Cưu mang chim trời: 'Trả nợ' chim trời giữa phá Hạc Hải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chẳng phải và chẳng thể là chủ của đàn chim trời, nhưng bằng một sự thấu cảm lạ lùng cùng tình yêu thiêng liêng nào đó, họ đã luôn dang tay chở che để chúng mãi vút bay giữa bầu trời tự do...
Từng là cậu bé “sát chim” khi trong tay luôn lăm lăm cung ná, đến tuổi thanh niên thậm chí còn là đầu nậu thu gom, bán cho thương lái cả ngàn con chim trời mỗi ngày, nhưng rồi ông Xuân đã “gác kiếm”. Ông âm thầm “trả nợ” bằng cách xây tổ cho chim trời giữa phá Hạc Hải mênh mông…
Nằm giữa hai huyện Lệ Thủy - Quảng Ninh (Quảng Bình), phá Hạc Hải là một vùng sông nước bao la với diện tích 12 km2, độ sâu 1,5 - 3 m, nổi tiếng trong câu nói “Đâu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên” (núi Đâu Mâu cao như hình “cây bút” và phá Hạc Hải rộng như một “nghiên mực” lớn, là biểu trưng của sự học hành). Nơi đây, ngoài cá tôm còn có nhiều loài chim đến trú ngụ. Chim trời của vùng đầm phá này nhiều đến nỗi có thời chỉ cần giương cung ná lên thì kiểu gì cũng có con trúng đạn rơi xuống.
 
 
Hồi ức gã “sát chim”
Phá Hạc Hải vắt qua xã Hoa Thủy (H.Lệ Thủy). Ở nơi mênh mông trời nước này, tiếng tăm của vợ chồng ông Võ Công Xuân (50 tuổi) - Đỗ Thị Hòa (48 tuổi) vẫn đủ lớn để vang xa. Bằng chứng là kẻ “mù đường” như người viết, dù phải len lỏi trên những con đường làng na ná nhau, vẫn không khó để tìm đến nhà của ông Xuân sau khi có không dưới 10 người chỉ đường.
Ông Xuân vẻ bề ngoài thuộc kiểu người mới gặp là có cảm tình ngay. Đội mũ cối, dáng vóc gầy guộc, ông thu hút người khác bằng ánh nhìn nồng ấm và cách nói chuyện thật thà, chuẩn dân sông nước. Rót chén nước được hãm bằng nhiều loại lá tự nhiên, ông Xuân cho biết phá Hạc Hải trong ký ức thơ ấu của ông là thiên đường của nhiều loài chim, từ vịt trời, ngỗng trời, le le đến chim hạc, chim bồng và cả sâm cầm. “Trẻ con chúng tôi xem việc bắn chim như một thú vui. Lúc còn nhỏ thì dùng ná, lớn lên thì dùng cả súng. Tôi ngày xưa nổi tiếng “sát chim”, cứ bước ra phá đi săn một buổi, “bèo” lắm cũng kiếm được chục con mang về. Ăn chán thì bán, bán không ai mua thì cho…”, ông Xuân kể lại.
Đến khi lập gia đình, ông không còn săn bắt chim cho vui nữa mà xem đó là nguồn sống. Những năm 2000, vợ chồng ông bà là đầu mối thu mua chim trời ở quanh khu vực rồi bán cho các thương lái ngang qua làng. “Có ngày cao điểm, chúng tôi bán đi cả vài trăm con”, bà Hòa kể.
Sống nhờ phá để thấy mình mắc nợ
Sau nhiều năm “gác kiếm”, ông Xuân tất nhiên không thể nhớ mình đã hóa kiếp cho bao nhiêu chú chim tội nghiệp, chỉ biết mình đã “mắc nợ” loài chim rất nhiều. “Chim trời trên phá ít hẳn, cũng giống như tôm cá cũng thưa đi. Tôi biết phần nhiều là do con người đánh bắt đến cạn kiệt. Cũng buồn, nhưng thoáng qua vậy thôi, chứ hồi đó con cái mấy đứa, cơm áo đuổi sau lưng…”, ông Xuân tâm sự.
Mãi cho đến năm 2003, vợ chồng ông quay lại với phá Hạc Hải mưu sinh, nhưng theo một cách khác: chăn vịt. Trên con phá mênh mông nước, vợ chồng ông đã từng nuôi 1.000 con vịt đẻ, 5.000 con vịt tơ. Để có thứ cho vịt ăn, ông bà lo đắp bờ, trồng lúa… Từ những rẻo đất giữa lõm bõm nước, đến năm 2010, ông bà dùng sức người đắp thêm nhiều bờ đê ngăn nước và có trong tay hơn 6 ha đất có thể trồng lúa.
“Sống” trên phá Hạc Hải, kiếm chén cơm nuôi sống gia đình cũng trên vùng nước này, người ta đã dần quen bóng dáng của cặp vợ chồng đứng ngồi trên chiếc xuồng máy vào ra “thăm ló, ngó đồng”. Ông Xuân bảo, ngày ít thì vào ra 4 lượt, nhiều thì cả chục, mỗi lượt vào ra mất chừng tiếng đồng hồ. Giờ đây, ông Xuân thông thuộc từng khe nước, từng bụi bờ trên phá. Và ông nhận ra một sự thật đau lòng rằng, chim trời trên phá đã không còn nhiều như thời thơ ấu của ông nữa. Ông giận mình, bởi chính ông cũng như dân làng dạo trước đã “nhúng tay” vào để xảy ra cớ sự này. Ông lo đến lúc nào đó trên phá sẽ không còn bóng loài chim bay về, và hẹn lòng phải làm điều gì đó để trả bớt nợ với loài chim…
 
Ông Võ Công Xuân thuộc từng “ngõ ngách” của phá Hạc Hải như lòng bàn tay. Ảnh: Nguyễn Phúc
Ông Võ Công Xuân thuộc từng “ngõ ngách” của phá Hạc Hải như lòng bàn tay. Ảnh: Nguyễn Phúc
“Xây tổ” cho chim
Hơn ai hết, ông Xuân biết muốn níu chân đàn chim trời thì cần “những bãi đáp” phù hợp, bình yên. Thế là vợ chồng ông bà móc tiền túi xây dựng những “bãi đáp”.
Năm 2018, ông mua 1.000 cây cà na (giá 70.000 đồng/cây) ở miền Nam mang về trồng ở vùng đất do mình canh tác trên phá. Đây là loài cây lấy quả, thích nghi với vùng ngập mặn, giá có thể lên 25.000 đồng/kg quả, đến kỳ thu hoạch thì mỗi cây có thể thu 80 kg. Ngặt nỗi, trận lụt lịch sử năm 2020 nhấn chìm gần hết. Không bỏ cuộc, sau đó ông tiếp tục mua 500 cây dừa nước, 100 cây đước về trồng. “Thử nghiệm nhiều loài cây, tôi nhận ra rằng, ở vùng đất này nên chọn những cây bản địa sẽ thích nghi tốt hơn. Thế là những năm về sau, tôi trồng mưng, trồng sung, trồng bần… vây quanh vùng ruộng hơn 6 ha của mình”, ông Xuân đúc rút.
Từ dạo ông Xuân trồng cây làm “bãi đáp”, chim trời đã không phụ lòng người nông dân này. Phá Hạc Hải như được “sống lại” với bóng dáng của những loài chim trời, làm nhiều người ngỡ như đang đứng giữa miền Tây trù phú. Không chỉ đáp xuống Hạc Hải làm nơi trú ngụ tạm thời trong hành trình di cư, nhiều loài chim đã chọn “bãi đáp” của ông Xuân để sinh sản. Ông Xuân cho biết khoảng tháng 3 đến tháng 7 hằng năm, trên những bờ ruộng, chỉ cần tinh ý là thấy những tổ chim với bao nhiêu trứng.
Vậy nhưng, theo ông Xuân, có bãi đáp và “bãi đáp bình yên” là hai chuyện hoàn toàn khác. Bởi, khi chim trời trở lại, vợ chồng ông phải khổ sở đối phó với những kẻ săn trộm. “Họ săn ngày săn đêm, với súng với lưới. Có hôm tôi phải vụt ra khỏi nhà, nổ máy xuồng, lao về phá khi nghe tiếng súng, đến nơi thì thấy hàng chục con chim bị người ta bắn gục la liệt, chất đầy thuyền. Cũng có hôm người ra lấy trứng chim, tôi cũng phải liều mạng đòi lại, họ mới trả về tổ cũ”, ông Xuân nói, giọng não nề.
 
Để làm “bãi đáp” cho chim, ông Xuân đã trồng rất nhiều cây trên phá Hạc Hải. Ảnh: Nguyễn Phúc
Để làm “bãi đáp” cho chim, ông Xuân đã trồng rất nhiều cây trên phá Hạc Hải. Ảnh: Nguyễn Phúc
Nhiều người nói ông như con dã tràng xe cát, đang bỏ công vô ích. Nhưng bằng một niềm tin nào đó, ông nghĩ mai này ý thức của người dân sẽ khác, sẽ thay đổi, như ông. Cũng như dân làng Hoa Thủy, nhiều người đã bắt đầu ủng hộ cách làm của vợ chồng ông trên phá Hạc Hải. “Chẳng ai mong muốn Hạc Hải mai này chỉ còn là vùng đất chết, chỉ còn nước bạc, không chim trời, không tôm cá. Những gì tôi đang làm là để cho mai sau, cho cháu con. Bởi rồi sẽ đến một lúc nào đó, người ta thèm được dong xuồng ra giữa phá, trải nghiệm sự yên bình của thiên nhiên, ôn lại cái thủa xửa xưa, ngắm mây trời chim cá…”, ông Xuân thổ lộ.
(còn tiếp)
Theo Nguyễn Phúc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.