Cuộc sống "8 không": Giấc mơ mang tên "khai sinh", "hộ khẩu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù là đối tượng di dân theo chính sách của nhà nước, thế nhưng nơi ở cũ không đủ nuôi sống họ nên nhiều hộ dân tiếp tục “nhảy dù” vào sâu trong rừng. Ước mơ duy nhất đối với cả ngàn người dân này là được trở thành một công dân đúng nghĩa. 
20 năm, mơ một cuốn hộ khẩu
Mùa mưa này có lẽ là mùa mưa hạnh phúc nhất đối với gia đình anh Giàng A Sình (trú cụm 9). Trong căn nhà gỗ nhỏ nằm dưới chân một quả đồi, tiếng người nói chuyện xôn xao, tiếng trẻ em nô đùa vang dội, xóa tan cái lạnh lẽo của chốn rừng núi hoang vu.
Tháng 6/2019, gia đình anh Sình được UBND xã Đắk R’măng cấp sổ hộ khẩu sau gần 20 năm sinh sống ở Đắk Nông. Trong tổng số 96 hộ dân của cụm dân cư số 9 này, hộ anh Sình là một trong số ít hộ gia đình được cầm cuốn sổ “quý hơn cả thóc lúa” ấy.
 
Gia đình Giàng A Sình vui mừng vì được cấp hộ khẩu sau gần 20 năm vào Tây Nguyên
“Từ trước đến nay, dân mình vẫn coi là người của thôn 7, xã Đắk R’măng. Nếu có họp hành gì, người dân mình vẫn đến tham gia.  Ngày bầu cử, người dân vẫn đến bỏ phiếu đầy đủ. Thế mà vẫn không được công nhận nên thiệt thòi nhiều thứ lắm. Bây giờ có sổ hộ khẩu rồi, con cái được khai sinh, đứa lớn còn được làm chứng minh nhân dân nữa. Vợ chồng mình cứ cười suốt mấy hôm nay”, anh Sình chia sẻ về niềm vui của gia đình.
 
Cuốn sổ hộ khẩu của gia đình anh Sình nhen nhóm tia hy vọng cho hàng trăm hộ dân khác
Niềm vui ấy bất ngờ nhen nhóm lên trong lòng những người có mặt ở nhà người đàn ông 44 tuổi này một niềm tin. Họ tin rằng, chẳng bao lâu nữa, họ cũng được công nhận, được cấp hộ khẩu, con cái họ sẽ được khai sinh và hưởng các chế độ như những đứa trẻ ở nơi khác.
“Ngày trước bỏ hết từ Lào Cai để vào đây sinh sống, làm kinh tế. Thế nhưng đất nhà nước cho không đủ để làm ăn nên phải đưa vợ con vào đây. Nếu so với ngoài quê thì ở đây tốt hơn, nhưng vẫn khổ lắm vì vẫn là người di cư tự do. Gần 20 năm rồi, chỉ mong nhà nước công nhận các hộ dân ở đây để bà con yên tâm làm ăn, con cái được đến trường”, ông Cư Seo Dìn, nói về trăn trở của những người “nhảy dù” như ông.
 
Thế nhưng, phần lớn vẫn là cư trú bất hợp pháp nên hàng trăm hộ dân vẫn chưa được cấp hộ khẩu
Năm trước, người dân cả bốn cụm dân cư này cũng từng hy vọng, họ sẽ được công nhận khi hay tin một lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống tiếp xúc với bà con. Thế nhưng, niềm vui chưa kịp đến thì đã tắt tịt khi vừa tới cửa rừng, vị lãnh đạo ấy đã phải quay ra… vì đường quá khó đi.
“Dân các cụm phấn khởi lắm, tập trung nhau lại, chỉ để bày tỏ nguyện vọng với lãnh đạo tỉnh. Thế nhưng, sau đợt mừng hụt ấy, vẫn chưa có ai quay lại đây cả”, Giàng Seo Chính nói giọng nghẹn ngào trên đường dẫn đoàn ra khỏi nơi anh và hàng trăm hộ khác đang sinh sống.
 
Hàng trăm người dân từng hy vọng được bày tỏ nguyện vọng với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông về cuộc sống của họ
Theo ông Nguyễn Trọng Lực, Trưởng Công an xã Đắk R’măng, có khoảng 200 hộ dân đang sinh sống tại 4 cụm dân cư 8, 9, 10, 12 chưa có hộ khẩu. Ban đầu, một số hộ dân thuộc diện di dân của nhà nước vào đây ở. Thế rồi anh em, họ hàng ngoài quê vào chơi rồi ở lại luôn. Họ vào ngày một đông, hình thành các cụm dân cư này. Thời gian gần đây thì tình trạng này đã dừng lại, dân cư đã ổn định hơn.
“Một số hộ được UBND xã cấp sổ hộ khẩu, trong đó có hộ của anh Sình. Những hộ này có đất ở hợp pháp tại khu vực khác. Bà con năm nào cũng xin được cấp hộ khẩu để làm ăn, sinh sống nhưng ở đấy thì không cấp được”, ông Lực thông tin.
Bao giờ mới được “khai sinh”?
Theo Trưởng công an xã Đắk R’măng, khu vực mà người dân đang sinh sống trước đây thuộc lâm phần của Lâm trường Đắk R’Măng, hiện nay là đất rừng phòng hộ của xã. Do khu vực này không nằm trong quy hoạch đất ở nên việc cấp hộ khẩu cho các hộ dân là không thể thực hiện được.
Cũng vì chưa có hộ khẩu nên hàng trăm người ở đây không được làm chứng minh nhân dân, không thể làm giấy tờ đứng tên xe máy, mặc dù là tài sản của mình. “Từ đây ra UBND xã gần 40km. Thế nhưng, bà con chỉ sử dụng xe máy ra đến đầu thôn rồi cất đi. Chúng tôi chỉ sợ, xe không giấy tờ, không có giấy phép lái xe sẽ bị bắt lại”, một người đàn ông trú cụm 12 cho hay.
 
Nhiều đứa trẻ chưa được khai sinh do tự sinh tại nhà và không có hộ khẩu tại địa phương
Cũng theo ông Lực, nếu trẻ trong bốn cụm này ra trạm y tế sinh thì sẽ được khai sinh. Trong trường hợp, sinh tại nhà, nếu có xác nhận của y tế thôn bản thì địa phương cũng tạo điều kiện khai sinh cho các cháu. Tuy nhiên, phần lớn người dân tự sinh, chỉ cháu nào đến tuổi đi học thì người nhà mới ra xã làm, chứ bình thường không hộ nào đi khai sinh cho con cả.
Ông Trần Nam Thuần, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long cho biết, cùng với cụm dân cư Suối Phèn (xã Quảng Hòa) thì 4 cụm dân cư của xã Đắk R’Măng đều nằm trong Đề án Ổn định dân di cư tự do của huyện. Dự án này bắt đầu triển khai từ năm 2015, thực hiện trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020. Mục tiêu chung của dự án là ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cho hàng ngàn hộ dân di cư tự do (chủ yếu là đồng bào Mông) tại hai xã trên.
 
Dự án ổn định dân di cư tự do vẫn chưa thể triển khai 4 năm qua do không có vốn
“Dự án sẽ bố trí đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng … Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thiếu yếu để phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên thực tế, hiện nay dự án đang gặp khó khăn về vốn nên 4 năm rồi, vẫn chưa thể triển khai được”, ông Thuần cho hay.
Theo lãnh đạo huyện Đắk G’long, nhiều năm qua, địa phương đều làm tờ trình, có ý kiến gửi UBND tỉnh Đắk Nông xem xét, bố trí nguồn vốn để ổn định dân tại các cụm dân cư nói trên. Tuy nhiên vẫn chưa có kết quả.
“Trước mắt, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, địa phương sẽ tổ chức cấp sổ hộ khẩu cho các hộ gia đình có đất hợp pháp. Điều tra, rà soát lại để làm giấy khai sinh cho các cháu chưa có, để các cháu đi học đúng tuổi”, ông Thuần nói.
 
Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, huyện Đắk G'long sẽ rà soát, khai sinh cho trẻ em 4 cụm dân cư này
Trong khi đó, trao đổi về nguyện vọng của người dân muốn hiến tặng đất để xây trường, ông Nguyễn Văn Hợp, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk G’long khẳng định: “Có khoảng 3 sào nằm là đất lâm nghiệp, còn lại 1ha là đất nông nghiệp. Huyện sẽ làm quy trình để xin UBND tỉnh Đắk Nông hợp pháp hóa khu đất đó. Tuy nhiên, về kinh phí xây dựng, cũng hy vọng xã hội sẽ quan tâm, giúp đỡ vấn đề này”.
Dương Phong (Dân trí)

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...