Giảm nghèo từ việc phát triển cây bời lời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nhiều năm nay, huyện Đak Đoa đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Đối với vùng người Kinh có kinh nghiệm thâm canh thì đưa các loại cây kinh tế vào trồng như cao su, cà phê, hồ tiêu; còn ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì phát triển cây bời lời trên đất nương rẫy, đất hoang hóa. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Đak Đoa đã mang nhiều yếu tố bền vững, góp phần giảm nghèo nhanh và nhất là trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm xuống còn khoảng 20%-theo tiêu chí mới).
 

Hỗ trợ cây giống bời lời cho bà con để trồng trong vườn nhà.  Ảnh:  Nguyên Văn
Hỗ trợ cây giống bời lời cho bà con để trồng trong vườn nhà. Ảnh: Nguyên Văn

Đến nay, ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn huyện đã phát triển được hơn 1.000 ha cây bời lời, tập trung nhiều nhất ở các xã Hà Đông (600 ha), Hải Yang (140 ha), Đak Krong (70 ha)... và đã có hơn 100 ha đưa vào khai thác đạt hiệu quả kinh tế cao. Chu kỳ kinh doanh lần đầu có thời gian khoảng 8-10 năm và mỗi ha cho năng suất bình quân 10- 12 tấn vỏ khô, giá bình quân hiện nay vào khoảng 20.000 đồng-22.000 đồng/kg.

Như vậy mỗi ha cho thu nhập bình quân khoảng 220 triệu đồng-250 triệu đồng, cá biệt có một số vườn đầu tư, chăm sóc tốt, vườn cây sinh trưởng phát triển tốt mỗi ha cho thu nhập đến 350 triệu đồng. Ngoài vỏ khô, cây bời lời còn cho nguồn thu nhập thêm từ lá và thân cây, lá cây xay ra dùng để làm bột nhang, còn thân cây dùng làm bột giấy và dùng làm giá đỡ trong xây dựng… Bời lời là cây tái sinh rất mạnh, sau 4-6 năm cho thu hoạch lại lần 2, tiếp theo là lần 3 cũng sau chừng ấy năm; các lần thu hoạch sau đều tăng hơn giá trị khai thác so với lần đầu gấp 1,5 lần, bởi trên một gốc sau khi chặt hạ lại mọc thêm nhiều nhánh và cây khác.

 

Bời lời thuộc họ long não (Lauraceae), là loại cây rừng nhiệt đới rất dễ trồng, cây mọc được trên nhiều loại đất, chịu hạn giỏi và lá xanh quanh năm. Ở Gia Lai phổ biến có 2 loại: Bời lời đỏ và bời lời xanh theo màu sắc của vỏ cây. Bời lời xanh có vỏ mỏng, trơn, màu xám tro, loại này giá trị kém vì tỷ lệ nhớt chiết từ vỏ thấp còn bời lời đỏ có vỏ thân màu nâu, dày, xù xì, nhám, loại này có giá trị cao cả về năng suất và tiêu thụ, nhân dân đang phát triển mạnh cây bời lời đỏ.

Làng Đak Ioh (xã Đak Krong) có 72 hộ dân tộc Bahnar đều có trồng cây bời lời, hộ nhiều trồng được hơn 1.000 cây và hộ ít cũng trồng được từ 200-300 cây. Cá biệt có hộ ông Chring trồng đến 10.000 cây, trong đó có 1.000 cây trồng trong vườn nhà, 9.000 cây trồng trên đất nương rẫy gần rừng. Đã có nhiều hộ trong làng cho khai thác bời lời đợt 1 và thu được khoản tiền khá lớn, như hộ ông Hyưn khai thác trên 230 cây bán với giá 500.000 đồng/cây và thu được hơn 130 triệu đồng, hộ ông Chring có 1.000 cây qua 2 đợt khai thác bán và thu được gần 500 triệu đồng.

Già làng Hmek vui mừng cho biết: Từ năm 2000, làng Đak Ioh đã đưa cây bời lời vào trồng trong vườn nhà, đến nay đã có những nhà thu hoạch đến chu kỳ 2 và thu được nhiều tiền lắm. Nhiều hộ trong làng đã thoát nghèo bền vững từ cây bời lời, trong tương lai không xa khi đến chu kỳ khai thác đợt 2, đợt 3 thì số hộ giàu có sẽ tăng lên nhiều hơn… Ở xã Hà Đông cũng có rất nhiều hộ sau khi khai thác bời lời chu kỳ 1 có tiền gửi vào ngân hàng để lấy lãi, có hộ gửi 300-400 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc phát triển cây bời lời trong những năm qua trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn mang tính tự phát, chưa được đầu tư đúng mức nên có thời gian thu hoạch còn kéo dài.

Ông Lê Viết Phẩm-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa cho biết: Huyện đang có kế hoạch và biện pháp tích cực để mở rộng diện tích loại cây trồng này trong những năm tới, trên cơ sở hướng tới thâm canh tăng năng suất. Trước đây, chu kỳ khai thác lần đầu của cây bời lời phải mất thời gian trồng 8-10 năm, nay hướng dẫn cho bà con đi vào thâm canh ổn định, tiến tới trồng bằng hạt gieo ươm thay vì trồng bằng cây đưa từ rừng về, mỗi năm bón thêm một lần phân, cây sẽ tăng trưởng nhanh và thời gian cho khai thác chu kỳ đầu sẽ rút ngắn lại chỉ còn 5-7 năm. Theo đó là những chu kỳ lần sau cũng sẽ rút ngắn được 1/2 thời gian thu hoạch.

Nguyên Văn

Có thể bạn quan tâm

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.