lạt hành nghề. Chỗ nào quay phim chỗ đó có tôi la cà. Nhiều khi nhìn người ta làm phim tôi thấy họ cũng chẳng khác dân cày. Đoàn quân (phim) của họ chẳng khác đám cái bang mấy, cũng bụi bờ, lây lất, cơm bịch, nước lọ, thưa lạy chúng sinh qua lại; cũng tối mặt tối mũi và tuôn mồ hôi. Mồ hôi kia rơi xuống ruộng, mồ hôi này chảy vào phim. Tất nhiên tôi biết, họ “bình dân” khi ở phim trường và khệnh khạng khi về Sài Gòn, Hà Nội. Họ “đẹp” ở phim trường là cũng khá rồi, còn hơn người không đẹp ở bất cứ chỗ nào. Họ chảnh chọe ở chỗ khác, nhưng ở Đà Lạt, ngay với một anh chàng đánh xe ngựa họ cũng khiêm nhường, không xấc xược được. Đà Lạt có một thứ “quyền lực mềm”, bởi thiên nhiên Đà Lạt và sự tử tế tự nhiên, đôn hậu sâu đậm của con người nơi đây đứng trên mọi thứ phù hoa và danh vị, quyền lực. Bảy trăm khách sạn và ngàn rưỡi nhà trọ, nhà nghỉ tha hồ là chỗ để họ hạ trại ăn nằm làm phim. Nhiều nhà nghỉ, khách sạn trở thành “bản doanh” cho một đoàn phim suốt 3 tháng trời. Nhiều khách sạn “sống” nhờ phim ảnh như thế suốt bao năm nay.

***

Đạo diễn Đinh Anh Dũng bảo Đà Lạt như một thiếu nữ đẹp nên phim ảnh người ta cần đến nó. Đạo diễn Lê Cung Bắc thì nhận định:  Đà Lạt là báu vật của trời. Đạo diễn Trần Mỹ Hà bảo cả cao nguyên Langbian này là màu nhiệm, kỳ bí, một thứ “lâu đài thiên nhiên”, thách thức sáng tạo của người nghệ sĩ. Đạo diễn Đào Bá Sơn tỉ tê rằng, đặc điểm có đủ bốn mùa trong một ngày khiến Đà Lạt dĩ nhiên phải hấp dẫn các nhà làm phim…


 

Diễn viên Việt Trinh và Đào Bá Sơn trong một phim đóng ở Đà Lạt. Ảnh:
Diễn viên Việt Trinh và Đào Bá Sơn trong một phim đóng ở Đà Lạt. Ảnh: N.H.T

Vị đạo diễn/diễn viên Đào Bá Sơn bảo ngay cái nắng Đà Lạt nó cũng khác nơi khác. Nó nhẹ nhàng, từ từ, có tầng nấc ánh sáng, nắng nhưng không nóng. Nắng Đà Lạt không phủ ùm xuống mà lướt qua vạn vật. Phim ảnh cần vô cùng những góc hình tinh tế đó. Đạo diễn Lê Cung Bắc rằng có gì sung sướng hơn với một nhà làm phim khi ở đây, muốn hồ có hồ, suối có suối, núi có núi, rừng có rừng, vườn có vườn, hoa có hoa, người có người… Muốn quay thiên nhiên “phẳng” tha hồ quay, mà muốn có sương mù vẫn cứ có, mà chẳng cần phải huy động máy móc tối tân, nhân tạo, dựng cảnh, đầu tư, suy tính, mỏi mòn… Thành phố cũng không đông đúc để phải chi phối vì đám đông, hay trật tự giao thông. Bất cứ giờ nào đi quay cũng “ngon”. Nếu đủ sức, làm phim cả ngày cũng được. Không phải như những nơi khác là phụ thuộc từ thời tiết, con người, đến sinh hoạt xã hội, phép tắc nhiêu khê… Làm phim ở Đà Lạt là tiết kiệm nhất. Không gian Đà Lạt cho độc lập sáng tạo khi làm phim, mà đặc sắc nhất là sự yên tĩnh, mát mẻ. Vị đạo diễn từng làm đến 8 phim quay ở Đà Lạt khẳng định đây là xứ sở “nóng” chứ không “lạnh”. Ngoài lạnh mà trong nóng. “Nóng” bởi nó thôi thúc người đạo diễn sự đam mê, đốt cháy cơn thèm sáng tạo, thèm cái đẹp. Tĩnh lặng lại khiến người ta nôn nao. Ông bảo đoàn phim của ông khi làm phim ở nơi khác từ đạo diễn đến diễn viên thường vất vả, mỏi mệt hơn sau một ngày vật lộn  và hiệu suất không cao. Thế nên có những phim nói về chuyện và cảnh của nơi khác, nhưng ông Lê Cung Bắc cứ dựng cảnh lên ở Đà Lạt mà quay. “Tránh thông ra là được, thành nơi khác thôi à!”-Lê Cung Bắc sảng khoái.

“Hy vọng duyên sẽ đến”

Có lần nữ diễn viên/đạo diễn Hồng Ánh tâm sự với tôi rằng: “Ở Việt Nam, trong một nghiệp đời diễn viên mà chưa được đóng phim nào ở Đà Lạt thì quả là một tiếc nuối lớn”. Ánh nói, đời diễn viên đã đi nhiều, đóng cũng được nhiều vai thích, nhưng cô vẫn thích một vai trong một câu chuyện tình nào đó thật huyền ảo ở Đà Lạt. “Rất khó hiểu khi ở Đà Lạt thì thấy thỏa mái, nhưng vẫn có cái gì đó không hiểu hết, không thể làm sáng rõ”-cô nói. Hồng Ánh cũng tin vẻ đẹp của cảnh quan Đà Lạt cũng tốt cho ngay cả khi người ta làm phim hành động. Nhìn nhận của nữ đạo diễn/diễn viên danh tiếng này làm tôi nhớ ra vì sao đạo diễn trẻ Hồ Anh Tuấn khi khởi sự dựng phim đầu tay là “Trinh thám nghiệp dư” với câu chuyện mà ở đấy chồng sắp nhiều bí ẩn thì anh đã nghĩ ngay đến Đà Lạt, lấy không gian đô thị cao nguyên này làm bối cảnh chủ đạo cho bộ phim 30 tập ấy. Hồ Anh Tuấn nói, những con đường không thấu rõ, những nhà vườn trước đồi sau đồi, những biệt thứ mới xây cũng thấy có nét u hoài, những màu hoa mới nở tươi thắm cũng vang lên nỗi buồn vàng vọt, cây trái đủ loại và biến tấu… làm cho không gian, thời tiết ở Đà Lạt đã là “nghệ thuật”. Ngay đạo diễn gạo cội Đặng Nhật Minh có lần rảo bước giữa rừng thông Tuyền Lâm cũng đã bật lên: “Sẽ rất uổng với chính mình nếu bỏ qua Đà Lạt.  Mình chưa có may mắn được làm phim ở đây. Hy vọng có ngày duyên sẽ… đến !”. Tôi biết ông hoạt động điện ảnh ở phía Bắc mà, nơi cách Đà Lạt 1.300 cây số. Ông đã nghĩ về Đà Lạt với một mơ tưởng đặc biệt và rất thành tâm khi ông cho mình “thiệt thòi” so với bao đồng nghiệp ở phương Nam, khi mà cho đến giờ chưa được cắm xuống mảnh đất, đại phim trường thiên nhiên này một bộ phim.               

***

Ai làm gì mặc, kể cả làm phim, Đà Lạt vẫn cứ điềm tĩnh, tự tại, gợi mơ tưởng cho bất cứ kẻ sáng tạo nào. 124 năm sau khi bác sĩ A.Yersin tìm ra xứ này, dù người đời sau phá mãi nhưng quái lạ là Đà Lạt vẫn cứ không hết đẹp. Thiên nhiên Đà Lạt quá lớn, nên những bàn tay vô đạo rồi cũng mỏi. Đà Lạt là thứ thực thể gì đó ở giữa rừng-vườn-phố-chợ-đời-sân khấu-kinh tế-nghệ thuật-cõi trần và cõi mơ.

Đạo diễn Đinh Anh Dũng bảo ai làm Đà Lạt khác đi trong tâm thức người đời là có tội, vì nó “chỉ có một con đường phát triển duy nhất là phải… đẹp”. Đạo diễn Trần Mỹ Hà vốn hay dí dỏm nên khuyên “Nếu có sức khỏe và tiền bạc thì nên làm cho Đà Lạt thanh bình, sâu sắc, bí ẩn thêm, chứ đừng làm Đà Lạt hơ hớ, trần truồng và hung dữ”.

Đà Lạt xuất hiện ở trần thế để đón nhận người ta tìm lên sáng tạo, làm phim và tranh thủ sống với nó, rồi nhớ nhung về nó. Ông đạo diễn từng khởi lập ra Ban kịch Thụ Nhân nổi tiếng ở Viện Đại học Đà Lạt gần 50 năm trước-Lê Cung Bắc, ước một ngày nào đó, các nhà chính trị nhận ra được “quyền lực mềm” của Đà Lạt và định hướng xây dựng luôn những phim trường công nghệ như ở Mỹ, Hàn, Ấn, Trung đã làm, ngay tại Đà Lạt này. Nên hình thành nên nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam ở đây, khi mà đã sẵn có một phim trường thiên nhiên hoạt động trường kỳ, hội đủ: Thiên thời-Địa lợi-Nhân hòa.

Nguyễn Hàng Tình

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.