Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn: Đưa sản phẩm ra thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhiều năm qua, thương hiệu chè Bàu Cạn đã vươn xa khắp thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, nhờ đầu tư máy móc, trang-thiết bị hiện đại cùng với việc áp dụng quy trình sản xuất chè, cà phê sạch ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm của Công ty ngày càng được người tiêu dùng biết đến, đánh giá cao. Công ty đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.



Từ sản xuất nông nghiệp sạch

Hiện nay, Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn đang chăm sóc, quản lý khai thác 450 ha chè, 400 ha cà phê trồng xen canh bơ booth. Những năm gần đây, Công ty đã chủ động cải tiến kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản chè, cà phê đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua hệ thống quản lý chất lượng ISO 22000:2005 và quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín, thương hiệu với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Hàng năm, Công ty chủ động phối hợp với Trung tâm Chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản vùng 2 (Đà Nẵng) tư vấn, chuyển giao ứng dụng quy trình quản lý thực hành sản xuất chè và cà phê theo hướng VietGAP. Theo đó, việc sản xuất chè và cà phê được quản lý chặt chẽ từ mẫu đất đến nước tưới, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Ban an toàn thực phẩm của Công ty phối hợp cùng Trung tâm kiểm tra, đánh giá định kỳ hàng năm các vườn cây, hướng dẫn công nhân sử dụng các loại phân bón hữu cơ nhằm tạo nguồn nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng để sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng cao. Nhờ quy trình chuẩn này, năng suất chè và cà phê của Công ty ngày một tăng. Nếu như trước đây, khi chưa áp dụng quy trình sản xuất chè búp tươi an toàn theo hướng VietGAP, năng suất bình quân chỉ đạt 4-4,5 tấn/ha, sản lượng hàng năm khoảng 1.800-2.025 tấn chè búp tươi thì hiện nay, năng suất tăng lên 5,8-6,2 tấn/năm, sản lượng chè búp tươi đạt 2.600-2.800 tấn/năm. Năng suất cà phê cũng tăng từ 15 tấn quả tươi/ha lên 18 tấn quả tươi/ha/năm. Chất lượng sản phẩm chè và cà phê của Công ty cũng được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao.

 Công nhân thu hoạch chè. Ảnh: N.D
Công nhân thu hoạch chè. Ảnh: N.D



Là người phụ trách việc theo dõi, hướng dẫn quy trình sản xuất chè và cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty, ông Nguyễn Cao Đình Hưng-Phó Trưởng phòng Kế hoạch-cho biết: “Sản xuất chè và cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP đã được Công ty thực hiện từ nhiều năm nay. Theo đó, đến kỳ bón phân, công nhân phải thực hiện theo đúng từng lô, mẫu. Đặc biệt, chỉ sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép của cơ quan chức năng dưới sự giám sát của Công ty. Chất lượng nguồn nước tưới cũng được kiểm tra chặt chẽ. Quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được giám sát nghiêm ngặt; công nhân phải thông báo ngày phun thuốc để có thời gian cách ly mới được thu hái trở lại. Bên cạnh đó, các đội thường xuyên tổ chức vệ sinh vườn chè, xử lý chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định”.

Cũng theo ông Hưng, hiện nay, quy trình này được thực hiện từ vùng nguyên liệu cho đến tận nhà máy chế biến. Đặc biệt, với cây cà phê, Công ty kiên quyết không cho thu hoạch quả còn xanh, chỉ thu hoạch khi vườn cây có tỷ lệ quả chín đạt 90% trở lên. Ngoài ra, Công ty còn có nhiều chính sách hỗ trợ, khen thưởng cho các đội, hộ thực hiện tốt quy trình thực hành sản xuất VietGAP.

Ông Trần Ngọc Hùng-Phó Đội trưởng Đội 2-cho biết thêm: “Cả đội có 52 hộ gia đình nhận khoán 115 ha chè và gần 50 ha cà phê. Từ trước đến nay, các hộ đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mà Công ty triển khai. Đến đợt bón phân, tưới nước, Công ty cùng chủ hộ nhận khoán đi từng lô để kiểm tra thực tế. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây chè và cà phê rất tốt, vừa bảo vệ sức khỏe cho công nhân, vừa bảo vệ môi trường sống xung quanh, đồng thời năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt”.

Đến ứng dụng công nghệ cao

Cây chè có mặt trên vùng đất Bàu Cạn từ năm 1923. Qua thời gian, công nghệ chế biến chè ngày càng phát triển nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao như: trà xanh, trà đen theo quy trình OTD và CTC. Vài năm trở lại đây, những công nghệ mới, hiện đại được ứng dụng từng phần trong sản xuất chè như: hệ thống làm ráo, héo chè; diệt men; vò sàng đánh tơi chè; phân loại, tách màu; đóng gói tự động và hệ thống chế biến chè Ma cha công nghệ Nhật Bản… càng giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè Bàu Cạn trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, năm 2017, sau khi cổ phần hóa, Công ty đã mời các chuyên gia và doanh nghiệp có uy tín trong ngành cà phê về đánh giá chất lượng, tìm cơ hội phát triển cà phê sạch chất lượng cao. Qua đó, Công ty đã đầu tư 5,2 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến cà phê ướt bằng công nghệ cao. Qua đó, sản phẩm cà phê của Công ty đã được Công ty Golden Bean ký kết hợp đồng bao tiêu với giá trị tăng thêm từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng/kg, cao hơn so với công nghệ chế biến khô, giúp hạt cà phê của Công ty vươn ra thị trường thế giới.  

Công nhân đang chăm sóc vườn chè. Ảnh: Nguyễn Diệp
Công nhân đang chăm sóc vườn chè. Ảnh: Nguyễn Diệp



Ông Đặng Trường Sanh-Giám đốc Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn-cho hay: “Trà và cà phê là 2 mặt hàng truyền thống chủ lực của Công ty từ nhiều năm nay. Vì vậy, đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến là hướng đi phù hợp trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Cách làm này vừa thân thiện với môi trường, vừa tiết kiệm năng lượng. Giá trị và chất lượng sản phẩm cũng ngày một nâng cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, đơn vị cũng đang triển khai trồng bơ booth 7 trên diện tích 450 ha theo hướng VietGAP và dự kiến sẽ cho thu hoạch 10.000 tấn/năm”.

Việc đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch đến ứng dụng công nghệ cao vào chế biến đã giúp Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Hiện Công ty đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn và cấp có thẩm quyền của tỉnh hoàn tất thủ tục trình các cấp, ngành xem xét công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.