Công ty Bơ Mỹ Hoàng Gia: Liên kết xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tập trung tạo ra sản phẩm chất lượng và có giá trị kinh tế cao là định hướng sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Bơ Mỹ Hoàng Gia (tổ 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai). Công ty cũng đã đồng hành cùng nông dân trong huyện để xây dựng vùng nguyên liệu trái cây đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Bơ Mỹ Hoàng Gia được thành lập năm 2017, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất cây giống, thu mua và chế biến trái cây. Năm 2019, Công ty quyết định phối hợp với Hội Nông dân huyện Ia Grai triển khai chương trình tư vấn chuyển đổi cây ăn quả cho nông dân trên địa bàn 13 xã, thị trấn. Thông qua chương trình này, Công ty đã giới thiệu đến bà con các giống bơ chọn lọc ngoại nhập như Hass, Lamb Hass, Reed, Pinkerton hoặc các giống sầu riêng Thái Lan, mít Thái Lan... Không chỉ cam kết đảm bảo chất lượng nguồn giống cung cấp, Công ty còn trực tiếp tư vấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc cho từng nông hộ, đồng thời ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch.
 Các giống bơ Mỹ do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Bơ Mỹ Hoàng Gia cung cấp đã được chứng nhận đầu dòng bơ Mỹ tại Việt Nam. Ảnh: S.C
Các giống bơ Mỹ do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Bơ Mỹ Hoàng Gia cung cấp đã được chứng nhận đầu dòng bơ Mỹ tại Việt Nam. Ảnh: S.C
Ông Bùi Văn Thi-Phó Giám đốc Công ty Bơ Mỹ Hoàng Gia-chia sẻ: “Trước khi quyết định xây dựng vùng nguyên liệu, chúng tôi đã trồng khảo nghiệm tại trang trại của Công ty từ năm 2012 đến 2016 và nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, biên độ nhiệt tại Ia Grai rất thích hợp để trồng các giống bơ Mỹ, đặc biệt là dòng bơ Hass vốn được mệnh danh là “Vàng xanh”, rất được thị trường thế giới ưa chuộng. Chỉ cần xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, sản phẩm có chất lượng khác biệt thì bơ Hass nói riêng và các dòng trái cây nói chung không phải lo lắng về đầu ra”. 
Có sẵn trang trại để thực nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất lẫn quy trình canh tác vi sinh hữu cơ thuận tự nhiên, hóa học có kiểm soát, Công ty Bơ Mỹ Hoàng Gia được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Ia Grai và các địa phương lân cận đến tham quan, học hỏi và mua giống. Ngoài ra, nhiều đối tác ở Indonesia, Malaysia, Singapore, Ấn Độ cũng đã đến trang trại của Công ty để đặt mua cây giống bơ Hass với số lượng lớn.
Theo ông Phan Đình Thắm-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai, hiện nay, diện tích cây ăn quả các loại trên địa bàn huyện đã xấp xỉ 8.000 ha. Mô hình liên kết hợp tác sản xuất giữa Công ty Bơ Mỹ Hoàng Gia và nông dân là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dòng cây ăn quả của địa phương theo đúng quy hoạch, có sự định hướng lâu dài. Tham gia liên kết, người dân nhận thấy quyền lợi rõ ràng, được hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc để sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và được bao tiêu đầu ra.
Là một trong những nông dân tham gia liên kết trồng bơ Hass với Công ty Bơ Mỹ Hoàng Gia, từ năm 2017, ông Nguyễn Văn Quân (tổ 7, thị trấn Ia Kha) bắt đầu chuyển đổi 3 ha cao su của gia đình sang trồng cà phê, kết hợp xen canh các loại cây ăn quả như: bơ Hass, sầu riêng, mít, chôm chôm. Toàn bộ 250 cây giống bơ Hass, ông đều mua của Công ty Bơ Mỹ Hoàng Gia. Ông Quân cho biết: “Có Công ty Bơ Mỹ Hoàng Gia cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, cam kết thu mua sản phẩm nên tôi yên tâm hơn khi đầu tư. Thay vì chạy theo sản lượng, tôi chỉ cần tập trung chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật để quả bơ đạt mẫu mã, chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu”. Trong năm 2019, một số cây bơ Hass của ông bắt đầu cho thu bói và được Công ty thu mua với giá 60 ngàn đồng/kg bơ loại I, 35 ngàn đồng/kg bơ loại II. Theo tính toán của ông Quân, chi phí đầu tư cho cây bơ Hass chỉ tầm 100 ngàn đồng/cây/năm. Đến năm 2020, khi vườn bơ bước vào thời kỳ kinh doanh, sản lượng quả bình quân đạt 30-50 kg/cây thì người trồng sẽ có thêm nguồn thu nhập khá ổn định.      
Theo nhận định của Công ty Bơ Mỹ Hoàng Gia, với quỹ đất nông nghiệp lớn, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất thích hợp để phát triển các dòng cây ăn quả, trong 5 năm tới đây, Gia Lai sẽ trở thành vùng nguyên liệu với tiềm năng khai thác rất lớn. Để đón đầu xu thế phát triển, gia tăng giá trị kinh tế sau thu hoạch, Công ty đã đầu tư hệ thống phòng lạnh để chế biến sản phẩm cùng hệ thống cấp đông với công nghệ tiên tiến nhất. Ngay trong năm nay, Công ty đã tiến hành thu mua và thực hiện cấp đông các loại trái cây như sầu riêng, mãng cầu, chanh dây để xuất đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố lớn. Bên cạnh đó, Công ty đang xúc tiến hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế và chế biến trái cây xuất khẩu ở huyện Ia Grai để khai thác vùng nguyên liệu tại chỗ và các địa bàn lân cận như: Chư Pah, Chư Prông, Đức Cơ... “Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định tập trung vào thị trường trái cây xuất khẩu, sản phẩm trái cây cấp đông công nghệ IQF, sản phẩm trái cây công nghệ sấy thăng hoa. Để dự án sớm triển khai, chúng tôi rất mong được các cấp chính quyền ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiến hành xây dựng nhà máy theo kế hoạch đề ra”-Phó Giám đốc Công ty Bơ Mỹ Hoàng Gia đề xuất.
Được biết, dự án nhà máy sơ chế và chế biến trái cây xuất khẩu của Công ty Bơ Mỹ Hoàng Gia sẽ đặt tại tổ 1, thị trấn Ia Kha. Nhà máy có quy mô công suất thiết kế 1.000 tấn sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng; diện tích đất sử dụng 17.040 m2, quy mô xây dựng bao gồm 4 nhà xưởng, khu văn phòng và các công trình phụ trợ. Công ty sẽ đầu tư ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại nhằm đảm bảo sản phẩm đầu ra đạt chất lượng cao, cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Trung Quốc...
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.