Cung vượt cầu: Giá bời lời giảm mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, cây bời lời đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, hiện nay, giá bời lời đang sụt giảm mạnh khiến nhiều người rất lo lắng.
Giá bời lời giảm sâu
Sau một thời gian dài giá cả ổn định, vài năm trở lại đây, giá bời lời trên thị trường có chiều hướng giảm sâu và hiện chỉ còn khoảng 3.500 đồng/kg tươi và 9.000 đồng/kg khô, bằng 1/3 so với trước kia. Việc tiêu thụ sản phẩm bời lời chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái trong tỉnh.
Dẫn chúng tôi đi thăm rẫy bời lời hơn 2.000 cây chưa chặt bán dù đã đến kỳ thu hoạch, ông Siu Em (làng Doch 1, xã Ia Kreng, huyện Chư Pah) cho biết, gia đình ông thuộc diện hộ cận nghèo. Trước đây, ông có 2 ha bời lời, nhưng vì giá bời lời hạ thấp nên đầu năm nay, ông quyết định phá bỏ 1 ha để chuyển sang trồng cà phê và mì nhưng nhiều cây con cũng đang bị chết do thiếu nước tưới. “Bời lời rẻ quá nên tôi không chặt bán. Để có tiền trang trải cuộc sống, tôi cùng 14 hộ dân khác trong làng nhận chăm sóc 11 lồng cá lăng ở lòng hồ Thủy điện Sê San”-ông Em bày tỏ.
Người dân thu hoạch bời lời. Ảnh: Đinh Yến
Người dân thu hoạch bời lời. Ảnh: Đinh Yến
Hơn 4.000 cây bời lời của ông Siu Ích (làng Doch 2, xã Ia Kreng) trồng trên diện tích 2 ha được Nhà nước hỗ trợ trồng từ năm 2004. Sau 2 lần khai thác trên diện tích 3,5 sào thu về gần 55 triệu đồng, gia đình ông đã thoát nghèo, số còn lại ông để dành chờ giá cao thì bán nhưng mấy năm nay giá không ngừng giảm. Mới đây, vườn bời lời 3,5 sào chỉ được thương lái trả giá 16 triệu đồng. Ông Ích chia sẻ: “Ngoài bời lời là cây trồng chính, nhà tôi còn trồng thêm 1 ha lúa rẫy nhưng vừa rồi thu hoạch chỉ được hơn 1 bao vì trời mưa nhiều xói mòn đất khiến lúa hư hết. Giá bời lời rẻ như cho thế này, tôi không muốn bán đâu nhưng tới lúc cần tiền mà xoay không ra thì chắc cũng phải bán”.
Theo thống kê của UBND xã Ia Kreng, năm 2018, toàn xã có 302 ha bời lời (tăng khoảng 100 ha so với năm 2017); trong đó, có 95 hộ trên địa bàn xã được huyện Chư Pah hỗ trợ cây giống trồng 90 ha bời lời (trung bình 2.000 cây/ha). Ông Phạm Thanh Xuân-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng-cho biết: Ia Kreng là xã khó khăn nhất của huyện Chư Pah. Toàn xã có 508 hộ với 97% là người Jrai, trong đó hộ nghèo chiếm gần 52%. “Ở đây đất cằn cỗi, nguồn nước khan hiếm nên chỉ có trồng cây bời lời là thích hợp. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, giá bời lời xuống thấp đã ảnh hưởng lớn đến đời sống bà con. Người dân chủ yếu tự trồng rồi tự bán, xã chưa có hợp tác xã hay tổ hợp tác để làm đầu mối trong quá trình sản xuất và tìm đầu ra ổn định cho bời lời”-ông Xuân thông tin thêm.
Tại xã Hà Đông, nơi có diện tích bời lời lớn nhất huyện Đak Đoa với hơn 750 ha, người dân cũng đang nếm trải một mùa bời lời “kém ngọt”. “Làng mình ai cũng trồng bời lời, hộ nhiều nhất hơn 10.000 cây, ít cũng 2.000 cây. Nếu trước đây, khi bời lời được giá, thương lái vào tận nơi để tìm mua thì giờ đây, bà con phải tập trung sản phẩm lại chở ra trung tâm huyện bán. Không chỉ vậy, thay vì thu mua toàn bộ rễ, thân, vỏ, lá như trước, bời lời bây giờ chỉ bán được vỏ sau khi đã phơi khô với giá cao nhất là 10.000 đồng/kg. Cuộc sống dân làng giờ chỉ còn trông đợi vào cây mì thôi”-anh Tah-Phó Trưởng thôn Kon Mahar (xã Hà Đông) tâm sự.
Trồng ồ ạt khiến cung vượt cầu
Cách đây gần 3 thập niên, ngành nông nghiệp tỉnh bắt đầu vận động người dân đưa những cây bời lời đầu tiên từ rừng xuống trồng trên các vùng đất xấu, bạc màu. Đây là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và cho thu hoạch toàn bộ sản phẩm. Với giá cả ổn định nhiều năm liền, cây bời lời chứng tỏ hiệu quả kinh tế rõ rệt và mặc nhiên trở thành cây trồng xóa đói giảm nghèo ở những địa phương khó khăn, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đúng như sự kỳ vọng của nhiều người.
Ông Siu Em bên vườn cà phê vừa trồng sau khi phá bỏ bời lời. Ảnh: C.H
Ông Siu Em bên vườn cà phê vừa trồng sau khi phá bỏ bời lời. Ảnh: C.H
Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho hay: Từ các nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… huyện đã hỗ trợ giống cây bời lời cùng phân bón cho người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trồng trên đất lâm nghiệp. Sau 2-3 năm, địa phương bắt đầu hướng dẫn kỹ thuật cho bà con tự ươm giống để trồng nhằm giảm một phần chi phí. Theo khảo sát, cây bời lời trồng ở Đak Đoa chỉ thua vùng Mang Yang về chất lượng nhưng sản lượng lại cao hơn với năng suất bình quân 10-12 tấn vỏ khô/ha. Là cây bản địa nên bời lời sinh trưởng, phát triển khá tốt. Trồng bời lời không tốn nhiều công chăm sóc, chỉ cần quan tâm phòng-chống cháy, khai thác lần đầu sau 5-6 năm và thu hoạch không phụ thuộc vào mùa vụ. Hơn nữa, đây còn là loại cây thay thế cho cây rừng, góp phần tăng độ che phủ và giữ đất lâm nghiệp. Người dân Đak Đoa chủ yếu phơi khô sản phẩm bời lời để bán, vừa tận dụng được công lao động nhàn rỗi, giá lại cao hơn so với bán tươi. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ cây bời lời. Cũng theo ông Hùng, năm 2018, người dân trồng thêm khoảng 50 ha, nâng tổng diện tích cây bời lời trên toàn huyện lên 1.427 ha, phân bố tập trung ở các xã: Hà Đông (750 ha), Đak Sơ Mei (205 ha), Đak Krong (155 ha)… Diện tích khai thác trong năm gần 110 ha.
Lợi ích kinh tế mà cây bời lời mang lại trong những năm trước là điều không thể phủ nhận. Do vậy, chẳng riêng huyện Đak Đoa, diện tích trồng bời lời tại các địa phương khác trong tỉnh như: Chư Pah, Mang Yang, Ia Grai, Chư Prông… cũng tăng dần qua các năm. Hiện các ngành chức năng chưa có thống kê chính xác diện tích bời lời trên địa bàn toàn tỉnh. Thế nhưng, điều đáng nói là phần diện tích do người dân trồng tự phát không theo quy hoạch chiếm tới gần 50% tổng diện tích bời lời của từng huyện. “Chính tình trạng này đã khiến cung vượt cầu, kéo giá bời lời liên tục tụt dốc trong những năm qua. Ngoài ra, việc người dân trồng không đúng kỹ thuật, trồng quá dày so với chuẩn trung bình 2.000 cây/ha, thiếu sự đầu tư chăm sóc… cũng làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng, sản lượng bời lời nên khi bán sẽ không được giá cao”-ông Nguyễn Văn Bình-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bình Nguyên Phát Gia Lai, một đơn vị thu mua bời lời trên địa bàn huyện Đak Đoa-lý giải.
Cần giải pháp hỗ trợ hữu hiệu

Ông Lê Bá Nghiêm-cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Bời lời không phải là cây trồng chủ lực của tỉnh và hiện trên địa bàn tỉnh chưa có mô hình sản xuất nào liên quan đến cây trồng này. Giá bời lời hiện tại chỉ bằng 1/3 so với các năm trước đây. Vì vậy, các hộ dân nên chuyển sang trồng cây ngắn ngày ở các vùng phụ cận để giải quyết những khó khăn trước mắt.

Trước thực tế trên, người trồng bời lời đã chủ động tìm cách khắc phục để ổn định đầu ra và giá cả cho cây bời lời. Trên cơ sở nhóm sở thích thu mua vỏ bời lời có sẵn từ Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (IFAD), người dân ở xã Hà Đông đã tiếp tục liên kết với Công ty TNHH một thành viên Bình Nguyên Phát Gia Lai để bao tiêu hơn 100 tấn vỏ bời lời mỗi năm cho tất cả bà con trên địa bàn xã với mức giá thu mua luôn cao hơn thị trường 500 đồng/kg. Cùng với đó, Công ty còn cử nhân viên hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác để bời lời đạt chuẩn chất lượng và hỗ trợ thêm 5 máy sơ chế lá bời lời cho dân nhằm tận thu tối đa các bộ phận của cây.
Chính quyền các địa phương có diện tích bời lời lớn cũng đã có động thái can thiệp tích cực. Theo ông Nguyễn Ngọc Quang-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, địa phương có khoảng 50% trong tổng số 2.500 ha bời lời có thể khai thác, tập trung nhiều nhất ở Ia Khươl, Ia Phí, Đak Tơ Ve, Hà Tây, Ia Kreng. “Khi giá bời lời giảm sâu ở mức 3.300-3.500 đồng/kg vỏ tươi, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT cùng các xã vận động nhân dân giữ bời lời trên vườn không bán, đợi tăng giá; tranh thủ nguồn thu nhập từ các loại nông sản ngắn ngày khác. Bên cạnh đó, huyện cũng đang xây dựng dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với cây bời lời trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ bà con về đầu ra ổn định cho cây trồng này; đồng thời khuyến cáo người dân không mở rộng, phát triển ồ ạt để góp phần ổn định giá cả bời lời trên thị trường”-ông Quang nói.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ nông dân trồng bời lời trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Hồng Lâm-Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Các hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng cây bời lời trên đất trống chưa có rừng được quy hoạch là rừng sản xuất, thuộc dự án hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2017-2020 của UBND huyện, thị xã, thành phố, đơn vị chủ rừng thì được hỗ trợ 7 triệu đồng/ha theo quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, địa phương chưa có chính sách đặc thù đối với loại cây trồng này.
Hồng Thi - Chí Hào

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Nhiều hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi trâu. Ảnh: N.M

Nuôi trâu làm giàu cơ nghiệp

(GLO)- Cách đây hơn 40 năm, các hộ dân tộc Tày, Nùng từ một số tỉnh phía Bắc vào xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp đã mang theo tập quán chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất. Về sau, người dân chuyển sang nuôi trâu thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

(GLO)- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.